Quốc tế 16/05/2024 12:04

Nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc chưa thể mang lại sự yên tâm, đà phục hồi còn nhiều 'dấu hỏi'

TDoanh số bán lẻ tại Trung Quốc trong tháng 4 tăng chậm nhất hai năm trở lại đây, bằng chứng cho thấy quá trình phục hồi của nền kinh tế số hai thế giới vẫn chưa vững chắc.

Doanh số bán lẻ tại Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ chậm nhất kể từ năm 2022 trong khi sản lượng công nghiệp tiếp tục tăng tốc, qua đó phản ánh thực tế quá trình phục hồi của nền kinh tế số hai thế giới chưa có được sự ổn định cao. 

Cụ thể, chi tiêu, tiêu dùng của người dân Trung Quốc ghi nhận mức tăng 2,3% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn dự báo 3,7% của giới chuyên gia và kết quả 3,1% của tháng liền kề trước đó. Bên cạnh đó, sản lượng công nghiệp tăng 6,7% trong cùng giai đoạn, vượt nhận định của thị trường. 

Doanh số bán lẻ tại Trung Quốc chưa có sự bứt phá

Lĩnh vực sản xuất phục vụ hoạt động xuất khẩu chính là trụ cột giúp kinh tế Trung Quốc trụ vững năm vừa qua trong bối cảnh cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản lan rộng, tác động tiêu cực tới nhu cầu tiêu dùng trong nước. Kim ngạch xuất khẩu đã tăng trưởng trở lại trong tháng 4 nhưng lạm phát vẫn neo rất thấp. Tín dụng cũng lần đầu tiên sụt giảm kể từ năm 2005, qua đó phản ánh sức bật chưa quá mạnh mẽ của nền kinh tế số hai thế giới. 

Một số dữ kiện khác cũng góp phần củng cố quan điểm trên. Đầu tư tài sản cố định tăng 4,2% trong giai đoạn 4 tháng đầu năm nhưng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản giảm 9,8%. Tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực thành thị ở ngưỡng 5%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với cuối tháng 3. 

“Nhìn chung, nền kinh tế vẫn duy trì được sự ổn định nhất định trong tháng 4”, Liu Aihua, người phát ngôn Cục Thống kê Trung Quốc (NBS), chia sẻ. Theo bà, một số dữ liệu thấp hơn kỳ vọng bắt nguồn từ ngưỡng nền cao và yếu tố mùa vụ. “Những động lực tăng trưởng mới vẫn duy trì tốc độ mở rộng tốt. Nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi”, bà nhận định. Tuy nhiên, NBS nhấn mạnh kinh tế Trung Quốc vẫn phải đối diện với nhiều thách thức bao gồm môi trường quốc tế “bất ổn và phức tạp. 

Còn theo, Larry Hu, Chuyên gia tới từ Macquarie Group,  “điểm nhấn lớn nhất rút ra từ các báo cáo trên là quá trình phục hồi của Trung Quốc không đồng nhất”. . Những dữ liệu trái chiều có thể buộc chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ thời gian tới. 

Doanh số bán lẻ tăng chậm hơn kỳ vọng buộc Bắc Kinh phải đẩy nhanh kế hoạch hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong đó có chương trình thay thế thế đồ dùng cũ. Kể từ tháng trước, các cơ quan chức năng bắt đầu tung ra một số chính sách hỗ trợ tại nhiều địa phương, bao gồm tiền trợ cấp đổi ô tô mới. 

“Tác động từ chương trình thu cũ đổi mới vẫn chưa hiện rõ”, Bruce Pang, Kinh tế trưởng thị trường Trung Quốc tại Jones Lang LaSalle, cho biết. Theo ông, triển vọng kém sáng của của nền kinh tế vẫn sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới quyết định chi tiền của người dân. “Nhìn chung, kỳ vọng của người tiêu dùng vẫn chưa đảo chiều”, ông bổ sung. 

Chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ tung ra nhiều hơn các giải pháp hỗ trợ thời gian tới. Kể từ ngày 17/5, Bắc Kinh sẽ bắt đầu chào bán lô trái phiếu đặc biệt trị giá 1.000 tỷ nhân dân tệ (138 tỷ USD) để có tiền tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng phục vụ tăng trưởng. 

Ngoài ra, phương án cho phép chính quyền các địa phương mua lại nhà tồn kho cũng đang được tính đến. Ý tưởng trên sẽ giúp các doanh nghiệp phát triển bất động sản có thêm nguồn lực tài chính để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại. 

“Thị trường bất động sản vẫn là mắt xích yếu nhất”, Raymond Yeung, Chuyên gia tới từ Ngân hàng ANZ, nhận định. “Các cơ quan chức năng đang hướng tới việc giải quyết lượng hàng tồn kho lớn. Nhưng tác động từ những giải pháp hỗ trợ vẫn là một dấu hỏi”, ông chia sẻ. 

Đại Phú

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *