Trước diễn biến tăng nhiệt của lạm phát trong tháng 10, các quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tỏ ra thận trọng trong cuộc họp chính sách tiền tệ gần nhất.
Thậm chí, ngay cả khi lạm phát tiếp tục suy yếu về ngưỡng mục tiêu 2%, “việc giảm chậm lãi suất” vẫn là phương án phù hợp, theo biên bản cuộc họp diễn ra trong hai ngày 6-7/11 vừa qua.
Chính tâm lý thận trọng này khiến cho tín hiệu về kết quả cuộc họp tiếp theo trở nên mù mịt. Hiện tại, xác suất Fed thêm một lần giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong kỳ họp giữa tháng 12 tới rơi vào khoảng 50%, theo công cụ FedWatch của CME Group. Còn theo giới chuyên gia, Ngân hàng trung ương Mỹ có thể có lần cắt giảm lãi suất lần thứ ba trong năm nay nhưng hoàn toàn có thể dừng lại trong những cuộc họp tiếp theo trong năm 2025.
Kathy Bostjancic, Kinh tế trưởng tại Nationwide, dự báo Fed sẽ cắt giảm lãi suất 0,25% tháng tới. Nhưng các quan chức NHTW có thể “dừng lại” vào giai đoạn đầu năm sau nhằm đánh giá những thay đổi chính sách dưới nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống đắc cử Donald Trump và tác động của chúng tới tình hình kinh tế và lạm phát, bà giải thích.
Trong tháng 9, Fed đã phát tín hiệu về khả năng giảm lãi suất 4 lần trong năm tới. Nhưng kể từ đó, kỳ vọng về số lượng các lần cắt giảm cũng giảm dần. Nền kinh tế số một thế giới vẫn tăng trưởng tốt trong khi đà rơi của lạm phát chững lại khi về sát ngưỡng mục tiêu 2%. Và với chiến thắng của ông Trump với quan điểm bảo hộ thương mại quyết liệt, áp lực lạm phát hoàn toàn có thể gia tăng trở lại.
Đó cũng chính là lý do mà các nhà hoạch định chính sách tiền tệ tại Fed nhấn mạnh sự thiếu chắc chắn về dư địa cắt giảm lãi suất thời gian tới. Quan điểm về ngưỡng lãi suất trung tính (không kéo giảm cũng không giúp mở rộng nền kinh tế) vẫn là chủ đề gây nhiều tranh cãi. Do đó, giảm chậm lãi suất là phương án mà họ ủng hộ trong cuộc họp này.
Fed đang nỗ lực “hiệu chỉnh” chính sách. Họ không muốn giảm lãi suất quá nhanh hoặc quá chậm. Nếu lạm phát neo quá cao, Fed có thể “dừng” giảm lãi suất, theo nội dung biên bản cuộc họp. Nhưng nếu nền kinh tế “đi” chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, tốc độ giảm lãi suất sẽ được đẩy nhanh.