Một kịch bản phức tạp đang dần hình thành xung quanh “điểm nóng” thuế quan, đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: nên tập trung kiềm chế lạm phát hay thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhiều nhà kinh tế cảnh báo thuế quan sẽ vừa làm tăng giá hàng hóa vừa kìm hãm tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Vấn đề chính nằm ở mức độ tác động và liệu Fed có cần điều chỉnh mạnh chính sách tiền tệ hay không.
“Thuế quan gây ra cú sốc giá cả nhưng sức mạnh của đồng USD so với các đồng tiền của các nước chịu thuế sẽ giúp phần nào bù đắp tác động tiêu cực đó trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về dài hạn, thuế quan thường không mang lại lợi ích cho tăng trưởng kinh tế. Những yếu tố trên kết hợp lại khiến Fed rơi vào thế khó”, Kathy Jones, Giám đốc chiến lược sản phẩm thu nhập cố định tại Charles Schwab, nhận định.
Hiện tại, căng thẳng thuế quan giữa ông Trump với ba đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, bao gồm Trung Quốc, Canada và Mexico, vẫn đang diễn biến phức tạp. Kế hoạch áp thuế đối với Canada và Mexico đã được tạm thời trì hoãn, cho phép ông Trump có thêm thời gian đàm phán với lãnh đạo hai quốc gia này. Tuy nhiên, mối quan hệ với Trung Quốc đang xấu đi nhanh chóng, dẫn đến hành vi “ăn miếng trả miếng”, điều khiến cho các thị trường tài chính lo ngại.
Lịch sử không phải lúc nào cũng đúng
Giới kinh tế học lâu nay xem thuế quan là yếu tố làm tăng giá hàng hóa, nhưng lịch sử lại không hoàn toàn khẳng định điều này. Chẳng hạn, đạo luật thuế quan Smoot-Hawley năm 1930 đã sản sinh ra áp lực giảm phát khi góp phần làm trầm trọng thêm cuộc Đại suy thoái.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump xây cao hàng rào thuế quan trong bối cảnh lạm phát thấp, và Fed khi đó đang phải tăng lãi suất để đạt mức “trung lập”. Kết quả là ngành sản xuất của Mỹ rơi vào suy thoái vào năm 2019 nhưng may mắn không kéo theo toàn bộ nền kinh tế.
Lần này, thay vì áp dụng thuế quan có chọn lọc như trước, ông Trump đe dọa áp thuế trên diện rộng, điều có thể làm thay đổi cách thức Fed đưa ra quyết định chính sách tiền tệ.
Theo dự báo của Schwab, nếu các cam kết áp thuế mà ông Trump đã từng nêu được thực hiện đầy đủ, GDP của Mỹ có thể giảm 1,2 điểm phần trăm, trong khi lạm phát cơ bản có thể tăng thêm 0,7 điểm phần trăm, đẩy lạm phát lên trên 3% trong những tháng tới.
“Thuế quan rộng hơn sẽ có tác động lớn hơn đến cả giá cả lẫn tăng trưởng,” Jones nhận định. “Tôi cho rằng Fed sẽ giữ nguyên chính sách lãi suất trong khoảng thời gian dài hơn vì lo ngại tác động của thuế quan đến thị trường. Nhưng ngay cả khi giá cả leo thang, Fed vẫn buộc phải tiếp tục nới lỏng chính sách vào cuối năm nay, năm sau hoặc bất cứ khi nào tác động của thuế quan lên tăng trưởng bắt đầu rõ rệt”.
“Fed thực sự đang ở thế khó, vì đây là con dao hai lưỡi” bà nói thêm.
Fed sẽ tiếp tục giữ nguyên lãi suất?
Hiện tại, thị trường tài chính dự đoán Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong vài tháng tới để theo dõi tác động thực tế của thuế quan, cũng như đánh giá ảnh hưởng từ các đợt cắt giảm lãi suất trước đó với tổng mức giảm tròn 1 điểm phần trăm.
Nếu một trong các bên liên quan nhượng bộ hoặc tác động của thuế quan đến lạm phát không quá nghiêm trọng, Fed có thể tập trung trở lại vào nhiệm vụ thúc đẩy việc làm và nền kinh tế khi lo ngại về lạm phát giảm bớt.
“Họ đang rất thoải mái với lập trường hiện tại khi các tranh chấp thuế quan chưa làm thay đổi điều đó, đặc biệt khi chúng ta vẫn chưa biết chính sách cuối cùng sẽ ra sao”, Eric Winograd, Giám đốc nghiên cứu thị trường phát triển tại AllianceBernstein, nhận xét. “Sẽ mất nhiều tháng trước khi cuộc chiến này thực sự có tác động đến quyết định của Fed”, ông bổ sung.
Nhiều yếu tố chưa chắc chắn
Winograd là một trong số những chuyên gia cho rằng thuế quan có thể khiến một số mặt hàng tăng giá nhưng khó có thể tạo ra lạm phát ẩn, yếu tố Fed cân nhắc kỹ trước khi đưa ra chính sách tiền tệ.
Quan điểm này cũng phù hợp với phát biểu gần đây của một số quan chức Fed. Họ cho rằng thuế quan sẽ chỉ tác động đến quyết định chính sách nếu nó gây ra một cuộc chiến thương mại trên diện rộng hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến các yếu tố cung và cầu.
“Có rất nhiều yếu tố chưa chắc chắn về cách chính sách thuế quan được triển khai cũng như phản ứng của các quốc gia bị áp thuế. Khi chưa biết chính xác điều gì sẽ xảy ra, chúng ta khó có thể dự đoán đúng tác động của chúng”, Chủ tịch Fed Boston - Susan Collins, nói trả lời phỏng vấn CNBC.
Về chính sách tiền tệ, bà cho biết Fed hiện đang duy trì lập trường “kiên nhẫn, thận trọng, và không có lý do cấp bách nào để điều chỉnh chính sách vào lúc này”.
Thị trường hiện tại vẫn mang kỳ vọng cao về khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào cuộc họp tháng 6 tới và sau đó có thể giảm thêm 0,25 điểm phần trăm vào tháng 12. Trong cuộc họp gần nhất, Fed quyết định giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang trong khoảng 4,25-4,5%.
Winograd cho rằng Fed có thể cắt giảm lãi suất hai hoặc ba lần trong năm nay, khả năng cao trong giai đoạn cuối năm khi tình hình thuế quan trở nên rõ ràng hơn.
“Nền kinh tế Mỹ nhìn chung ít chịu ảnh hưởng bởi tranh chấp thương mại, nên tôi nghĩ cuộc chiến thuế quan sẽ không có nhiều tác động lớn đến chính sách của Fed,” Winograd nói. “Thị trường đang giả định rằng Fed sẽ phản ứng ngay khi lạm phát tăng, nhưng thực tế không đơn giản như vậy”, ông bổ sung.