“Chính sách đồng USD mạnh không có gì thay đổi trong nhiệm kỳ mới của Tổng thống Trump”, ông Bessent nói trong một cuộc phỏng vấn với nhà báo Saleha Mohsin của Bloomberg hôm thứ năm (6/2). “Chúng luôn tôi muốn đồng USD mạnh. Ở chiều ngược lại, chúng tôi không muốn các quốc gia khác làm suy yếu đồng tiền của họ để thao túng thương mại”, ông nói thêm.
Ông Bessent tỏ ra quan ngại về việc một số quốc gia đang tích lũy thặng dư lớn, gây ra tình trạng mất cân bằng trong hệ thống giao dịch toàn cầu. Ông nhận định điều này có thể phần nào xuất phát từ tỷ giá hối đoái, đồng thời cho rằng chính sách “kìm hãm lãi suất” cũng có thể là một yếu tố cấu thành tại một số quốc gia.
Trong nhiều thập kỷ, các quan chức hàng đầu của Mỹ luôn đề cao giá trị của đồng USD, coi đó là bằng chứng cho thấy sự năng động của nền kinh tế số một thế giới.
Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, không ít người cho rằng chính sách đồng USD mạnh đã bị gạt sang một bên với quan điểm điều này làm giảm xuất khẩu của Mỹ và ảnh hưởng đến lợi nhuận ở nước ngoài của các tập đoàn đa quốc gia.
Dù vậy, đồng USD vẫn tăng mạnh trước và sau khi ông Trump đắc cử vào tháng 11 nhờ vào kỳ vọng rằng các chính sách của vị tân tổng thống, đặc biệt là tăng thuế nhập khẩu và cắt giảm thuế doanh nghiệp, sẽ thúc đẩy tăng trưởng, đẩy lạm phát lên cao và làm chậm tốc độ cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Trong chiến dịch tranh cử, Trump từng lên tiếng chỉ trích việc đồng USD tăng giá. Tuy nhiên, ông vẫn đưa ra cam kết duy trì vai trò thống trị toàn cầu của đồng bạc xanh và ủng hộ các chính sách được đánh giá giúp củng cố giá trị của đồng tiền này.
“Chúng tôi muốn thương mại công bằng. Góp phần hiện thực hóa mục tiêu đó là lập trường cứng rắn về tiền tệ và các điều khoản thương mại”, ông Bessent nói.