Trong quý III, nền kinh tế số một thế giới ghi nhận tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 2,8% so với cùng kỳ. Kết quả trên thấp hơn đôi chút so với mức tăng 3% của quý trước và dự báo 3,1% của giới chuyên gia. Theo quy định, kết quả tăng trưởng GDP sẽ được Bộ Thương mại Mỹ công bố 3 lần, và đây là lần đầu tiên.
Kết quả trên tiếp tục khẳng định sức mạnh nội tại của kinh tế Mỹ bất chấp môi trường chính sách tiền tệ thắt chặt, qua đó xoa dịu những quan ngại về một cuộc suy thoái.
Trong đó, trụ cột của nền kinh tế vẫn là chi tiêu, tiêu dùng. Số tiền mà người dân nước này đã chi trong quý vừa qua cao hơn 3,7% so với cùng kỳ, mạnh nhất kể từ quý I/2023. Điều này đóng góp 2,5 điểm phần trăm vào kết quả tăng trưởng chung.
Chi tiêu công cũng góp phần hỗ trợ tăng trưởng với mức tăng 9,7% trong cùng giai đoạn. Nổi bật nhất, chi tiêu cho quốc phòng bật nhảy tới 14,9%. Quý vừa qua, chi tiêu tài khóa liên bang đóng góp 0,6 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Tuy nhiên, điều này lại khiến thâm hụt ngân sách gia tăng lên 1.800 tỷ USD trong năm tài khóa 2024.
Ở chiều ngược lại, mức tăng 11,2% kim ngạch nhập khẩu, vốn bị khấu trừ khỏi GDP, trở thành lực cản lớn nhất, lấn át đi mức tăng 8,9% kim ngạch xuất khẩu.
Cũng trong báo cáo này, Fed đón nhận thêm tin vui từ lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng (PCE), thước đo áp lực giá cả ưa thích của cơ quan này, chỉ tăng 1,5% quý vừa qua, nằm dưới mục tiêu 2% đồng thời thấp hơn mức tăng 2,5% của quý liền kề trước đó. Tuy nhiên, khi loại bỏ đi chi phí năng lượng và thực phẩm, PCE lõi vẫn tăng 2,2% nhưng chỉ còn cao hơn mục tiêu 0,2 điểm phần trăm.
Báo cáo GDP quý III được công bố tại thời điểm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa mới bắt đầu chu kỳ giảm lãi suất. Với việc nền kinh tế vẫn giữ được sức mạnh trong khi lạm phát suy yếu, Fed có thêm sự tự tin để nới lỏng thêm chính sách tiền tệ, qua đó hỗ trợ tăng trưởng nhiều hơn so với giai đoạn hơn hai năm thắt chặt vừa qua. Ngân hàng trung ương Mỹ được dự báo sẽ giảm lãi suất thêm 0,25% trong kỳ họp khép lại vào ngày 7/11 tới.