Fica
  1. Quốc tế

Bứt tốc trong IV, Trung Quốc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 5% năm 2024

Đại Phú
Đại Phú

Quý IV là quý ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh nhất năm qua của kinh tế Trung Quốc.

Theo số liệu vừa được cơ quan thống kê công bố, Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5% trong năm 2024 với kết quả tích cực ghi nhận ở giai đoạn 3 tháng cuối cùng của năm. 

Cụ thể, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế số hai thế giới tăng 5,4% trong giai đoạn từ tháng 10-12 năm ngoái, vượt lên trên dự báo tăng 5% của giới chuyên gia. Đây là quý ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh nhất năm vừa qua, vượt lên trên mốc 5,3% của quý I; 4,7% của quý II và 4,6% của quý III. 

Dù vậy, cơ quan thống kê vẫn đưa ra cảnh báo: “Chúng ta cần hết sức cảnh giác trước những tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài trong khi nhu cầu nội địa vẫn chưa có nhiều cải thiện”. Cơ quan này kêu gọi chính phủ Trung Quốc triển khai “các chính sách vĩ mô một cách hiệu quả và chủ động hơn”. 

Bứt tốc trong IV, Trung Quốc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 5% năm 2024 - 1
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5% năm 2024 (Ảnh: Getty)

Góp phần vào kết quả tăng trưởng tốt của quý IV, doanh số bán lẻ tháng 12 tăng 3,7% so với cùng kỳ, cao hơn dự báo 3,5%. Sản lượng công nghiệp cũng cao hơn 6,2% trong cùng giai đoạn, tiếp tục vượt qua dự báo. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng sản lượng công nghiệp vẫn nhanh hơn doanh số bán lẻ, phản ánh sự chênh lệch giữa năng lực sản xuất và nhu cầu của thị trường, điều mà Trung Quốc đang tìm cách cải thiện thông qua nhiều chương trình hỗ trợ mua sắm.

Đầu tư tài sản trong cả năm 2024 tăng 3,2% dù đầu tư cho lĩnh vực bất động sản “tụt” mạnh 10,6%. Tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực thành thị tăng nhẹ từ 5% lên 5,1%. Thu nhập khả dụng của người dân thành phố tăng 4,4% trong khi của nhóm dân cư nông thôn tăng 6,6%. 

Dân số cả nước giảm 1,39 triệu người trong năm xuống còn 1,408 tỷ người. 

Nhằm thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế, chính phủ Trung Quốc đã đẩy mạnh triển khai các giải pháp hỗ trợ trong nửa cuối năm 2024. 

Cuối tháng 9, cơ quan chức năng đã giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong hệ thống ngân hàng, giảm lãi suất và giới thiệu gói hỗ trợ tài khóa kéo dài 5 năm lên tới 10.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1.400 tỷ USD). Số tiền này sẽ giúp chính quyền các địa phương vượt qua khó khăn về mặt tài chính. Bắc Kinh đồng thời mở rộng chương trình trợ cấp mua sắm, trao đổi đồ gia dụng và vật liệu đầu vào cho sản xuất. 

Trong năm 2025, Bắc Kinh cũng cam kết triển khai các giải pháp tài khóa “chủ động” hơn đồng thời “dần nới lỏng” chính sách tiền tệ, điều mà quốc gia này chưa từng làm trong hơn một thập kỷ qua. 

Một số chuyên gia kinh tế kỳ vọng các giải pháp quyết liệt đó sẽ bắt đầu phát huy tác dụng từ năm 2025 trở đi. Tuy nhiên, những kết quả từ bộ chính sách này vẫn cần thêm thời gian để xuất hiện rõ nét. 

Trong khi đó, nền kinh tế số hai thế giới cùng lúc phải đối mặt với nhiều thách thức bao gồm khủng hoảng thị trường bất động sản, niềm tin tiêu dùng - đầu tư yếu và áp lực giảm phát. Lạm phát tại Trung Quốc neo quanh mốc 0% phần lớn thời gian trong năm trong khi lạm phát sản xuất vừa ghi nhận tháng giảm thứ 27 liên tiếp.

Chính phủ Trung Quốc sẽ công bố mục tiêu tăng trưởng cho năm 2025 và nhiều giải pháp hỗ trợ bổ sung khác trong kỳ họp quốc hội tháng 3 tới. Giới chuyên gia dự báo Bắc Kinh sẽ tiếp tục giữ kế hoạch tăng trưởng năm nay ở ngưỡng 5%. 

Kết quả trên thể hiện tâm lý thận trọng khi mà chỉ còn vài ngày nữa, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ chính thức trở thành chủ nhân mới của Nhà Trắng, thay thế người tiền nhiệm Joe Biden. 

Ông Trump là người nổi tiếng mang quan điểm khắt khe đối với Trung Quốc. Trong quá trình tranh cử, ông đe dọa áp thuế từ 10-20% đối với hàng hóa toàn cầu nhập khẩu vào nước này. Nhưng riêng đối với Trung Quốc, tỷ lệ áp thuế có thể lên tới 60%. 

Nguồn: CNBC
Tin liên quan