Fica
  1. Quốc tế

Kinh tế Đức đi thụt lùi 2 năm liên tiếp

Đại Phú
Đại Phú

Nền kinh tế số một châu Âu cùng lúc phải đối diện với nhiều thách thức.

Kinh tế Đức "teo nhỏ" năm thứ hai liên tiếp, qua đó phô bày mức độ nghiêm trọng của những vấn đề mà nền kinh tế số một châu Âu đang vấp phải. 

Cụ thể, theo Văn phòng Thống kê quốc gia Đức (FSO), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia này “đi lùi” 0,2% trong năm 2024. Trước đó, trong năm 2023, kinh tế Đức cũng sụt giảm 0,3%. 

“Đức đang trải qua một giai đoạn kinh tế đình trệ dài nhất kể từ sau thế chiến”, Timo Wollmershäuser, Chuyên gia kinh tế tại Ifo, cho biết. Trên phương diện quốc tế, kinh tế Đức đang thụt lùi so với các nền kinh tế phát triển khác, ông bổ sung. 

Kinh tế Đức đi thụt lùi 2 năm liên tiếp - 1
GDP của Đức sụt giảm hai năm liên tiếp (Ảnh: Financial Times)

Chia sẻ về kết quả “nghèo nàn” của nền kinh tế, Ruth Brand, Chủ tịch FSO, cho biết: “nước Đức đang phải đối mặt với những áp lực mang tính chất chu kỳ và cấu trúc”. “Hoạt động xuất khẩu của đất nước đang vấp phải sức cạnh tranh lớn trong khi triển vọng tăng trưởng thiếu chắc chắn trong bối cảnh chi phí năng lượng và lãi suất neo cao”, ông bổ sung. 

Dù nền kinh tế nhen nhóm kỳ vọng hồi phục trong nửa đầu năm, tình hình bắt đầu xấu đi kể từ tháng 7. Trong quý cuối năm 2024, GDP của nền kinh tế thấp hơn 0,1% so với quý liền kề trước đó. 

Robin Winkler, Chuyên gia kinh tế tới từ Deutsche Bank, cho biết kết quả thất vọng trong quý IV là một sự ngạc nhiên đáng ngại. “Kinh tế Đức đã hoàn toàn mất động lực tăng trưởng trong giai đoạn cuối năm”, ông cho biết. Theo ông, nguyên nhân có thể bắt nguồn từ tình hình “bất ổn chính trị tại Berlin và Washington”. 

Hồi tháng trước, Ngân hàng trung ương Đức Bundesbank cảnh báo tình hình trì trệ có thể kéo dài sang năm 2025 với dự báo tăng trưởng khiêm tốn chỉ 0,1%. Tuy nhiên, nếu chiến tranh thương mại với Mỹ nổ ra, viễn cảnh kinh tế Đức sụt giảm năm thứ ba liên tiếp hoàn toàn có thể xảy ra. Trong quá trình tranh cử, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đe dọa áp thuế nhập khẩu lên tới 20% đối với toàn bộ hàng hóa từ các quốc gia khác trên thế giới. 

Ngoài ra, cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực sản xuất ô tô cũng đang kìm chân kinh tế Đức. “Niềm tự hào” của nước Đức giờ đang phải đối diện với áp lực cạnh tranh vô cùng lớn tới từ các đối thủ Trung Quốc. Các doanh nghiệp ô tô lớn của Đức đứng trước nguy cơ tụt hậu khi mà chi phí chuyển đổi sang sản xuất xe điện đắt đỏ trong khi giá năng lượng trong khu vực neo cao và nhu cầu thị trường yếu. 

Bức tranh ngành sản xuất nói chung cũng mang những gam màu tối khi sản lượng trong năm qua sụt giảm 3%; đầu tư của doanh nghiệp cho hoạt động sản xuất cũng giảm 2,8%. 

Kỳ vọng hiện tại đổ dồn vào chính phủ mới với các đường lối chính sách đúng đắn nhằm vực dậy nền kinh tế số một lục địa già. Cuộc bầu cử sẽ diễn ra sau đây 6 tuần. 

Tin liên quan