Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 sẽ đi ngang ở ngưỡng 2,8% khi hai nền kinh tế lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc tỏ ra “ì ạch”. Đây là nội dung trong báo cáo vừa được Liên Hợp Quốc (UN) công bố ngày 9/1.
Theo đó, báo cáo Thực tại và Triển vọng kinh tế toàn cầu của Ủy ban kinh tế và xã hội LHQ (UNDESA) cho biết “tình hình kinh tế thế giới năm 2025 vẫn tích cực nhờ vào sự hồi phục nhẹ của Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Anh và sức bật lớn của các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ và Indonesia bất chấp "lực cản" tới từ Mỹ và Trung Quốc”.
“Dù tiếp tục mở rộng, nền kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng với tốc độ chậm hơn so với giai đoạn tiền đại dịch Covid-19 2010-2019 (3,2%)”, UNDESA cho hay.
“Kết quả này phản ánh những thách thức mang tính cấu trúc đang xảy ra như đầu tư yếu, tăng trưởng năng suất chậm, tỷ lệ nợ cao và áp lực nhân khẩu học”, theo nội dung báo cáo.
Kinh tế Mỹ được dự báo suy yếu từ 2,8% (2024) xuống còn 1,9% trong năm 2025 khi mà thị trường lao động và tiêu dùng “hạ nhiệt”.
Trong khi đó, báo cáo cho biết tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc năm 2024 ước đạt 4,9% và sẽ giảm nhẹ còn 4,8% trong năm nay. Nền kinh tế số hai thế giới vẫn thiếu đi sức bật mạnh mẽ trước khủng hoảng thị trường bất động sản và tiêu dùng yếu dù sở hữu thế mạnh đầu tư công và xuất khẩu.
Theo báo cáo, châu Âu mang theo kỳ vọng phục hồi nhẹ với tốc độ tăng trưởng “nhích” từ 0,9% (2024) lên 1,3% trong năm 2025 “nhờ vào đà suy yếu của lạm phát và sức mạnh của thị trường lao động”, báo cáo cho hay.
Trong khi đó, Nam Á tiếp tục là khu vực tăng trưởng năng động nhất thế giới với 5,7% trong năm nay và 6% vào năm 2026. Sức bật mạnh của kinh tế Ấn Độ và sự phục hồi của các nền kinh tế khác như Bhutan, Nepal, Pakistan, Sri Lanka,... góp phần vào thành quả nói trên.
Ấn Độ, nền kinh tế số một Nam Á được dự báo tăng trưởng 6,6% năm 2025 và tăng lên 6,8% vào năm sau với hai trụ cột đầu tư và tiêu dùng tư nhân.
Cũng theo báo cáo này, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất khi mà lạm phát suy yếu. Lạm phát toàn cầu được dự báo giảm từ 4% (2024) xuống còn 3,4% trong năm nay, qua đó giảm nhẹ gánh nặng tài chính cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.
UNDESA kêu gọi các quốc gia phải chung tay hành động nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng quốc tế, bao gồm bất bình đẳng, thay đổi khí hậu và nợ công.
“Chỉ riêng việc nới lỏng chính sách tiền tệ là không đủ để vực dậy tăng trưởng toàn cầu và thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia”, theo nội dung báo cáo.