Theo báo cáo được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 27/11, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ liên bang (Fed), tăng 0,2% so với tháng trước và 2,3% so với cùng kỳ, đồng nhất với kỳ vọng của giới chuyên gia. Tuy nhiên, mức tăng vắt năm lại vượt lên trên kết quả 2,1% ghi nhận hồi tháng 9.
Nếu loại bỏ chi phí năng lượng và thực phẩm, PCE lõi ghi nhận mức tăng vắt tháng 0,3% và 2,8% so với tháng 10/2023, tiếp tục không gây bất ngờ. Cũng giống như PCE toàn phần, mức tăng vắt năm của chỉ số lõi cũng cao hơn so với tháng 9.
Lĩnh vực dịch vụ sản sinh ra nhiều áp lực lạm phát nhất trong tháng vừa qua với mức tăng giá 0,4%. Ở chiều ngược lại, chi phí hàng hóa lại đi lùi 0,1%. Bên cạnh đó, giá thực phẩm đi ngang trong khi giá năng lượng giảm (0,1%).
Ngân hàng trung ương Mỹ đặt mục tiêu mức tăng vắt năm ở ngưỡng 2%. Tuy nhiên, lạm phát tiêu dùng cá nhân chưa lần nào rơi xuống mốc này kể từ tháng 3/2021 dù đã suy yếu đáng kể sau khi đạt đỉnh 7,2% vào tháng 6/2022.
Bất chấp áp lực lạm phát gia tăng, thị trường vẫn mang sự tự tin lớn rằng Fed sẽ có lần giảm lãi suất thứ ba trong năm tại kỳ họp giữa tháng 12. Xác suất Fed thực hiện bước giảm 25 điểm cơ bản hiện neo ở ngưỡng 66% sau khi báo cáo được công bố, theo công cụ FedWatch của CME Group.
Và bất chấp áp lực lạm phát, chi tiêu tiêu dùng vẫn duy trì được sức mạnh trong tháng 10 với mức tăng 0,4%. Trong khi đó, thu nhập cá nhân cũng tăng 0,6%. Tỷ lệ tiết kiệm giảm xuống 4,4%, thấp nhất kể từ tháng 1/2023, theo kết quả báo cáo.
Fed theo dõi đồng thời nhiều dữ liệu lạm phát nhưng đặc biệt quan tâm tới kết quả PCE trong công tác dự báo và hoạch định chính sách. Báo cáo PCE có độ bao quát lớn hơn so với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khi phản ánh thêm hành vi của người tiêu dùng.
Báo cáo này được công bố sau khi Fed đã cắt giảm lãi suất hai lần vào tháng 9 và tháng 11 với tổng mức cắt giảm 75 điểm cơ bản. Trong kỳ họp gần nhất, các quan chức Fed vẫn thống nhất giảm lãi suất khi mang sự tự tin cao hơn về đà suy yếu của lạm phát. Tuy nhiên, với sức mạnh của nền kinh tế, diễn biến khó lường của lạm phát và chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, họ đều nghiêng về những bước đi “chậm” trong thời gian tới.