Fica
  1. Bất động sản

Nhiều điểm sáng vĩ mô có thể hỗ trợ mạnh mẽ cho thị trường bất động sản

Ninh An
Ninh An

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam ghi nhận nhiều điểm sáng có thể hỗ trợ mạnh mẽ cho ngành bất động sản trong thời gian tới.

Một trong những điểm sáng nhất về thông tin liên quan đến thị trường bất động sản trong 9 tháng là bối cảnh kinh tế vĩ mô khởi sắc, theo báo cáo mới của VPBankS. Cụ thể, GDP của Việt Nam đã tăng trưởng 7,4% trong quý III so với cùng kỳ năm trước, nâng mức tăng trưởng trong nửa đầu năm lên 6,82%, vượt qua các dự báo trước đó của các chuyên gia kinh tế.

Về tiềm năng tăng trưởng trong tương lai, Ngân hàng thế giới dự báo Việt Nam sẽ là quốc giá có tốc độ tăng trưởng GDP tăng dần từ năm 2024 đến năm 2026, đồng thời cũng đạt mức cao nhất so với quốc gia lân cận thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, lạm phát Việt Nam được kỳ vọng ổn định trong thời gian tới. Lạm phát chung trong 9 tháng chỉ tăng lên mức 3,88% bất chấp hiệu ứng nền cơ bản thấp của cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy Chính phủ có thể đã kiềm chế được tỷ lệ lạm phát bình quân trong mức muc tiêu 4,5% đã đề ra cho năm nay.

Trong các tháng còn lại của năm 2024, với hiệu ứng nền cơ bản cao trong quý IV năm 2023 tương đối cao, công chứng chứng khoán này đánh giá có thể sẽ giúp giảm bớt áp lực lạm phát. Từ đó Chính phủ có thể kiểm soát và đạt mục tiêu đã đề ra trong năm nay.

Ngoài ra, Ngân hàng thế giới cũng đã công bố dự báo lạm phát của Việt Nam và các quốc gia lân cận. Cụ thể, mức lạm phát của Việt Nam trong 2024 và 2025 sẽ ở mức ổn định so với các quốc gia lân cận, đồng thời lạm phát trong năm 2025 cũng sẽ giảm so với năm 2024.

Nhiều điểm sáng vĩ mô có thể hỗ trợ mạnh mẽ cho thị trường bất động sản - 1
Bối cảnh vĩ mô tích cực kỳ vọng sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho thị trường bất động sản (Ảnh: IT).

Tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng khả quan trong 9 tháng đầu năm đi kèm với lãi suất được duy trì ở mức thấp sẽ là yếu tố tích cực cho thị trường bất động sản. Với xu hướng giảm lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng từ năm 2023 cho đến hiện tại, quy mô dư nợ tin dụng tại tháng 9 đã đạt mức 14,4 triệu tỷ đồng, tương đương tốc độ tăng trưởng so với đầu năm đạt 7,38%.

Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2024 dự kiến có thể hoàn thành mục tiêu, do việc cấp tín dụng thường sẽ tích cực hơn trong những thời điểm cuối năm.

Dư nợ tín dụng của nhóm bất động sản đã đạt hơn 3 triệu tỷ đồng trong 9 tháng. Tuy nhiên sau mức tăng trưởng lên đến gần 24% trong năm 2022, nhóm ngành này đã tương đối chậm lại khi ghi nhận tốc độ tăng trưởng trong 2023 và 9 tháng đầu năm nay chỉ lần lượt ở mức 11,8% và 9,4% so với cuối năm 2023. Do đó tỷ lệ dư nợ bất động sản trên tổng dư nợ đã sụt giảm nhẹ từ mức đỉnh 21,6% trong năm 2022 về mức 21% trong 9 tháng qua.

Về cơ cấu theo chủ thể, tổng tín dụng của các chủ đầu tư là 1,27 triệu tỷ đồng, trong đó tỷ trọng của 4 phần khúc lớn gồm dân cư, khu công nghiệp, và quyền sử dụng đất lên đến hơn 53%. Tỷ lệ tín dụng người mua nhà đã sụt giảm từ 68,7% năm 2022 về mức 60,1% trong nửa đầu năm nay, cho thấy tâm lý ngại đi vay của người mua nhà do các điều kiện kinh tế khó khăn trong thời gian qua.

Tuy nhiên, với mức lãi suất cho vay thế chấp đã giảm mạnh từ đỉnh và duy trì ở mức thấp như hiện tại và sự kỳ vọng lãi suất thế chấp sẽ chỉ tăng nhẹ trong nửa cuối năm 2024, dự kiến ngành bất động sản sẽ có thể hồi phục nhẹ và bắt đầu tăng trưởng trở lại trong các năm sau đó.

Nguồn vốn FDI được đánh giá là một trong các yếu tố giúp thúc đẩy thị trường bất động sản. Để tiếp tục thu hút đáng kể nguồn vốn này, Chính phủ đã liên tục thúc đẩy đầu tư công trong nước với tăng trưởng kép lên đến 13%/năm từ 2014 đến 2023. Lũy kế 10 tháng đầu năm, giá trị đầu tư công đạt 495.900 tỷ đồng, tương đương 64,3% kế hoạch, tăng 1,8% so với cùng kỳ.

Công ty chứng khoán này kỳ vọng giá trị đầu tư công năm 2024 sẽ ổn định so với năm 2023. Mặt khác, tỷ lệ lực lượng lao động và thất nghiệp trong 9 tháng cũng đã duy trì xu hướng ổn định so với các năm khi lần lượt chỉ ở mức lần 68,6% và 2,3%.

Với sự khả quan từ nguồn vốn FDI sẽ mang đến nhiều cơ hội việc làm, từ đó tình trạng việc làm sẽ ổn định trong thời gian tới. Với 2 tác động tích cực đã nêu trên, ngành bất động sản nhà ở kỳ vọng sẽ ghi nhận các tín hiệu tích cực trong thời gian tới.