Fica
  1. Xe 360

Xe nhập Thái, Indonesia ùn ùn đổ bộ, xe trong nước lo bị mất sân nhà

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Tuần qua, lượng xe nhập khẩu về Việt Nam tiếp tục ghi nhận con số cao, dù là tháng ngâu. Theo ghi nhận của Tổng cục Hải quan, xe Thái Lan và Indonesia vào Việt Nam vẫn tăng khá mạnh. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, tiêu thụ xe lắp ráp trong nước lại có xu hướng giảm.

Xe con nhập khẩu tăng gấp 4 lần cùng kỳ năm trước

Tổng cục Hải quan vừa công bố số liệu về nhập khẩu xe hơi các loại trong 8 tháng qua. Đáng chú ý, lượng xe du lịch nhập về tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Người Việt đang tăng mua nhiều loại xe nhập hơn trước đây. 

Xe nhập Thái, Indonesia ùn ùn đổ bộ, xe trong nước lo bị mất sân nhà - 1

Theo báo cáo, con số nhập khẩu xe con dưới 9 chỗ ngồi 8 tháng qua đạt hơn 71.000 chiếc, bình quân mỗi tháng có khoảng 8.800 chiếc được nhập về và bán ra thị trường và mỗi ngày bán ra gần 300 chiếc xe nhập.

Tổng số xe nhập khẩu tháng 8 là hơn 9.400 chiếc, trong đó hơn 8.000 chiếc là xe con dưới 9 chỗ ngồi, chiếm hơn 85% lượng xe nhập.

Đáng chú ý, trong vòng suy giảm xe nhập ở tháng 8, lượng xe con dưới 9 chỗ ngồi chỉ giảm rất ít 158 chiếc (chưa đến 2%). Điều này cho thấy các doanh nghiệp vẫn nhập khẩu xe bình thường, bất chấp tháng "ngâu", tháng "cô hồn" như quan niệm của người Á Đông.

Lượng xe nhập 8 tháng qua đạt số lượng hơn 95.00 chiếc, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó, lượng xe con dưới 9 chỗ nhập về đạt hơn 71.000 chiếc, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước, xe tải các loại (trong đó chủ yếu là xe bán tải) có lượng nhập hơn 21.500 chiếc, gấp hơn 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tháng ngâu, tiêu thụ xe sedan giảm hàng nghìn chiếc

Hai tháng gần đây, lượng tiêu thụ các dòng xe đều giảm mạnh, thậm chí, "ngôi sao" của Toyota là Vios cũng giảm doanh số hàng trăm chiếc. Một trong những nguyên nhân là do tháng ngâu, nhu cầu xe giảm và đặc biệt sự cạnh tranh lớn từ các dòng xe SUV, MPV và xu hướng giảm chung của thị trường xe Việt Nam.

Xe nhập Thái, Indonesia ùn ùn đổ bộ, xe trong nước lo bị mất sân nhà - 2

Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tính trong tháng 8/2019, lượng xe sedan bán ra chỉ khoảng 6.800 chiếc, giảm hơn 2.300 chiếc so với tháng trước và nếu so với tháng 6, lượng xe sedan bán ra còn giảm khoảng 3.000 chiếc.

Các mẫu xe thuộc dòng sedan truyền thống đột ngột suy giảm mạnh hàng nghìn chiếc so với các tháng trước đó là do nhiều mẫu xe thuộc thương hiệu lớn suy giảm lượng bán ra đột ngột và ở mức báo động.

Trên thị trường, khá nhiều mẫu xe thuộc dòng sedan bị suy giảm doanh số, như Vios, Altis, Camry của Toyota; Mazda 3 của Trường Hải và City của Honda... Suy giảm mạnh nhất là Vios, mẫu xe chiến lược của dòng sedan và cũng là con cưng của Toyota tại Việt Nam.

Dù được giảm giá hàng chục triệu đồng liên tiếp trong các tháng gần đây nhưng theo thống kê, trong tháng 8, doanh số Vios chỉ đạt 1.900 chiếc, giảm 400 chiếc so với tháng trước và khoảng 1.400 chiếc so với tháng 6.

Hai năm đề xuất ưu đãi, xe nội vẫn thua xe nhập giá rẻ

Miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần linh kiện, phụ tùng trong nước đối với ô tô sẽ giúp giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải tăng tỷ lệ nội địa hóa lên 50% mới đủ sức lấn át được xe ngoại. 

Xe nhập Thái, Indonesia ùn ùn đổ bộ, xe trong nước lo bị mất sân nhà - 3

Thời gian gần đây, trong nhiều báo cáo liên quan ngành ô tô, Bộ Công Thương liên tục nhắc lại kiến nghị cũ: Không tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cho phần giá trị sản xuất trong nước, đồng thời, thêm đề xuất mới tăng thuế TTĐB đối với một số dòng xe nhất định. 

Tuy nhiên, trên thực tế, khoảng cách giá thành giữa giá xe nhập và xe nội hiện là 20%, đang ngày một dãn cách xa.

Về lý thuyết, mục đích của phương pháp tính thuế TTĐB trên là nhằm xóa bỏ khoảng cách giá giữa xe nội và xe ngoại. Xe càng có tỷ lệ nội địa hóa cao, phần miễn thuế càng lớn, giá tính thuế càng thấp, ô tô nội sẽ càng giảm sâu giá thành, tăng khả năng cạnh tranh với xe nhập khẩu. Nhưng, để bù lại được 20% chênh lệch giá xe nội cao hơn xe ngoại, ô tô trong nước phải đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 50% trở lên mới có hiệu quả.

Xe Thái vẫn tràn ngập thị trường dù cho nhu cầu xe suy giảm

 Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến hết tháng 8/2019, Việt Nam đã chi 2,136 tỷ USD (gần 50.000 tỷ đồng) để nhập khẩu 95.929 ô tô nguyên chiếc các loại. Trong đó, ô tô từ Thái Lan chiếm hơn 50%. Cụ thể, có 56.792 xe nguyên chiếc nhập từ Thái Lan, giá trị 1,1 tỷ USD. Riêng tháng 8/2019 tổng ô tô nhập  khẩu đạt 9.412 chiếc các loại thì nhập từ Thái Lan là 4.266 chiếc.

Xe nhập Thái, Indonesia ùn ùn đổ bộ, xe trong nước lo bị mất sân nhà - 4

Việt Nam đang trở thành thị trường nhập khẩu ô tô lớn từ Thái Lan. Với đà này, dự kiến cả năm 2019 kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ Thái Lan sẽ đạt khoảng 1,5 tỷ USD với khoảng 80.000 xe.

Giá xe nhập bình quân từ Thái Lan hiện nay là 19.369 USD/chiếc (tương đương hơn 450 triệu đồng), chưa bao gồm các loại thuế phí. Tuy nhiên, theo các DN, giá xe nhập từ Thái Lan sẽ còn giảm, dự báo sẽ xuống dưới 400 triệu đồng, do thị trường này đang bão hòa và sản lượng ô tô tăng nhanh nên có những chính sách khuyến khích xuất khẩu.

Xe nội quyết chiến dù "đuối sức" với xe nhập

Trong khi nhiều hãng xe liên doanh thu hẹp sản xuất, chuyển sang nhập khẩu thì có những hãng xe lội ngược dòng làm ngược lại. Song, ý chí quyết giữ nền sản xuất ô tô này đang cần một bệ đỡ chính sách hiệu quả hơn. 

Xe nhập Thái, Indonesia ùn ùn đổ bộ, xe trong nước lo bị mất sân nhà - 5

Đầu tiên phải kể đến là cuộc chuyển đổi từ nhập khẩu hoàn toàn sang lắp ráp tới gần 100% của Huyndai Thành Công (nay là TC Motor). Năm 2017, TC Motor có 4 mẫu xe nhập khẩu gồm i20 Ative, Creta, Sonata, Starex và 5 mẫu xe lắp ráp gồm Tucson, Accent, Grand i10, Elantra, Santafe.

Năm 2018, mặc dù thuế giảm 0%, TC Motor lại giảm nhập 4 mẫu xe rồi ngừng hẳn kể từ năm 2019. Cùng đó, hãng tăng sản xuất lắp ráp thêm 1 mẫu xe là Kona và đến nay, gần 100% xe bán ra là xe sản xuất lắp ráp.

Thaco Trường Hải cũng chuyển dần từ phân phối xe Kia thành sản xuất lắp ráp. Năm 2017, Kia còn có 10% là xe nhập khẩu với mẫu Kia Rio thì kể từ 2018, mẫu này dừng nhập, nhường toàn bộ thị trường cho 100%  là xe Kia sản xuất trong nước. Hãng có 6 mẫu gồm Morning, Cerato, Optima, Sorento, Rondo, Grand Sedona. Mới đây nhất, 14/9, Kia tiếp tục tung ra mẫu sedan trong nước giá rẻ nhất thị trường là Kia Soluto.

Đối với các hãng xe liên doanh,Mitsubishi là hãng bắt đầu chuyển hướng với việc đưa mẫu Outlander sang lắp ráp sản xuất trong nước năm 2018. Mẫu xe Xpander ăn khách cũng được hãng này lên kế hoạch nội địa hoá năm 2020. 

Việt Nam thành thị trường cho xe nhập ASEAN

Hơn 6.100 ô tô nguyên chiếc đã làm thủ tục thông quan vào Việt Nam trong nửa đầu tháng 9/2019, ô tô lắp ráp trong nước gần như tuyệt vọng trong công cuộc “chống đỡ” sự cạnh tranh từ các dòng xe miễn thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN khác như Thái Lan và Indonesia.

Xe nhập Thái, Indonesia ùn ùn đổ bộ, xe trong nước lo bị mất sân nhà - 6

Tính đến hết tháng 8/2019, Việt Nam đã nhập khẩu từ Thái Lan 56.792 xe đạt trị giá 1,14 tỷ USD, từ Indonesia là 28.169 xe, đạt trị giá 393,9 triệu USD. Chỉ riêng số xe từ hai thị trường này đã chiếm tới 87,9% lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam.

Điều này cho thấy các dòng xe giá rẻ từ ASEAN được đẩy mạnh vào Việt Nam ngày càng nhiều, khiến thị trường diễn ra một cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa xe nhập khẩu và xe lắp ráp trong nước.

Xe nội tăng lắp ráp ồ ạt để đấu xe nhập ?

Có vẻ như xe nhập khẩu không còn nhiều thời gian để lấn át xe lắp ráp trong nước, khi hàng loạt mẫu xe được các thương hiệu lớn trong nước tung ra để đón đầu mùa bán hàng cuối năm: KIA ra mắt Soluto, Ford gia nhập phân khúc minivan với mẫu Tourneo, Mitsubishi quyết tâm lắp Xpander...

Hiện thị trường xe trong nước có rất nhiều thương hiệu được lắp ráp nhằm hưởng lợi việc giảm giá thành. Các hãng đi đầu là Thaco - Trường Hải và Hyundai Thành Công, tiếp đó là Mitsubishi, Ford... đây là tín hiệu vui cho thấy nỗ lực và quyết tâm của các doanh nghiệp xe Việt nhằm gia tăng sự cạnh tranh với xe nhập khẩu để cung ứng cho thị trường nhiều loại xe có giá cả thấp, đủ năng lực cạnh tranh.

Xe nhập Thái, Indonesia ùn ùn đổ bộ, xe trong nước lo bị mất sân nhà - 7

Xe cũ giảm giá, coi chừng dính thuỷ kích

Thời gian gần đây, tình trạng ngập lụt liên tục xảy ra tại những thành phố lớn. Cũng vì thế mà không ít xe ô tô bị hư hỏng, nhẹ thì chập điện, nặng thì động cơ bị thủy kích.

Trao đổi với phóng viên, anh L.V.H (chủ một gara ôtô tại Bắc Ninh) cho biết, chi phí để sửa chữa những hỏng hóc liên quan đến động cơ xe ô tô không hề rẻ, nếu không muốn nói là rất đắt đỏ. Chi phí sửa một chiếc xe bị thủy kích, nhẹ thì vài chục triệu đồng, nặng thì vài trăm triệu.

"Chính vì chi phí sửa chữa đắt đỏ, xe sửa xong vẫn có thể xuất hiện lỗi vặt, "bệnh lạ" sau một thời gian sử dụng nên chủ sở hữu thường tìm cách bán tống bán tháo xe bị thủy kích. Họ chấp nhận bán với giá rẻ để thanh khoản rồi tìm cách mua xe mới chứ không tiếp tục sử dụng xe bị thủy kích.

Anh H. cho rằng, việc giá xe cũ giảm sâu trong thời gian qua có liên quan đến việc nhiều xe bị dính thủy kích trong những trận ngập lụt tại các thành phố lớn. Do vậy, những người có ý định mua xe cũ cần tính toán kỹ trước khi đưa ra quyết định.

An Linh

(Tổng hợp)

Xe nhập Thái, Indonesia ùn ùn đổ bộ, xe trong nước lo bị mất sân nhà - 8

Tin liên quan