Xe Thái, Indonesia ùn ùn vào Việt Nam
Chỉ hơn 20 ngày tháng 12, lượng xe nhập nguyên chiếc từ Thái Lan, Indonesia vào Việt Nam đã tăng mạnh gần đạt lượng nhập xe của cùng kỳ năm trước.
Theo thông kê của Tổng cục Hải quan, hết 20 ngày qua, tổng lượng xe nguyên chiếc nhập từ Thái Lan và Indonesia tiếp tục tăng mạnh với hơn 9.200 chiếc xe, chiếm hơn 90% tổng lượng xe nhập vào Việt Nam.
Xe nhập thuế 0% ùn ùn về Việt Nam
Từ ngày 01 đến hết ngày 22/12, Việt Nam đã nhập hơn 10.250 chiếc xe, trong đó hơn 7.200 chiếc xe con và hơn 2.789 chiếc xe bán tải, chiếm 97% lượng xe nhập vào Việt Nam.
Xe Thái vẫn chiếm lượng lớn xe nhập vào Việt Nam với hơn 6.700 chiếc, trong đó hơn 4.200 chiếc là xe dưới 9 chỗ ngồi và hơn 2.800 chiếc xe bán tải.
Xe Indonesia dù nhập ít hơn nhiều so với Thái Lan, song luôn đứng ở vị trí thứ 2, 20 ngày đầu tháng 12, xe xuất xứ từ nước này vào Việt Nam đạt hơn 2.000 chiếc, trong đó hơn 1.700 chiếc xe con dưới 9 chỗ ngồi, chiếm hơn 83% lượng xe nhập, số còn lại là xe bán tải nguyên chiếc.
Thực tế, càng gần cuối năm các loại xe từ Thái Lan, Indonesia càng nhập về Việt Nam số lượng nhiều hơn. Từ tháng 1 đến tháng 6/2018, lượng xe nhập trên thị trường chủ yếu là xe xuất xứ từ Thái Lan, xe từ Indonesia mới được nhập về Việt Nam trong tháng 7 và tháng 8/2018.
Từ tháng 9/2018, lượng xe nhập từ Thái Lan, Indonesia bắt đầu tăng mạnh khi ồ ạt các mẫu, dòng xe lạ được nhập về Việt Nam như HRV, Brio của Honda, rồi Rush, Avanza, Wigo của Toyota.
Với lợi thế thuế thuế nhập xe hơi bằng 0%, hầu hết các dòng xe nhập từ Thái Lan, Indonesia sớm thích nghi với thị trường Việt Nam dù cho mẫu xe khác nhau nhưng cùng thương hiệu, chất lượng và đặc biệt đánh đúng tâm lý, phân khúc giá xe phổ thông.
Lượng xe nhập về thời điểm cuối năm ngày càng lớn, chỉ trong 3 tuần lễ, lượng xe nhập từ Thái Lan đã gần bằng tháng 12 năm 2017. Còn một tháng nữa, với lượng xe nhập tiếp tục gia tăng, có khả năng lượng xe nhập từ Thái năm 2018 sẽ cán mốc mới, vượt qua nhiều năm trước đó.
Trên thị trường, mặc dù xe nhập về nhiều song giá xe cuối năm không có nhiều biến động, sự trầm lắng của thị trường, đặc biệt giá xe vẫn giữ ở mức cao. Hiện, hầu hết các dòng xe nhập về Việt Nam thường cao hơn từ 100 đến 200 triệu đồng so với cùng phiên bản đang bán tại Thái Lan, Indonesia.
Ô tô cũ hết bài giảm giá, vắng khách mùa cuối năm
Mùa cuối năm khi thị trường xe hơi vào cao điểm, song các dòng xe cũ vẫn khó bắt khách. Xe qua sử dụng vài năm giá cao, xe sử dụng nhiều năm, hiếm có khách đặt mua. Khách mua xe cũ đã và đang khá khó tính chọn mua xe.
Cuối năm xe cũ vắng khách
Theo nhiều chủ đại lý xe hơi cũ, thời điểm cuối năm khá khó khăn với xe cũ khi thị trường xe mới đang có nhiều loại xe giảm giá, xuống giá ở mức thấp.
Theo ông Mạnh, chủ đại lý xe cũ tại Phạm Hùng, Hà Nội: "Các loại xe hatchback đang giảm giá nên xe cũ khá khó khăn. Một năm trước, xe cũ dưới 400 triệu đồng vẫn đủ sức cạnh tranh với các dòng xe mới, nhưng hiện nay, ngay cả các loại xe cũ có giá 300 triệu cũng khó khăn do Kia và Hyundai đưa ra nhiều mẫu xe số sàn có giá ngang ngửa cùng với hỗ trợ phí bảo hiểm, trước bạ...".
Trên thực tế, hiện các doanh nghiệp kinh doanh xe cũ đều phải cơ cấu lại sản phẩm, lược bỏ bớt các dòng xe qua sử dụng đắt tiền, khó bán đi thay vào đó là các dòng xe phổ thông, phục vụ cho người lái xe chạy dịch vụ.
Trong khi đó, thời điểm cuối năm khi các dòng xe cũ không bán được, cũng là lúc đại lý tính chuyện cho thuê lại xe dịp Tết. "Cuối năm nhu cầu thuê xe cao, nếu thuê trong ngày, có kèm lái xe giá đắt, còn thuê trọn gói, tự lái có thể giá sẽ rẻ hơn".
Do phải đặt vào thế rượt đuổi, cạnh tranh nên hầu hết các đại lý xe cũ đang phải chuyển các dòng xe về địa phương hoặc nhờ đại lý tỉnh bán xe cho. Các loại xe được bày bán trên phố phải là các dòng xe đang được tìm kiếm như crossover, SUV đô thị, sedan phổ thông, hatchback...
"Các đại lý xe cũ làm đủ mọi cách để cạnh tranh, bán hàng như vay mua xe trả góp, thuê mua, tặng phí cấp đổi biển hay bảo hành động cơ trọn 24 tháng sau khi bán hàng. Tuy nhiên, kinh doanh xe cũ cuối năm vẫn khá khó khăn", ông Mạnh cho biết.
Giấc mơ xế hộp của người Việt gặp khó vì Bộ Tài chính
Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi 6 Bộ là Xây dựng, Công Thương, Giao thông Vận tải, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường đề nghị xây dựng đề án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải
Giấc mơ xe hơi Việt có thể gặp khó vì chính sách thuế của Bộ Tài chính
Bộ này yêu cầu các đơn vị trên khẩn trương đề xuất phương án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải, gồm đối tượng chịu phí, mức thu phí, cách thức tính phí, cơ chế thu nộp phí, quản lý và sử dụng phí,...
Thông tin trên ngay lập tức thu hút sự chú ý của người dân, nhất là những người sử dụng phương tiện ô tô, xe máy. Hạn chót được Bộ Tài chính đề nghị các Bộ kể trên đưa ra phương án thu phí là cuối tháng 12/2018.
Thông tin này ngay lập tức gây hiệu ứng khá xấu đối với người dân khi người sở hữu xe hơi tại Việt Nam đã và đang phải trả khá nhiều khoản phí khác nhau như: Thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu, phí bảo vệ môi trường với xăng và đặc biệt là các khoản phụ thu cho kiểm định hằng năm, phí đường bộ...
Nếu việc đưa ra thuế bảo vệ môi trường đánh trên khí thải, chắc chắn sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường xe hơi tại Việt Nam, đặc biệt các loại xe cũ, quá niên hạn sử dụng.
Liên doanh đang trông vào xe nhập
Không ít liên doanh xe hơi Việt gần đây dựa chủ yếu vào doanh số từ các dòng xe nhập để khẳng định thị phần, nhưng thực tế sự trồi sụt của xe nhập khiến liên doanh khó khăn. Trong khi đó, sự vươn lên của xe lắp ráp tư nhân đã, đang khiến cuộc chiến trên thị trường xe trở nên gay gắt hơn.
Liên doanh tăng cường đi buôn
Trước đây, khi nhắc đến thị phần xe hơi tại Việt Nam, người ta nhắc đến nhiều về các liên doanh xe Nhật, Mỹ và Đức với tư cách là những người mở đường cho ngành sản xuất xe hơi tại Việt Nam. Cùng với dây chuyền lắp ráp xe hơi tại Việt Nam, các liên doanh này vẫn duy trì hệ thống nhập khẩu, phân phối độc lập, khiến cho họ thêm các sự lựa chọn mới.
Sau gần 2 thập kỷ phát triển, hầu hết các liên doanh ô tô tại Việt Nam không còn duy trì chuỗi xe lắp ráp chiến lược mà nghiêng hẳn về nhập khẩu, phân phối xe nước ngoài. Toyota có 10 mẫu xe, trong đó, có đến 6 thương hiệu ăn khách là xe nhập; Honda có 7 mẫu xe, chỉ City còn được lắp ráp trong nước...
Toyota hai năm trước đã bỏ lắp ráp xe ăn khách Fortuner để nhập khẩu từ Indonesia, điều này làm tăng doanh số dòng xe chiến lược này tại Việt Nam song cũng làm giảm thu ngân sách của tỉnh Vĩnh Phúc.
Không dừng lại, năm 2018, Toyota Việt Nam tiếp tục nhập về 3 dòng xe mới bán trong nước là Wigo, Rush, Avanza... Đây là các mẫu xe được tỷ lệ nội địa hóa cao trên 40% tại Indonesia, trong khi đó tại thị trường Việt, chưa có mẫu xe nào của hãng này đạt tỷ lệ nội địa trên 40% (trường hợp của Innova chỉ được công bố là 37%).
Honda cũng vậy, hãng này thời gian qua đã làm rất tốt việc kinh doanh xe nhập khi hàng loạt thương hiệu xe mới từ Thái về Việt Nam như CRV, HRV, Jazz hay Brio...
Trường hợp của Ford Việt Nam tương tự, hãng xe này mới bỏ lắp ráp dòng xe Fiesta, đây là một trong những mẫu xe nhỏ được đầu tư khá tốt và được kỳ vọng lớn tại thị trường Việt Nam cùng với EcoSport, Focus... Tuy nhiên, sự khó khăn của thị trường đã khiến hãng này bỏ cuộc.
"Canh bạc" hay "quả trứng vàng"?
Việc không xem trọng khâu lắp ráp, sản xuất xe hơi sau thời gian dài được hưởng thuế và nhiều ưu đãi của các liên doanh ô tô tại Việt Nam khiến các liên doanh gặp phải chỉ trích khá nhiều. Thị phần của các hãng xe này hiện cũng bị suy giảm mạnh tại Việt Nam do sự cạnh tranh tự nhiên và niềm tin suy giảm ở người tiêu dùng.
Mảng nhập khẩu, phân phối xe đang là chỗ "ăn nên, làm ra" của doanh nghiệp liên doanh
Theo con số thống kê của hải quan Việt Nam và Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) tình hình kinh doanh xe nhập tại Việt Nam không ổn định, có sự trồi sụt và không đảm bảo cho thắng lợi trên thị trường.
Minh chứng là Fortuner, thương hiệu xe nhập có tiếng của Toyota sau hơn nửa năm mới nhập về Việt Nam. Từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12/2018 thậm chí lượng xe Fortuner và một số dòng xe khác của Toyota không về được Việt Nam, khiến thị trường của dòng xe này khá bất định và giá đại lý dao động.
Bên cạnh đó, hiện hầu hết các dòng xe nhập từ Thái Lan, Indonesia về Việt Nam trong các tháng không có sự tăng trưởng ổn định, tháng nhiều, tháng ít dẫn đến lượng xe, giá xe trên thị trường phụ thuộc lớn vào sự chủ động về lượng cung của liên doanh nhập khẩu.
Đơn cử, Ford Ranger, mẫu xe pickup ăn khách năm 2017, hết 11 tháng đã có hơn 13.400 chiếc được bán ra ở Việt Nam, nhưng cùng kỳ năm 2018, lượng bán ra của dòng xe này chỉ đạt hơn 6.700, tức là chỉ bằng 50% năm trước.
Hay Toyota Fortuner, hết tháng 11/2017, tiêu thụ dòng xe này đạt trên 12.000 chiếc, nhưng hết 11 tháng năm 2018 chỉ đạt hơn 4.300 chiếc, giảm hơn 60%.
Nhờ hệ thống nhập khẩu được duy trì nhiều năm, kênh phân phối rộng khắc, liên doanh đang dễ làm ăn hơn ở Việt Nam. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng "xuôi chèo, mát mái" mà luôn có tỷ suất biến động rất cao và đã có dấu hiệu về một "canh bạc", cuộc chơi tất tay trên thị trường.
Việc biến Việt Nam thành thị trường tiêu thụ xe hơi của Thái, Indonesia không chỉ là dừng sản xuất, lắp ráp để nhập khẩu, các hãng xe liên doanh đã có nhiều tính toán kỹ thuật khác. Minh chứng là sau khi Việt Nam giảm Thuế TTĐB đối với xe có dung tích xylanh dưới 1.5L, hầu hết các hãng xe nhập từ Thái Lan, Indonesia đã dừng nhập các dòng xe dung tích xylanh cao hơn 2.5L về Việt Nam, thay vào đó là động cơ tăng áp 1.5L turbo được hưởng mức thuế TTĐB dưới 35%.
Đại gia ô tô gặn hạn, tính bỏ nghề!?
Trong khi các liên doanh "ăn nên, làm ra'' thì một số doanh nghiệp xe hơi tại Việt Nam khá khó khăn, việc bỏ nghề đã được tính đến.
Báo cáo tài chính Công ty cổ phần Ô tô TMT quý 3/2018 cho thấy, 9 tháng đầu năm 2018 doanh thu thuần của TMT đạt 843 tỷ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ năm 2017 và mới hoàn thành được 27% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 8,1 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ và cũng chỉ hoàn thành 28% kế hoạch năm. Theo kế hoạch kinh doanh đặt ra tại ĐHCĐ thường niên 2018 của TMT thì doanh thu và lãi sau thuế lần lượt là 3.076 tỷ đồng và 29,6 tỷ đồng.
Doanh nghiệp xe tại Việt Nam khó khăn
Nhiều DN kinh doanh xe tải cũng gặp khó khăn tương tự, doanh số bán giảm mạnh, lợi nhuận giảm và không đạt kế hoạch đề ra.
Trong khi đó, lượng tồn kho lại khá cao. Theo quy định, từ 1/1/2018, xe ô tô động cơ diesel sẽ phải triển khai tiêu chuẩn khí thải Euro 4. Tuy nhiên, các DN đã lắp ráp và đăng kiểm số lượng lớn xe tải tiêu chuẩn Euro 2 vào năm 2017, để sang 2018 bán ra.
Những chiếc xe này có giá rẻ hơn so với xe tiêu chuẩn Euro 4, hy vọng sẽ bán tốt. Tuy nhiên, thực tế nhu cầu lại giảm, tiêu thụ không nhiều dẫn đến tồn kho lớn. Một DN sản xuất lắp ráp xe tải tại Củ Chi (TP.HCM) cho biết, tiêu thụ xe tải từ đầu năm đến nay rất chậm. Năm 2017 công ty này còn bán được khoảng 60 xe mỗi tháng thì 2018 tháng bán tốt nhất chỉ đạt 50 xe, có nhiều tháng chỉ đạt 20-30 xe.
“Chúng tôi đang phải cầm cự, đã phải giảm sản xuất và cho một số lao động tạm nghỉ việc ngay từ quý 2 vừa qua”, đại diện DN này than thở.
Một số DN năm nay chỉ bán được vài trăm xe, trong khi tồn kho cả nghìn chiếc, khiến chi phí bảo quản, lưu kho bãi với xe tồn và các linh kiện, nguyên vật liệu đầu vào tăng lên. Không ít DN có lượng xe tồn kho từ vài năm trước để lại nay không biết làm thế nào. Số lượng xe tải cả nước tồn kho ước tính lên đến cả chục ngàn chiếc, một số DN đã phải tạm ngừng kế hoạch đưa ra mẫu xe mới.
Theo các DN, nhu cầu xe tải giảm mạnh là do sau một thời gian siết chặt việc chở hàng quá tải đã lại dừng. Vì vậy, nhiều cơ sở kinh doanh vận tải thấy không cần đầu tư thêm xe mới. Những DN kinh doanh vận tải khi đó cũng đã mua lượng xe lớn nên nhu cầu giảm. Ngoài ra, các ngân hàng cũng siết chặt cho vay với khách hàng mua xe tải kinh doanh, chính vì vậy doanh số bán giảm.
Hiện trên thị trường chỉ có những mẫu xe tải cỡ nhỏ giá rẻ, chất lượng đảm bảo, vẫn còn duy trì doanh số bán ổn định. Tuy vậy, các DN cũng phải đẩy mạnh khuyến mãi, trong khi trước đây không cần khuyến mãi vẫn bán tốt.
An Linh (Tổng hợp)