Fica
  1. Xe 360

Vì sao nhiều "ông vua" doanh số xe hơi Việt Nam tụt dốc không phanh?

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Nhiều mẫu xe được mệnh danh là "vua" doanh số của các hãng xe hơi tụt dốc không phanh trong tháng 8. Tình trạng đáng báo động này là do tác động kép từ khó khăn của tổng cầu lẫn nguồn cung kinh kiện.

Theo thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cùng công bố của các hãng xe độc lập, trong tháng 8, hầu hết doanh số các hãng xe tại thị trường Việt Nam đều giảm mạnh.

Cụ thể, trong tháng 8, Mitsubishi chỉ bán được vỏn vẹn 257 xe, bằng 24% so với tháng trước và bằng 15% doanh số cùng kỳ năm ngoái. Đây là hãng có doanh số thấp nhất tại Việt Nam.

Vì sao nhiều ông vua doanh số xe hơi Việt Nam tụt dốc không phanh? - 1

Xpander - "vua doanh số" của Mitsubishi tụt dốc doanh số thảm hại trong tháng 8.

Doanh số mẫu Xpander, niềm tự hào của hãng xe Nhật này, giảm cực mạnh khi chỉ bán được 98 chiếc. Đáng nói, đây là mẫu xe được coi là "vua doanh số" khi bán ra trung bình 1.400 chiếc/tháng trong năm 2020, thậm chí có những tháng đạt hơn 4.000 chiếc.

Hãng thứ 2 có doanh số giảm kỷ lục là Ford Việt Nam. Hãng xe Mỹ này trong tháng qua chỉ bán được hơn 470 chiếc, giảm hàng nghìn chiếc so với các tháng trước đó. Hãng thứ 3 có doanh số giảm là Honda. Trong tháng 8, "ông lớn" xe Nhật chỉ bán được hơn 567 chiếc, thấp nhất so với các tháng trong năm nay.

Các hãng xe khác cũng gặp cảnh suy giảm lượng xe bán ra tương tự như Kia, Mazda, Hyundai hay VinFast... Doanh số của các hãng xe này đều giảm từ vài trăm đến cả nghìn chiếc so với các tháng trong năm.

Nhiều mẫu xe có doanh số bán ra thấp và gây rất nhiều bất ngờ như Toyota Innova chỉ bán được 10 chiếc trong tháng, Toyota Fortuner bán được 69 chiếc hay Ford EcoSport bán được 15 chiếc, Everest bán được 31 chiếc, VinFast LuxSA chỉ bán được 8 chiếc...

Vì sao nhiều ông vua doanh số xe hơi Việt Nam tụt dốc không phanh? - 2

VinFast Fadil là mẫu xe duy nhất bán được trên con số nghìn chiếc/tháng (2.000 chiếc).

Trong tháng 8, VinFast Fadil là mẫu có doanh số cao nhất thị trường với hơn 2.000 chiếc được bán ra. Trong khi đó, các mẫu như Toyota Vios chỉ bán được hơn 980 chiếc, Hyundai Accent hơn 700 chiếc, Kia Cerato hơn 390 chiếc....

Các mẫu như Ford Ranger cũng chỉ bán ra chưa đầy 400 chiếc, Honda CRV cũng chỉ bán được hơn 330 chiếc, Hyundai SantaFe chỉ hơn 390 chiếc. Hai mẫu đang "lên đồng" vì doanh số cao là Kia Seltos và Toyota Cross cũng chỉ bán được lần lượt 832 chiếc và 760 chiếc trong tháng qua.

Ngoài VinFast Fadil là hiện tượng đột biến có doanh số bán trên 2.000 chiếc/tháng, phần còn lại của thị trường xe Việt, không có mẫu xe nào bán được đến 1.000 chiếc/tháng. Đây có lẽ là giai đoạn khó khăn nhất đối với các hãng xe hơi Việt Nam khi cùng lúc phải đối phó với sự suy giảm nghiêm trọng từ tổng cầu do đại dịch Covid-19 cũng như tháng cô hồn.

Bên cạnh đó, nguồn cung thị trường xe hơi Việt Nam trong tháng 8 trở đi có thể sẽ suy giảm do tình trạng khan hiếm chip diễn ra trên toàn cầu, các hãng xe trên thế giới đều phải giảm công suất, sản lượng.

Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, khó khăn lớn nhất của ngành xe hơi Việt là cùng lúc phải đương đầu nhiều thách thức từ duy trì sản xuất, đến giữ vững được thị trường, trong khi mọi chính sách kích thích đều chậm được triển khai.

Vì sao nhiều ông vua doanh số xe hơi Việt Nam tụt dốc không phanh? - 3

Nhiều mẫu xe, hãng xe trong nước đối diện với suy giảm của tổng cầu suy giảm vừa phải đối mặt với khan hiếm chip đang khuynh đảo thị trường xe thế giới.

Nếu các thành phố lớn tiếp tục chịu tác động nặng bởi dịch bệnh, các hãng xe hơi, doanh nghiệp xe có thể sẽ đối diện với mất doanh số trầm trọng ở những tháng cuối năm, thị trường không thể hồi phục được như mọi năm.

Mới đây, VAMA và một số hãng xe trong nước đã đề xuất Bộ Tài chính, Chính phủ áp dụng giảm 50% phí trước bạ đối với xe hơi trong nước để thúc đẩy thị trường, mở đầu ra cho ngành. Tuy nhiên, hiện Chính phủ mới đang yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công Thương nghiên cứu báo cáo đánh giá tác động, chưa quyết định.

 An Linh