Lượng xe du lịch giảm hơn 4.100 chiếc, giảm mạnh nhất trong các dòng xe tiêu thụ tại Việt Nam. Các dòng xe khác như xe thương mại giảm gần 1.000 chiếc và xe chuyên dụng giảm hơn 170 chiếc.
Tiêu thụ xe nhập đang lấn lướt xe lắp ráp trong nước (ảnh minh họa)
Riêng xe du lịch, tháng 8/2019, lượng xe tiêu thụ toàn thị trường chỉ đạt hơn 15.200 chiếc, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Đây là dòng xe có doanh số bán thấp nhất.
Lượng xe lắp ráp trong nước tháng này cũng chỉ đạt gần 12.600 chiếc, giảm 18% so với tháng trước. Xe nhập giảm 22% so với tháng trước, chỉ còn gần 8.900 chiếc.
Riêng dòng xe sedan tiêu thụ chỉ đạt hơn 6.800 chiếc, giảm khoảng 2.300 chiếc so với tháng trước; xe SUV giảm hơn 1.200 chiếc, chỉ tiêu thụ còn hơn 3.500 chiếc, pickup giảm hơn 300 chiếc so với tháng trước.
Còn lại các dòng xe khác như MPV, Crossover, hatchback đều có doanh số tiêu thụ bằng hoặc hơn so với tháng trước.
Đáng nói, doanh số các hãng xe trong nước tính đến tháng 8/2019 giảm khoảng 20.000 chiếc so với cùng kỳ năm 2018, lượng tiêu dùng xe trong nước trong 8 tháng qua chỉ đạt 119.700 chiếc. Trong khi đó, xe nhập khẩu đạt hơn 82.800 chiếc, tăng hơn 53.000 chiếc, tăng hơn 170% so với cùng kỳ năm trước.
Việc lượng xe trong nước tiêu thụ thấp và giảm mạnh là dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy các doanh nghiệp xe trong nước đã và đang gặp khó khăn, các mẫu xe trong nước đã và đang phải cạnh tranh quyết liệt với các hãng xe nhập trên mọi thị trường.
Trong khi đó, lượng xe nhập tăng cao một phần vì nhu cầu thị trường ngày càng lớn, bên cạnh đó cũng do các doanh nghiệp nhập xe đã quen với chính sách và hạn chế được rủi ro về chính sách mang lại, nhập khẩu nhiều chủng loại hơn về Việt Nam.
Với diễn biến tiêu thụ xe trong nước giảm, xe nhập tăng, sẽ khiến các Bộ, ngành và doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, lắp ráp xe Việt hết sức lo lắng bởi các liên doanh sẽ dần rời bỏ mảng lắp ráp xe hơi để nhập xe về bán. Từ chỗ là nhà sản xuất, được hưởng ưu đãi, họ chuyển trọng tâm ra làm thương mại và giảm đóng các thuế thu nhập doanh nghiệp.
Mới đây, liên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đồng loạt đề xuất lên Chính phủ, Quốc hội về các chính sách sửa đổi liên quan đến thuế đối với ô tô. Theo đó, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 125/2017 bãi bỏ thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với linh phụ kiện xe hơi mà Việt Nam chưa thể sản xuất được hoặc các linh kiện do doanh nghiệp Việt sản xuất được. Động thái này nhằm "biệt đãi" chính sách giúp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và ô tô trong nước.
Ở một diễn biến khác, Bộ Công Thương cũng đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 116/2017 theo hướng chuyển kiểm tra kỹ thuật các dòng xe nhập theo lô sang kiểm tra kiểu loại, từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Điều này được cho là sẽ giúp thúc đẩy các doanh nghiệp tăng nhập khẩu xe hơi về nhiều hơn trong thời gian tới.
An Linh