Fica
  1. Xe 360

Sốt xình xịch dịch vụ tân trang ô tô dịp Tết

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Những ngày này, tại TP HCM, khảo sát các cửa hàng sửa chữa ôtô (garage ô tô) ở các quận 2, 5, 6, Bình Thạnh, Tân Bình, cho thấy nhiều nơi đã đầy ắp xe.

Nhiều garage tận dụng cả vỉa hè, lòng đường xung quanh để đậu xe chờ sửa chữa. Thậm chí, việc sửa chữa còn được thực hiện ngay trên vỉa hè, lề đường.

Không chỉ các cửa hàng bên ngoài quá tải mà ngay cả đại lý của các hãng ô tô cũng đã đông nghẹt khách. Chẳng hạn, đại lý ô tô của hãng Ford ở quận Thủ Đức, dù diện tích rộng, có thể chứa hàng trăm xe nhưng cũng đã chật kín. Nhiều chủ đưa xe đến đành phải quay về vì không còn chỗ đậu. Ông Trần Hoàng Minh, chủ xe Toyota Camry ở quận 1, than phiền vừa mang xe đến đại lý mà lâu nay bảo dưỡng cũng bị họ từ chối với lý do không biết bao giờ mới đến lượt. Do đó, ông Minh phải đưa xe về.

Sốt xình xịch dịch vụ tân trang ô tô dịp Tết - 1

Một cửa hàng sửa chữa ô tô trên đường Trần Bình Trọng, quận 5, TP HCM tận dụng cả lòng đường

Tương tự, ông Ngô Thành Tân, ở quận Tân Bình, lái chiếc Honda CR-V đến đại lý gần nhà để thay nhớt nhưng không chờ được, phải mang xe ra bên ngoài thay.

Ông Bùi Quang Tiến, ở quận 4, cho biết cách đây vài ngày, xe của ông bị va quệt, gọi bảo hiểm để làm thủ tục sửa chữa. Khi ông đưa xe đến đại lý thì bị từ chối thẳng thừng là không thể giải quyết trong Tết vì xe còn xếp lịch chờ sửa chữa ra tận tháng giêng. Họ khuyên nên đưa xe về chạy "đỡ", qua Tết quay lại.

Chiếc ô tô của ông Ngô Văn Thành, ở quận 6, cũng bị trầy xước nhưng không thể sửa chữa theo bảo hiểm vì phải chờ quá lâu. Thấy vậy, ông đưa xe ra bên ngoài "tút" lại với giá cao gần gấp đôi ngày thường.

Đại diện đại lý ôtô trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, cho rằng thời điểm này, chủ xe đến bảo dưỡng tăng gấp hai, gấp ba so với ngày thường, trong khi nhân viên kỹ thuật không thể tăng, thậm chí giảm vì nhiều người xin về quê sớm. Do đó, lúc này, nhiều đại lý ô tô không dám nhận xe vì quá tải.

Còn theo ông Lê Hoàng Nam, chủ garage ô tô ở quận 2, cận Tết lượng xe dồn về các cửa hàng sửa chữa rất lớn, tình trạng quá tải đã xảy ra cách nay hơn 1 tháng. Nguyên nhân, không chỉ khách quen mà nay, nhiều chủ xe trước đây bảo dưỡng và sửa chữa ở các đại lý của các hãng cũng tìm đến vì bị đại lý từ chối.

Ông Nam khuyên chủ xe không nên bảo dưỡng, bảo hành, sửa chữa xe vào thời điểm này vì khó đạt chất lượng như ngày thường. Không chỉ vậy, khách hàng còn dễ gặp tình trạng làm ăn theo kiểu chụp giật bởi những thợ tay nghề kém mà các cửa hàng mới thuê theo thời vụ.

Chẳng hạn, để xử lý vết trầy xước trên xe, thợ phải "xả" hết sơn ở khu vực đó, sau đó trét bột, chà phẳng bề mặt rồi phun sơn lên nhiều lớp và sau cùng là đánh bóng. Trong khi, thời điểm này, nhiều nơi cho thợ phun sơn trực tiếp để lấp vết trầy rồi đánh bóng bởi thao tác này chỉ mất vài phút.

Thị trường ô tô sẽ cạnh tranh quyết liệt hơn

Theo báo cáo từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), tháng 12/2019, toàn thị trường tiêu thụ 33.159 ôtô các loại, tăng 11% so với tháng trước và giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng lắp ráp trong nước đạt 19.700 xe, tăng 19% và xe nhập khẩu nguyên chiếc đạt 13.459 xe, tăng 16% so với tháng trước. Năm 2019, tổng lượng xe bán ra tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xe lắp ráp trong nước giảm 12% và xe nhập khẩu nguyên chiếc tăng 82%.

Ông Phạm Văn Dũng, Tổng Giám đốc Ford Việt Nam, đánh giá xe lắp ráp trong nước khó cạnh tranh với xe nhập khẩu trong khu vực do giá thành quá cao. Để cạnh tranh với xe nhập khẩu, Ford Việt Nam vừa đầu tư thêm 82 triệu USD để nâng cấp, mở rộng nhà máy lắp ráp tại Hải Dương. Nhờ vậy, tăng công suất nhà máy từ 14.000 xe/năm lên 40.000 xe/năm. Cũng theo ông Dũng, với công suất lắp ráp tăng lên, kéo theo giá thành giảm, Ford Việt Nam hy vọng đủ sức cạnh tranh với xe nhập khẩu.

Theo nhiều hãng xe, thị trường ôtô trong năm qua không tăng như kỳ vọng nên các nhà sản xuất, lắp ráp ôtô gặp khó khăn. Trước đây, các hãng kỳ vọng sức tiêu thụ sẽ tăng từ 20%-30% nhưng thực tế chỉ tăng 12% nên dẫn đến lượng xe tồn kho lớn.

Ông Phạm Văn Dũng nhận định trong năm 2020, thị trường ôtô sẽ cạnh tranh quyết liệt hơn do các hãng xe trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam. Họ sẽ đẩy mạnh quảng bá cũng như đưa về nhiều mẫu xe với nhiều mức giá khác nhau để đáp ứng đa dạng đối tượng khách hàng.

Theo Gia Hưng

Người Lao động