Nhà sản xuất ô tô Pháp cho biết lợi nhuận ròng của công ty đã giảm 99%, từ 3,5 tỷ euro (3,8 tỷ USD) năm 2018 xuống chỉ còn 19 triệu euro (21 triệu USD). Phần đóng góp từ Nissan, công ty mà Renault nắm giữ cổ phần kiểm soát, cũng giảm gần 85%.
Cả Renault và Nissan đều bị ảnh hưởng nặng nề từ vụ bê bối liên quan đến cựu chủ tịch Carlos Ghosn. Ông Ghosn đã dành hầu hết thời gian năm 2019 tại Nhật Bản để chờ phiên tòa xét xử các cáo buộc về hành vi gian lận tài chính trước khi được tại ngoại và trốn sang Lebanon vào tháng 12.
Việc ông Ghosn rời khỏi liên minh đã khiến mối quan hệ giữa các nhà sản xuất ô tô trở nên căng thẳng, dẫn đến tình trạng hỗn loạn tại Renault, công ty mà ông này cũng là CEO. Giám đốc điều hành (CEO) tới đây của công ty - ông Luca de Meo sẽ nắm quyền vào tháng 7, thay thế cho người kế nhiệm trực tiếp của Ghosn, Thierry Bollore.
Căng thẳng trong liên minh diễn ra cùng thời điểm với sự sụt giảm doanh số kéo dài tại Trung Quốc có nguy cơ khiến ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu rơi vào suy thoái năm thứ ba liên tiếp trong năm 2020. Sự bùng phát của virus corona tại thị trường xe hơi lớn nhất thế giới sẽ chỉ làm mọi thứ tồi tệ hơn.
Hồi tuần trước, Renault đã đề xuất cắt giảm cổ tức gần 70% xuống còn 1,10 € (1,19 USD) trên mỗi cổ phiếu.
Bà Clotilde Delbos, CEO tạm thời của Renault, cho biết "tầm nhìn đến năm 2020 vẫn còn hạn chế do sự biến động của nhu cầu, đặc biệt là tại châu Âu... và các tác động có thể có từ virus corona." Tuy nhiên, Delbos cho biết bà tự tin rằng việc khởi động lại liên minh với Nissan sẽ giúp cải thiện tình hình của công ty.
"Việc củng cố đội ngũ quản lý cấp cao, sự hồi sinh của Liên minh và các mẫu xe mới khiến tôi vô cùng tự tin vào khả năng lật ngược tình thế", bà Delbos chia sẻ.
Nissan cũng đang cần một sự chuyển mình. Lợi nhuận của nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đã giảm xuống còn 54,3 tỷ yên (495 triệu USD) trong 3 tháng cuối năm, giảm 83% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, virus corona lại đang tạo ra những thách thức mới cho các nhà sản xuất ô tô và đe dọa nguồn tài chính khi công ty đang cần đầu tư các khoản tiền lớn vào xe điện.
Renault và Nissan đều là những công ty toàn cầu có cơ sở sản xuất tại Vũ Hán, tâm điểm của dịch bệnh. Cuộc khủng hoảng cũng đe dọa việc sản xuất ô tô tại các quốc gia khác vì Trung Quốc đóng vai trò chính trong việc cung cấp các bộ phận phụ trợ cho các nhà máy ở Châu Âu và Bắc Mỹ.
Tiêu thụ ô tô tại Trung Quốc đã giảm 18% trong tháng 1 vừa qua và dự kiến sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng khi người mua hàng tránh đến các đại lý vì những rủi ro tiềm ẩn đối với sức khỏe.
Lạc Diệp