Fica
  1. Xe 360

Ô tô nội nhận "bão" ưu đãi, bao giờ xế hộp giá rẻ đến tay người dân?

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Trong bối cảnh Chính phủ sắp có ưu đãi lớn về thuế phí cho doanh nghiệp và xe nội, câu hỏi đặt ra là liệu người tiêu dùng xe Việt có sớm được lợi hay chính sách vẫn chủ yếu ưu đãi cho doanh nghiệp?

Những ưu đãi cho xe nội

Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo mới đây có đưa ra hai vấn đề ưu đãi chính sách cho người tiêu dùng xe trong nước và cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe trong nước. 

Ô tô nội nhận bão ưu đãi, bao giờ xế hộp giá rẻ đến tay người dân? - 1

Chính phủ ưu tiên miễn giảm thuế, phí đối với xe nội để gia tăng cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước.

Theo đó, đối với người mua xe sản xuất, lắp ráp trong nước, sẽ được giảm phí trước bạ 50%, tức là từ mức 10 hoặc 12% (Hà Nội) hiện nay sẽ giảm xuống chỉ còn 5-6%. Phí trước bạ chỉ được giảm trong năm 2020.

Về dài hạn, đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe trong nước, Nghị quyết của Chính phủ hướng đến xây dựng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt ưu đãi cho sản xuất xe nội địa. Dù vấn đề ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt trong Dự thảo Nghị quyết chưa rõ ràng, song đây là kết quả của hàng loạt kiến nghị, đề xuất của bộ, ngành thời gian qua.

Cụ thể, năm 2019, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 125/2017 về biểu thuế các loại thuế đối với ô tô, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đầu năm 2020, Bộ Công Thương có báo cáo gửi Chính phủ đề xuất ưu đãi chính sách ưu tiên người sử dụng xe nội, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xe trong nước.

Có thể nói, việc đưa ra chính sách ưu đãi phí trước bạ, xem xét ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt là bước đi đúng đắn, cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang có nhiều doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe lớn cần được “bàn tay bà đỡ” của Nhà nước như VinFast, Thaco, Thành Công, Toyota, Ford và Honda...

Vậy người tiêu dùng sẽ được lợi gì? Đây là câu hỏi rất nhiều người mong chờ được trả lời.

Lợi ích trước mắt mà ai cũng có thể thấy là phí trước bạ đối với người mua xe "Made in Vietnam" hoặc "Make in Vietnam" sẽ giảm từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng so với việc mua xe nhập.

Tuy nhiên, giảm phí trước bạ vẫn chưa đảm bảo xe trong nước cạnh tranh và thực sự rẻ đi với tiềm lực mạnh, lại không chịu thuế nhập khẩu (xe từ ASEAN), các hãng xe nhập sẵn sàng giảm giá sâu, triệt tiêu tác dụng giảm phí trước bạ của Chính phủ.

Theo các chuyên gia ô tô, về lâu dài, hữu hiệu nhất để giúp xe nội có "sức" trong cuộc chạy đua với xe ngoại chính là thuế tiêu thụ đặc biệt (hiện đang đánh vào 35% và tối đa 150%/ giá thành chiếc xe).

Yếu tố nào giúp  ô tô Việt Nam "bùng nổ"?

Do rất nhiều yếu tố, xe ô tô tại Việt Nam vẫn được xem là tài sản thay vì phương tiện đi lại như nhiều nước khác. Mặt hàng ô tô vẫn bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt để hạn chế tiêu thụ do vấn đề cơ sở hạ tầng yếu kém, rủi ro thâm hụt thương mại hoặc mất cân đối thu thuế nội địa với thuế xuất khẩu.

Ô tô nội nhận bão ưu đãi, bao giờ xế hộp giá rẻ đến tay người dân? - 2

Người dân vẫn cần lộ trình giảm giá xe nội khi các doanh nghiệp được thừa hưởng ưu đãi và có lộ trình miễn, giảm thuế rõ ràng

Tuy nhiên, đất nước phát triển, điều kiện của Việt Nam đã khác hơn rất nhiều, vấn đề thuế tiêu thụ đặc biệt cần được cởi bỏ thay vì chỉ nới ra như thời gian qua.

Cụ thể, các loại xe có dung tích xylanh thấp từ dưới 1.5L vẫn bị đánh thuế 35% giá trị, các dòng xe có dung tích xylanh 2.0L vẫn bị đánh thuế 35-40% giá trị, điều này khiến giá xe Việt cao, thị trường không được mở rộng. Trong khi đó, dòng xe dung tích thấp lại là dòng xe mà các doanh nghiệp Việt dễ dàng lắp ráp nhất, phù hợp với điều kiện thu nhập của người Việt nhất hiện nay.

Ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe nội theo Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, hay chính sách ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe hơi sản xuất bởi doanh nghiệp trong nước, ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị gia tăng của linh kiện sản xuất trong nước như trong Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 125/2017 đang Bộ Tài chính trình Chính phủ. Câu hỏi đặt ra là: Yếu tố nào sẽ là nòng cốt giúp ngành ô tô Việt Nam thực sự bùng nổ?

Theo đề xuất tại Dự thảo sửa đổi Nghị định 125/2017 của Bộ Tài chính, có hai cách thức miễn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt là ưu đãi nhắm vào các doanh nghiệp có sản lượng chung và riêng tối thiểu đạt lượng quy định.

Phương án khác là sẽ giảm hoặc miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần gia tăng của linh kiện ô tô sản xuất trong nước (do doanh nghiệp trong nước sản xuất), được thương mại hóa.

Trường hợp cả hai văn bản chính sách trên được Chính phủ ban hành theo trình tự, chắc chắn các doanh nghiệp ô tô Việt sẽ đón nhận được cú huých lớn.

Tuy nhiên, chuyên gia về ô tô Nguyễn Minh Đồng thừa nhận: Việc ưu đãi thuế cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô theo sản lượng cam kết là bước đi cần thiết, song cần có cơ chế ràng buộc về giá xe sau khi các doanh nghiệp hưởng ưu đãi.

"Nhà nước cần đưa ra ưu đãi thuế với từng linh kiện, cụm linh kiện ô tô, doanh nghiệp phụ trợ nào đáp ứng được tiêu chí, chất lượng và thương mại hóa... sẽ được giảm, thậm chí miễn thuế với % gia tăng trong nước. Đây là vấn đề cốt lõi của ngành ô tô Việt Nam - vốn thiếu linh kiện, thiếu thị trường và thậm chí thiếu cơ chế cho các cuộc chơi" - chuyên gia Đồng cho biết.

Nhiều chuyên gia khác cho rằng, các chính sách ưu đãi thuế phí cần mở ra cho doanh nghiệp sản xuất phụ trợ, chứ không chỉ riêng cho doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất xe hơi.

Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp ô tô có lộ trình miễn, giảm thuế, người tiêu dùng cũng cần biết lộ trình giảm giá xe nội để biết rõ chính sách của Nhà nước không chỉ phục vụ lợi ích một bên.

Nguyễn Tuyền