Thuế đánh chồng thuế
Hiện nay, ô tô cá nhân bán trên thị trường trong nước phải chịu 3 loại thuế bắt buộc, gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng.
Với thuế nhập khẩu , từ 1/1/2018 ô tô nhập khẩu nguyên chiếc trong khu vực ASEAN về Việt Nam giảm xuống mức 0%, ngoài khu vực ASEAN vẫn phải chịu thuế từ 50-70%. Còn xe lắp ráp trong nước, nếu DN nào đạt doanh số bán 8.000 xe/năm trở lên cho tất cả các mẫu và riêng một mẫu đạt 2.000 xe/năm thì bộ linh kiện nhập khẩu được hưởng thuế 0%. Những DN không đạt doanh số quy định như trên vẫn phải chịu mức thuế từ 5-14%.
Với thuế tiêu thụ đặc biệt , xe chở người dưới 10 chỗ đang chịu từ 35-150% tùy dung tích xi lanh. Tiếp đến là thuế giá trị gia tăng, các xe cùng phải chịu mức 10%.
Giá xe bị đội gấp 3-4 lần do thuế chồng thuế (ảnh minh họa)
Điều đáng nói là các loại thuế này lại đánh chồng lên nhau. Một chiếc xe nguyên chiếc, hoặc bộ linh kiện về cảng, đầu tiên sẽ bị đánh thuế nhập khẩu căn cứ trên giá nhập và sau đó thuế tiêu thụ đặc biệt, đánh trên giá nhập cộng với thuế nhập khẩu. Cuối cùng là thuế giá trị gia tăng, đánh trên giá nhập đã có thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt. Vì vậy, giá xe bị đẩy lên rất cao. Theo tính toán, thuế chiếm tỷ lệ từ 40-60% trong giá bán một chiếc xe con có dung tích xi lanh dưới 3.0L hiện nay.
Còn dòng xe có dung tích từ 3.0L trở lên đang phải chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt cao từ 90-150%, đẩy giá xe tăng cao ngất ngưởng, trong đó thuế có thể chiếm từ 60% đến hơn 100% giá bán xe.
Chẳng hạn, một chiếc xe giá rẻ nhập khẩu từ Ấn Độ có giá 4.000 USD, tương đương gần 90 triệu đồng, khi về Việt Nam, tính đủ 3 loại thuế trên đã lên đến 11.000 USD, cộng tất cả các chi phí khác như: cước vận chuyển, phí bảo hiểm, phí kiểm định, lãi vay, marketing, lương nhân viên, thuê mặt bằng, lợi nhuận DN,... giá chiếc xe bán ra phải trên 15.000 USD, tương đương hơn 300 triệu đồng. Trong đó riêng 3 loại thuế kể trên đã chiếm khoảng 6.000 USD, tương đơn với 40% giá bán xe.
Còn một chiếc xe Lexus RX350 mới 100%, động cơ 3.5L xuất xứ Nhật Bản nhập chính hãng về Việt Nam giá 40.000 USD, tương đương hơn 900 triệu, sau khi tính đủ 3 loại thuế, giá chiếc xe tăng lên 120.000 USD, cao gấp 3 lần giá gốc. Đấy là chưa kể đến các chi phí khác và lợi nhuận của DN. Với chiếc xe này, riêng thuế đã chiếm 80.000 USD.
Với xe sản xuất lắp ráp trong nước cũng tương tự. Một chiếc Toyota Altis có dung tích xi lanh 1.8L, số tự động, giá niêm yết 733 triệu đồng thì trong đó thuế cũng chiếm gần 50%, tương đương với 350 triệu đồng. Nhà sản xuất và đại lý chỉ thu về khoảng 380 triệu đồng.
Mới đây, Công ty Vinfast vừa ra mắt 3 mẫu xe mới và công bố giá 1,818 tỷ đồng dành cho chiếc Lux SA 2.0 (SUV); 1,366 tỷ đồng Lux A 2.0 (sedan) và 423 triệu đồng cho Fadil 1.4L, chưa có thuế giá trị gia tăng (VAT). Với mức thuế nhập khẩu bộ linh kiện khoảng 14% và thuế tiêu thụ đặc biệt từ 35-40% thì hai loại thuế này đã chiếm từ 30-35% giá bán xe, tương đương với trên 600 triệu đồng cho mẫu Lux SA 2.0, gần 500 triệu đồng cho mẫu Lux A 2.0 và khoảng 120 triệu đồng cho mẫu Fadil 1.4L.
Tăng tỷ lệ nội địa hóa sẽ giúp giảm giá bán xe
Thời gian đầu, công ty bán giá ưu đãi 1,136 tỷ đồng với Lux SA 2.0, 800 triệu đồng với Lux A 2.0 và 336 triệu đồng với Fadil 1.4L. Chỉ tính riêng thuế tiêu thụ đặc biệt chiếc Lux A 2.0 đã phải “gánh 228” triệu đồng, Fadil “gánh” 87 triệu đồng, còn Lux SA 2.0 thì nhiều hơn...
Khi nào giá xe rẻ?
Để sở hữu một chiếc ô tô với giá rẻ và chất lượng tốt là mong ước chính đáng của nhiều người tiêu dùng. Có nhiều yếu tố giúp cho giá xe rẻ. Về phía nhà sản xuất phải cắt giảm tối đa chi phí hoạt động, tăng doanh số bán để tối ưu hóa sản xuất, qua đó giảm giá thành. Tuy nhiên, tại Việt Nam quy mô thị trường ô tô còn nhỏ, doanh số mẫu xe lớn nhất chỉ khoảng trên 20.000 xe/năm thì việc tối ưu hóa sản xuất để giảm giá thành chưa đem lại hiệu quả mong muốn. Việc cắt giảm chi phí hoạt động cũng không phải là vô hạn.
Để giảm giá, các DN thường cắt giảm trang thiết bị. Điều này phổ biến từ trước đến nay. Nhiều mẫu xe nhập khẩu và lắp ráp trong nước bị cắt giảm trang bị so với các thị trường khác để giảm giá thành.
Chẳng hạn với dòng xe nhỏ, chủ yếu chỉ được trang bị ở mức cơ bản. Về an toàn, có xe chỉ trang bị phanh ABS, có xe thêm phân phối lực phanh điện tử EDB, hầu hết các xe chỉ có 2 túi khí. Rất hiếm xe có đầy đủ những tính năng khác như: cân bằng điện tử ESP, khởi hành ngang dốc HSA, kiểm soát, lực kéo TSC, chống lật,... với 6 túi khí.
Thuế phí giảm được cho là yếu tố quan trọng giúp giá xe giảm mạnh. Từ 1/1/2018 thuế suất thuế nhập ô tô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN đã giảm xuống mức 0%. Với xe ngoài khu vực ASEAN, theo các hiệp định thương mại tự do đã ký và sắp ký, từ nay đến 2029 sẽ giảm về 0% sẽ giúp giá xe giảm.
Với xe trong nước, như đã nói, nếu DN nào tăng được doanh số bán đạt từ 8.000 xe/năm trở lên cho tất cả các mẫu xe, thì những mẫu đạt 2.000 xe/năm sẽ được hưởng thuế nhập khẩu bộ linh kiện mức 0%, giúp giảm giá thành.
Ngoài ra, các DN ô tô trong nước đang chờ đợi chính sách mới về thuế tiêu thụ đặc biệt ban hành. Theo đó, các cơ quan chức năng đã đề xuất miễn thuế tiêu thụ đặc biệt với phần linh kiện ô tô sản xuất trong nước để khuyến khích nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.
Hiện nay, nhiều mẫu ô tô sản xuất lắp ráp trong nước chỉ có tỷ lệ nội địa hóa từ 10-20%. Nếu tỷ lệ nội địa hóa tăng lên 40% thì thuế tiêu thụ đặc biệt với phần này sẽ được miễn. Theo tính toán, một chiếc xe lắp ráp trong nước có tỷ lệ nội địa hóa 20%, có giá bán 600 triệu đồng, mức giảm giá tương ứng từ 10-12%. Nhưng nếu tỷ lệ nội địa hóa là 40% thì mức giảm giá lên tới 15-20%. Với những DN như Vinfast sản xuất cả động cơ trong nước, tỷ lệ nội địa hóa sẽ đạt khoảng 70%, qua đó giúp giá xe giảm khoảng 30%, như vậy mới mong giá xe rẻ.
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi bổ sung, dự kiến sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét phê chuẩn vào năm 2019.
Theo Trần Thủy
VietnamNet