Fica
  1. Xe 360

Nhà giàu "thắt lưng, buộc bụng" thời Covid-19: Giới buôn xe sang khốn khó

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Đại dịch Covid-19 đang khiến ngành kinh doanh xe hơi lâm hoạn nạn, nhiều mẫu xe đắt tiền, phân khúc cao cấp có thể gánh chịu thiệt hại nặng nề do người giàu "thắt lưng buộc bụng" vài tháng đến cả năm.

Doanh số xe đắt tiền đang giảm rõ rệt

Tại Việt Nam, các mẫu xe có giá trên 2 tỷ đồng được mặc định là các dòng xe đắt tiền, dành cho giới nhà giàu; các mẫu xe hạng sang khác cũng chỉ nhắm đến một số khách hàng nhất định, không phải phổ cập. Vì vậy, trong lúc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, rất nhiều người có tiền đang chịu tác động mạnh mẽ.

Nhà giàu thắt lưng, buộc bụng thời Covid-19: Giới buôn xe sang khốn khó - 1

Không chỉ các mẫu xe phổ thông chịu tổn thất nặng nề, các thương hiệu xe sang, xe đắt tiền dành cho giới nhà giàu cũng ngấm đòn vì dịch Covid-19 (Ảnh minh họa)

Hiện các mẫu xe đắt tiền hiện tập trung chủ yếu vào Mercedes, BMW, Audi, Volkwagen, Land Rover, Lexus, Maserati; các dòng xe cao cấp hơn là Porsche, Roll-Royce, Lamborghini...

Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), 2 tháng qua doanh số Mercedes Benz giảm 100%, xe Lexus cũng chỉ bán được hơn 180 chiếc, giảm 42% so với cùng kỳ năm trước.

Một loạt hãng xe khác cũng lâm cảnh bết bát doanh số, xe không nhập về được, thậm chí có khách hàng đề nghị giãn hoặc hủy hợp đồng mua xe chấp nhận mất cọc vì không còn tiền để lấy xe.

"Các mẫu xe sang đều về theo đơn đặt hàng, nếu các đơn hàng không về đúng hẹn, bên đại lý sẽ chịu phạt hợp đồng. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các khách hàng lấy xe đều chậm cả, thậm chí có người đề nghị rút hồ sơ, chấp nhận bỏ cọc vì không còn tiền để mua xe", nhân viên bán hàng của hãng xe cao cấp tại Long Biên cho biết.

Một số đại lý xe cao cấp cũng thừa nhận, doanh số bán hàng tháng 2 và tháng 3 suy giảm rất mạnh. Thậm chí nửa tháng 3 không thể bán được chiếc xe nào do dịch bệnh hoành hành. Các hợp đồng nhập xe từ đối tác nước ngoài đều đình trệ do một số đối tác từ EU không vận chuyển vì đóng cửa bên giới và chi phí vận chuyển quá cao.

Thực tế, lợi nhuận của các mẫu xe cao cấp, xe sang rất lớn, có khi bán 1 chiếc xe hơi có thể bằng lợi nhuận bán hàng chục, thậm chí hàng trăm chiếc xe phổ thông khác. Khách hàng của các dòng xe đắt tiền, xe sang chủ yếu là giới nhà giàu, siêu giàu, triệu phú; với tình hình dịch bệnh xảy ra như hiện nay, nhiều người giàu mất tiền do kinh doanh thua lỗ, phá sản, điều này sẽ làm cho sức mua thị trường giảm đi nhanh chóng.

Xe sang giảm giá cũng không bán được

Điểm cộng của các dòng xe sang, xe đắt tiền chính là giá trị thương hiệu, giá trị tài sản. Chính vì vậy, đối tượng khách mua cũng chủ yếu là người có tiền. Với việc thị trường trầm lắng, thậm chí suy thoái, câu hỏi đặt ra là giá các dòng xe này sẽ giảm để kích thích người mua hay không?

Đại diện một hãng xe sang của Anh tại Hà Nội chia sẻ: "Rất khó có chuyện giảm giá cho xe sang, xe cao cấp. Bởi giá xe đi cùng với chất lượng và giá trị thương hiệu. Hơn nữa, việc giảm giá xe từ vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng sẽ không thể kéo khách hàng bỏ ra gần chục tỷ đến hàng chục tỷ đồng để mua xe sang được".

Giải pháp duy nhất để kéo khách mua xe là giãn, hoãn hợp đồng mua xe kéo dài từ vài tháng trở ra với cam kết giá bán như hiện tại.

"Rất nhiều người lo ngại giá xe sau dịch sẽ cao hơn do chi phí vận chuyển lớn. Chúng tôi sẽ tìm giải pháp cam kết bán xe với giá hiện tại, thậm chí ưu đãi miễn phí thêm các dịch vụ sửa chữa, bảo hành, làm đẹp, chăm sóc xe", đại diện của một thương hiệu xe sang của EU tại Việt Nam cho biết.

Theo một số đại diện thương hiệu xe sang tại Hà Nội, để vượt qua khó khăn mùa Covid-19, các hãng chuyển sang bán xe online cho khách hàng ở xa. Việc xe nhập về Việt Nam ít đi cũng khiến các doanh nghiệp đỡ lo khoản bảo quản xe.

"Chi phí thuê mặt bằng và vay lãi đang là thách thức lớn nhất cho đại lý. Hầu hết các hãng xe đều đặt ở vị trí đắc địa, số tiền thuê kéo dài vài năm trở lên, chính vì vậy, điều chỉnh giá thuê rất khó. Có một số đại lý có nhận được trợ cấp từ hãng, nhưng đa phần đều phải tự xoay sở, tự kinh doanh và chịu chi phí hao tổn", đại diện hãng xe sang tại Liễu Giai, Ba Đình chia sẻ.

An Linh