Trên thị trường chứng khoán phiên 28/10, cùng với sự bùng nổ của thị trường chung, cổ phiếu VEA của Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) vừa mở cửa đã tăng kịch trần lên 48.000 đồng/cổ phiếu trước khi hạ nhiệt xuống 43.200 đồng thời điểm đóng cửa, ghi nhận mức tăng 3,35% trong ngày.
HAX của Công ty Cổ phần Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco) cũng tăng mạnh 3,1% lên 24.950 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến cổ phiếu các "đại gia" ô tô tăng giá mạnh sau khi Bộ Tài chính công bố Dự thảo Nghị định quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước dự kiến sẽ kích cầu tiêu dùng, tăng khả năng tiếp cận của người Việt với các sản phẩm xe ô tô.
Tại dự thảo này, Bộ Tài chính dự kiến sẽ giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước, áp dụng từ ngày 15/11 đến hết ngày 15/5/2022. Trường hợp Chính phủ ký ban hành nghị định sau 15/11, Bộ sẽ trình Chính phủ thời gian thực hiện và hiệu lực từ ngày 1/12/2021 đến hết tháng 5/2022.
Bộ Tài chính cho biết, do ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19, nhiều ngành nghề đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Dịch bệnh làm gián đoạn chuỗi cung ứng và khiến nhu cầu mua ô tô suy giảm.
Mục đích của nghị định này là góp phần kích thích tiêu dùng trong nước; tiếp tục hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19; góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển công nghiệp ô tô trong từng thời kỳ, kích thích thị trường ô tô phát triển.
Tiêu thụ ô tô tăng, ngân sách được nhiều hơn mất
Trước đó, cuối tháng 6/2020, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 70 quy định mức thu lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020 giảm 50% so với quy định tại Nghị định 20 năm 2019.
Kết quả là đã góp phần trực tiếp giảm chi phí khi đăng ký quyền sở hữu xe ô tô, làm tăng khả năng tiếp cận sản phẩm ô tô của người dân, đặc biệt là các đối tượng có thu nhập trung bình cao, từ đó khuyến khích nhu cầu sở hữu xe của người dân, kích cầu tiêu dùng.
Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2020 (trước khi giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ), số lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu là 102.924 xe, bình quân đạt 17.574 xe/tháng. Đến nửa cuối năm 2020, sau khi áp dụng giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ, số lượng xe đăng ký lần đầu là 209.584 xe, bình quân 34.930 xe/tháng, tăng hơn 2 lần so với 6 tháng đầu năm.
Trong khi đó, đối với nhà sản xuất và bên phân phối, chính sách này đã góp phần hỗ trợ tiêu thụ được lượng xe tồn kho kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, cũng như nối lại chuỗi cung ứng, gia tăng sản xuất.
Báo cáo của VAMA cũng thể hiện, từ cuối tháng 6/2020, sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tăng đều qua các tháng. Đặc biệt trong tháng 11 và tháng 12/2020, lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước bán ra tăng mạnh (tháng 11 tăng 14,7% so với tháng 10 và tháng 12 tăng 25% so với tháng 11/2020).
Bộ Tài chính cũng cho hay, trong 6 tháng năm 2020, chính sách đã khiến số thu lệ phí trước bạ giảm hơn 7.314 tỷ đồng. Tuy nhiên, do sản lượng xe bán ra trong nửa cuối năm tăng gấp đôi nửa đầu năm nên tổng số thu lệ phí trước bạ nửa cuối năm của các địa phương trong cả nước vẫn tăng 1.600 tỷ đồng so với nửa đầu năm.
Đồng thời, tổng thu thuế GTGT và tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong 6 tháng cuối năm 2020 đã tăng khoảng 12.500 tỷ đồng so với 6 tháng đầu năm, đạt 25.167 tỷ đồng.
Tính chung, tổng thu ngân sách Nhà nước từ thuế tiêu thụ đặc biệt, GTGT, lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước nửa cuối năm 2020 tăng thêm khoảng 14.110 tỷ đồng tương đương tăng 1,76 lần so với 6 tháng đầu năm 2020, đạt 32.481 tỷ đồng.
Chính sách chỉ kéo dài 6 tháng
Việc tiếp tục giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ có những tác động tích cực như kích cầu tiêu dùng, khuyến khích người dân mua sắm, sở hữu tài sản; tác động thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nối lại chuỗi cung ứng, tăng cường mở rộng đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.
Đồng thời, còn có thể giúp tăng tổng thu ngân sách. Theo đó mặc dù việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ sẽ làm giảm số thu lệ phí trước bạ theo chính sách, nhưng do số lượng xe ô tô tiêu thụ tăng lên nên tổng số thu về lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT vẫn tăng lên.
Bộ Tài chính cũng lo ngại chính sách này có khả năng chưa tuân thủ hoàn toàn quy định tại Hiệp định GATT của WTO, và Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được yêu cầu giải thích từ một số quốc gia không có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước tại Việt Nam (như ý kiến từ Đại sứ quán một số nước, Eurocharm và Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2020).
Tuy nhiên, biện pháp trên chỉ kéo dài trong vòng 6 tháng và được xem là biện pháp hỗ trợ ngắn hạn nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
Ngoài ra, trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19, WTO cũng khuyến khích các nước áp dụng các mức ưu đãi nhằm khuyến khích phục hồi kinh tế nội địa.
Trên thực tế, tại Indonesia và Malaysia, để tháo gỡ khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch, chính phủ các nước đều áp dụng các chính sách ưu đãi về thuế để kích thích người tiêu dùng mua xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, giúp duy trì và phục hồi thị trường ô tô (Malaysia thậm chí áp dụng chính sách ưu đãi thuế bán hàng đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước cao hơn xe nhập khẩu trong khoảng thời gian khá dài, khoảng 1,5 năm từ ngày 15/6/2020.
Bên cạnh đó, chính sách này không chỉ có lợi cho doanh nghiệp thuần Việt mà còn có lợi cho cả những "đại gia ngoại" đang có nhà máy lắp ráp tại Việt Nam như Toyota, Mazda, Hyundai, Kia…
Mai Chi