Fica
  1. Xe 360

Ngành công nghiệp ô tô Việt khổ sở, điêu đứng vì Covid - 19

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Cục Công nghiệp cho biết, dự kiến đến cuối quý I/2020, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ việc thiếu hụt nguồn linh phụ kiện phục vụ sản xuất...

Ngành công nghiệp ô tô Việt khổ sở, điêu đứng vì Covid - 19 - 1

Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ việc thiếu hụt nguồn linh phụ kiện phục vụ sản xuất...

Cuối quý I, công nghiệp ô tô thấm đòn vì thiếu linh kiện

Liên tục những ngày qua, nhiều phản ánh về tình trạng doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phải tạm ngừng sản xuất vì thiếu hụt nguồn nguyên liệu do tác động dịch Covid-19, trong đó có ngành công nghiệp ô tô.

Theo ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), đặc tính phân bổ và liên kết chặt chẽ của chuỗi giá trị toàn cầu hiện nay khiến cho ngành sản xuất trong nước gặp khó khăn lớn.

Không chỉ Việt Nam, ông Hoài cho biết, ngay cả các quốc gia có nền sản xuất phát triển, tỷ lệ nội địa hóa cao cũng đứng trước nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất trong trường hợp thiếu một số linh phụ kiện để cấu thành nên sản phẩm. Đặc biệt là những ngành đòi hỏi công nghệ kỹ thuật cao như ô tô.

Theo báo cáo của Cục Công nghiệp, đối với ngành sản xuất lắp ráp ô tô: Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu gần 4 tỷ USD phụ tùng linh kiện ô tô, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc là 0,7 tỷ USD (17,54%), từ Hàn Quốc là 1,14 tỷ USD (28,57%) và từ Nhật Bản là 0,72 tỷ USD (18,04%).

Riêng ngành sản xuất ô tô tải phụ thuộc vào hơn 70% linh phụ kiện từ Trung Quốc.

Các dòng xe du lịch có linh kiện được nhập khẩu từ nhiều quốc gia để tiến hành lắp ráp, tuy nhiên những quốc gia này hoặc đang bùng phát dịch bệnh (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) hoặc vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc để sản xuất linh kiện xuất khẩu sang Việt Nam (Ấn Độ, các quốc gia Đông Nam Á).

“Dự kiến đến cuối quý I/2020, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ việc thiếu hụt nguồn linh phụ kiện phục vụ sản xuất”, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp nhận định.

Không thể tìm linh kiện thay thế trong thời gian ngắn

Với cơ cấu nhập khẩu số liệu linh kiện như trên, có thể thấy đa số các thị trường lớn mà Việt Nam đang nhập khẩu đều có dịch bùng phát.

Việc sản xuất tại các nước này, đặc biệt ở Trung Quốc, là tình trạng tạm ngừng, đình trệ hoặc hoạt động cầm chừng.

Giải pháp tìm thị trường thay thế được nhiều chuyên gia nhắc tới. Nhưng riêng đối với những ngành có tính chất kỹ thuật công nghệ cao, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp khẳng định: Các ngành như ô tô điện tử, linh kiện không thể nói là thay thế ngay được đâu.

“Ai nói có thể tìm nguồn thay thế ngay là không đúng. Hiện tại khó có lối thoát. Đâu chỉ Việt Nam, kể cả các quốc gia lớn với tỷ lệ nội địa hoá cao cũng vậy. Tìm được các nguồn cung ứng khác nếu đơn thuần, dễ thay thế vật liệu đơn giản chứ ngành ô tô không dễ như vậy", ông Hoài chia sẻ.

Trao đổi rõ hơn với Dân trí, ông Trương Thanh Hoài phân tích: Các nguyên phụ liệu cao cấp hoặc các sản phẩm linh kiện, phụ tùng rất khó có thể tìm nguồn thay thế trong ngắn hạn do đặc thù phân bổ chuỗi sản xuất toàn cầu cũng như các yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ, chất lượng riêng biệt của các công ty đa quốc gia.

Ngành công nghiệp ô tô khổ sở vì dịch Covid - 19

“Hiện nay chúng ta phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh (Hàn Quốc, Nhật Bản) để phục vụ sản xuất”, ông Hoài nhấn mạnh.

Ông Hoài nói thêm, đối với các quốc gia có tỷ lệ nội địa hoá cao tới 90%, 10% nhập khẩu thì tỷ lệ rủi ro thấp hơn chứ bảo không ảnh hưởng là không đúng.

Ông này lấy ví dụ, hiện nay có doanh nghiệp Việt đang xuất khẩu bộ dây điện cho doanh nghiệp ô tô bên Philippines, dù hàm lượng kỹ thuật không phải quá cao nhưng nếu thiếu thì cũng không thể hoàn chỉnh sản phẩm.

“Chỉ một chi tiết động cơ thôi không có là đứt chuỗi. Tính phụ thuộc các quốc gia với nhau rất lớn”, ông Hoài cho biết thực tế đã có những nhà máy ở nước ngoài phải dừng hoạt động.

Quả thực, khó khăn là hiện hữu đối với tất cả các ngành sản xuất, trong đó có ô tô. Tại Nhật Bản, nước này đã quyết định sẽ lập ra một nhóm bao gồm chính phủ, các nhà sản xuất ô tô và các nhà cung ứng trong nước để tìm ra những giải pháp kịp thời nhằm giảm thiểu tác động của Covid-19 lên ngành công nghiệp ô tô nước nhà.

Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, Covid-19 đã giáng một đòn chí mạng lên ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Hãng sản xuất ô tô Nissan đã phải đóng cửa một phần dây chuyền sản xuất tại tỉnh Kyushu vào ngày 14 và 17/2 và dự kiến sẽ ngừng sản xuất vào ngày 24/2 tới do thiếu hụt linh kiện sản xuất.

Ngoài ra các hãng xe khác như Honda, Mazda, Mitsubishi và Toyota cũng phải tạm ngừng một số hoạt động tại các nhà máy của mình ở Trung Quốc với nguyên nhân tương tự.

Trước đó, vào đầu tháng 2, Hyundai và Renault cũng buộc phải tạm ngừng hoạt động tại Hàn Quốc trong khi ba nhà máy ở Anh của Jaguar Land Rover chỉ có thể chạy thêm khoảng 14 ngày nữa trước khi hết linh kiện.

Thực tế ngành công nghiệp ô tô vốn đã có rất nhiều nút thắt cần giải quyết. Thêm tác động từ dịch Covid - 19, nhiều chuyên gia lo ngại sự khó khăn rất lớn đối với ngành công nghiệp này.

Mới đây tại cuộc họp bàn về tác động Covid - 19, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu các đơn vị phải bám sát diễn biến của nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn phức tạp. Từ đó, xây dựng các kịch bản tốt, xấu, rất xấu. Từ các kịch bản này, đưa ra tác động tới nền kinh tế nói chung và ngành công nghiệp nói riêng để có giải pháp cụ thể, chính xác.

“Chúng ta không trầm trọng hóa vấn đề song vẫn phải chủ động, chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chính phủ” Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh tại cuộc họp.

Nguyễn Mạnh

Tin liên quan