Ngay trong đầu tháng 3/2020, hàng loạt mẫu xe hàng tuyển của các hãng như Toyota Fortuner, Honda CRV, Ford Everest, Explorer... đều giảm giá đồng loạt, với mức giá mạnh từ 30 đến gần 270 triệu đồng. Mức giá khiến nhiều khách hàng mua trước đó vài tháng tiếc ngẩn ngơ vì mới nhận xe đã mất cả trăm triệu đồng.
Theo thống kê của VAMA, trong 4 tháng qua từ tháng 1/2020 đến tháng 10/2019, doanh số bán ra của các loại xe trên dường như suy giảm hoặc dậm chân tại chỗ.
Tháng 1/2020, Fortuner giảm doanh số bán xuống 690 chiếc, giảm 810 chiếc so với tháng 12/2019. Tuy nhiên, tháng 12/2019 (tháng cao điểm mua xe hơi) so với 2 tháng trước cũng không tăng đáng kể, so với tháng 11, doanh số chỉ tăng 500 chiếc, so với tháng 10 chỉ tăng hơn 200 chiếc.
Mẫu Pajero của Mitsubishi có doanh số tháng 1/2020 suy giảm chỉ còn 37 chiếc, giảm 75 chiếc so với tháng trước. Tháng 12/2019 doanh số dòng xe này chỉ tăng rất nhẹ so với các tháng trước, tăng 4 chiếc so với tháng 11 và tăng 13 chiếc so với tháng 10.
Pajero ngày càng đuối sức trong cuộc cạnh tranh với các đối thủ trong cùng phân khúc là Fortuner và Everest.
Mẫu Mazda CX8 có doanh số tháng 1/2020 đạt 235 chiếc, giảm 120 chiếc so với tháng trước. Tuy nhiên, tháng 12/2019 doanh số xe này bán ra cũng chỉ bằng khá ít so với các tháng trước đó, cho dù đây là cao điểm mua xe, mức tăng chỉ 89 chiếc so với tháng 11 và 55 chiếc so với tháng 10.
Với mẫu Honda CRV, đây là dòng xe ăn khách nhất của Honda, tháng 1/2020 bán ra gần 550 chiếc, giảm gần 50% so với tháng 12/2019. Tuy nhiên, doanh số tháng 12 lại không quá cao so với các tháng trước đó, tăng 167 chiếc so với tháng 11 và giảm 100 chiếc so với tháng 10 trước đó.
Ford Everest tháng 1/2020 có doanh số bán ra đạt 516 chiếc, giảm gần 300 chiếc so với tháng 12/2019. So doanh số tháng 12 với các tháng trước đó lượng tăng chỉ từ 16 đến 70 chiếc so với các tháng trước đó.
Tương tự như vậy, Ford Explorer cũng suy giảm mạnh khi tháng 1 bán ra chỉ 28 chiếc, các tháng trước đó đều có doanh số dưới 100 chiếc/tháng.
Nếu so sánh doanh số tháng 1/2020 với các tháng trước đó, 100% các mẫu xe đều suy giảm mạnh. Trong tháng 2/2020, thị trường vẫn tiếp tục suy giảm doanh số do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Hiện, để có khách hàng, hầu hết nhân viên môi giới, bán xe đều chấp nhận giảm giá sâu, thậm chí bù lãi doanh số của mình cho khách hàng để mong bán đủ mức xe quy định. Điều này khiến người mua xe có nhiều lợi thế trong đàm phán.
Tuy nhiên, vấn đề này khiến giới kinh doanh xe hơi đang rất lo ngại đà suy giảm xe hơi khi nhiều lĩnh vực kinh tế suy giảm. Các doanh nghiệp, người giàu trở nên khốn khó hơn.
Việc giảm giá xe, lót tay cho khách hàng mua xe trong bối cảnh dịch bệnh là điều bất đắc dĩ, có thể khiến doanh số một số mẫu tăng lên. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về xe, người tiêu dùng nhận thấy không vui.
Bởi điều này chứng tỏ, trong điều kiện bình thường, các hãng, đại lý, nhân viên môi giới xe hơi đang "ăn đậm" của khách hàng. Các hãng dựa vào doanh số ổn định, "vựa doanh số" của mẫu xe để không giảm giá, trong khi các lợi ích về thuế nhập khẩu về 0%, các chính sách ưu đãi nhưng vẫn không giảm giá cho khách hàng.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, việc thấy được khó khăn mới giảm giá, kêu kéo người tiêu dùng trong khi điều kiện bình thường lại không "đối xử" tốt với khách hàng, người tiêu dùng tiềm năng của mình cho thấy các hãng xe hơi đã kiếm lợi nhiều từ trước đó.
An Linh