Bộ Công Thương hiến kế cứu xe Việt
Mới đây, trong kiến nghị gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi Nghị định 134/2016/NĐ-CP về thuế đối với linh kiện phụ tùng và nguyên liệu sản xuất cho ô tô, theo hướng áp dụng mức thuế thấp hơn đối với sản phẩm hoàn chỉnh.
Xe nội sắp được giải cứu bằng ưu đãi thuế
Các cụm linh kiện sẽ được điều chỉnh về 0% đến năm 2025 và ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ô tô...
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng xe Thái Lan và Indonesia nhập về Việt Nam hiện chiếm khoảng 70 - 80% số xe nhập ở Việt Nam. Các dòng xe nhập về tập trung vào phân khúc giá từ 400 triệu đến dưới 1 tỷ đồng/chiếc.
Nếu ngành xe hơi Việt Nam không cải thiện trình độ sản xuất, nâng cao năng lực và sản lượng, sẽ rất khó để cạnh tranh với xe nhập vì chi phí sản xuất xe tại Việt Nam đang lớn hơn 20% so với Thái Lan.
Sửa quy định 116, xe nhập lợi thế về Việt Nam
Cùng với sửa đổi chính sách thuế đối với doanh nghiệp Việt, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ sửa đổi chi tiết Nghị định 116 theo hướng bãi bỏ kiểm tra theo lô.
Sắp nới quy định về nhập khẩu xe hơi
Bộ đề xuất sẽ thực hiện kiểm tra xe theo kiểu loại xe và tiến hành hậu kiểm xe hơi nhập, đây được xem là chi tiết rất quan trọng giúp doanh nghiệp nhập xe nhanh chóng thực hiện nhập khẩu xe hơi nhanh chóng hơn.
Vì đâu xe nội lép vế trước xe Thái Lan?
Cũng trong báo cáo gửi Thủ tướng về đề xuất chính sách cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) thừa nhận thực tế: Ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự; Chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.
Xe Thái lợi thế hơn Việt Nam nhờ chi phí giảm, chính sách tốt
Dự báo với tốc độ nhập khẩu như các tháng vừa qua, lượng ô tô nhập khẩu, đặc biệt các loại xe con sẽ tiếp tục tăng mạnh, duy trì ở mức cao trong những năm tiếp theo.
Bộ Công Thương cho rằng, sản xuất trong nước sẽ gặp khó nếu không nỗ lực tăng cường chất lượng, hạ giá thành sản xuất để tăng tính cạnh tranh nhất là việc cạnh tranh đối với xe nhập khẩu từ thị trường AEAN do được ưu đãi thuế quan.
Xe nội ưu đãi lớn vẫn chật vật giảm giá thành!?
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, cho đến nay, 8 công ty sản xuất ô tô thuộc 4 hãng lớn: Hyundai Thành Công (TC Motor), Toyota, Thaco Trường Hải, Ford đều đã được hưởng ưu đãi nhập linh kiện phụ tùng trong nước chưa sản xuất được với thuế 0% theo Nghị định 125.2017 của Chính phủ.
Ô tô nội vẫn chật vật với giá thành để "đấu" với xe nhập
Tuy nhiên, các hãng xe, các nhà khoa học, chuyên gia ô tô đều thừa nhận xe hơi lắp ráp tại Việt Nam đang chật vật để giảm giá thành, nâng lợi thế cạnh tranh so với xe nhập.
Ông Phạm Anh Tuấn, chuyên gia xe hơi của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) nói: "Bên cạnh chi phí sản xuất chung của ngành xe hơi Việt cao hơn 20% so với Thái Lan thì nhiều chi tiết, linh kiện mà chúng ta làm được nhưng sản lượng nhỏ nên giá thành cao. Các nhà sản xuất ô tô sẽ phải cân nhắc xem có giảm giá thành được không khi tăng mua linh kiện trong nước".
Xe sang xuống giá, dân Việt cũng khó mua xe rẻ
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Trí, gần đây một loạt mẫu xe hơi cao cấp đã xuống giá tại Việt Nam do áp lực cạnh tranh và sự gia nhập thị trường của các đối thủ mới.
Các dòng xe sang đang xuống giá để vét khách
Cụ thể trong danh sách này có Toyota Camry, Mazda 6, Honda Accord, Peugeot 508, Mercedes C200 hay BMW i320 và tân binh mới ra nhập thị trường là VinFast LuxA.
Phân khúc xe sang mặc định ở khung giá trên 1 đến 2 tỷ đồng hiện đã phải giảm giá từ vài chục triệu, có hãng vài trăm triệu đồng/chiếc. Điều này khiến cuộc chiến xe hơi sang càng trở nên khốc liệt hơn, đặc biệt trong bối cảnh nhiều mẫu xe ra đời, nhiều dòng xe khác đang chứng tỏ khả năng cạnh tranh tốt hơn so với xe sang, cận cao cấp.
Đến lượt xe 7 chỗ qua sử dụng xuống giá dưới 500 triệu đồng
Innova, Fortuner, SantaFe hay Everest... là những cái tên đang được dân sành xe rất ưa chuộng để chạy dịch vụ với giá rẻ dưới 500 triệu đồng. Trên các mạng bán xe hơi chuyên nghiệp, lượng xe này rao bán ra phần lớn và đời xe cũng ngày một mới hơn.
Xe hơi 7 chỗ qua sử dụng giá rẻ đi trông thấy
Với tiện ích là chở được nhiều người, gầm cao, xe chạy ổn định nên hầu hết dân mua xe cũ để kinh doanh đều chọn các dòng xe 7 chỗ chạy dầu hoặc chạy xăng. Tuy nhiên, một điểm khác là mức giá của họ quan tâm đang là giá xe phải rất rẻ và xe phải còn chạy tốt.
Cuối năm không khan hiếm xe nhập
Tới đây có thể sẽ không còn tình trạng người tiêu dùng phải đặt hàng trước 2-3 tháng như hiện tại, vì trong tháng 8 vừa qua, đã có gần 9.000 ôtô được nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam và đang làm thủ thông quan.
Việt Nam chi tiền nhập khẩu xe lớn, cuối năm sẽ không khan hiếm xe hơi
Cụ thể, theo thông tin tử Tổng cục Thống kê, trong tháng 8/2019 vừa qua, ước tính đã có khoảng 9.000 ôtô nguyên chiếc được nhập khẩu vào Việt Nam, đạt kim ngạch gần 600 triệu USD. Với số lượng này, kể từ đầu năm, thị trường ôtô Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 95.969 xe, với trị giá ước tính khoảng 2,1 tỉ USD.
So với cùng kì tháng trước, thị trường ôtô Việt Nam trong tháng 8 đã giảm 12,5% về số lượng và 24% về giá trị so với tháng trước đó. Trong khi đó, nếu tính cộng dồn kể từ đầu năm thì trong 8 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu ô tô tăng trưởng tới gần 330% về lượng và khoảng 305% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018, khi các quy định mới về kinh doanh nhập khẩu ôtô vẫn còn gây khó khăn cho các hãng xe.
An Linh (Tổng hợp)