"Tan băng" song lại "tăng giá"
Cuối tháng 4, đầu tháng 5/2020 khi Thủ tướng có đồng ý về mặt nguyên tắc giảm 50% phí trước bạ dành cho người mua xe hơi sản xuất, lắp ráp trong nước, thị trường xe đã ấm dần lên.
Xe trong nước, vừa tan băng lại tăng giá
Vào ngày 28/6, Chính phủ chính thức ban hành Nghị định giảm phí trước bạ 50% đối với xe trong nước, động lực này càng giúp cho việc mua ngay xe trong nước đang ngày một nhiều hơn, lớn hơn.
Trong tháng 6/2020, hầu như người có ý định mua xe hơi trong tháng 7 hoặc tháng 7 đã xuống tiền, bởi ít ai để đến tháng 8 bởi quan niệm dân gian, tháng 8 dương là tháng 7 âm: tháng ngâu, tháng cô hồn, nhiều người không mua xe, nhà cửa.
Tuy nhiên, cùng với đà mua tăng thì nhiều hãng xe, đại lý xe đã kịp thời điều chỉnh giá hoặc cắt khuyến mãi. Cụ thể, theo khảo sát tại một số doanh nghiệp kinh doanh xe ô tô tại Hà Nội, ngay sau khi Thủ tướng ban hành Nghị định 70/20/NĐ-CP, một số hãng xe đã có tín hiệu giảm bớt ưu đãi, tăng giá xe. Ví dụ như xe Honda City bản 1.5 TOP được rao giá 570 triệu đồng/xe, tăng 10 triệu đồng so với trước.
Toyota Vios 1.5G ghi nhận tăng 10 triệu đồng, lên mức 550 triệu đồng/xe và các chính sách quà tặng bị cắt giảm. Một số mẫu xe như Toyota Innova cũng tăng giá khoảng 10 triệu đồng so với trước đây. Lý do được đưa ra là bởi các đại lý cần cân đối giá để bù lỗ những tháng đóng băng doanh số do covid-19.
Xe thuộc " họ Trường Hải " xuống giá đồng loạt
Liên tiếp các dòng xe Mazda CX8, CX5, Kia Sendona và Peugeot đồng loạt giảm giá để kích cầu dân mua xe trong tháng 7.
Nhiều xe thuộc họ nhà Trường Hải giảm giá mạnh
Cụ thể, CX-8 bản 2.5 Premium giá áp dụng trong tháng 6 là 1,349 nhưng sang tháng 7 còn 1,149 tỷ đồng, các phiên bản Premium AWD, Luxury hay Deluxe đều giảm 150 triệu đồng.
Mẫu Mazda CX-5 giảm 120 triệu, trên dòng Premium 2WD, các phiên bản khác giảm từ 70 đến 100 triệu đồng. Ở phân khúc sedan, Mazda 3 được điều chỉnh 10-50 triệu đồng. Mẫu xe nhập khẩu Mazda2 giảm 30-50 triệu đồng. Xe bán tải BT-50 riêng bản 3.2L Premium 4x4 không điều chỉnh, các bản khác giảm 21-35 triệu đồng.
Thương hiệu Peugeot cũng điều chỉnh hàng loạt, trong đó 5008 giảm 100 triệu đồng, đưa phiên bản AL còn 1,249 tỷ đồng và bản AT còn 1,099 tỷ đồng.
Với mẫu 3008, phiên bản AL còn 1,069 tỷ đồng (giảm 80 triệu đồng) và AT còn 979 tỷ đồng (giảm 120 triệu đồng). Các mẫu MPV Traveller giảm 150-160 triệu đồng.
Tháng 6, xe tiêu thụ tăng đột biến
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) doanh số bán xe của các thành viên hiệp hội trong tháng 6/2020 đạt hơn 24.000 chiếc, cộng thêm với hơn 5.600 chiếc của TCMotor (Hyundai Thành Công), tổng lượng xe bán ra đạt hơn 29.600 chiếc, tăng hơn 24% so với tháng trước.
Xe tiêu thụ tháng 6 tăng đột biến, dự kiến các tháng sau có thể còn tăng nhiều hơn
So với tháng 4/2020, lượng xe bán ra trong tháng 6 đã tăng 112% , ước khoảng 15.700 chiếc.
Đáng chú ý, doanh số xe con dưới 9 chỗ tăng rất mạnh. Các doanh nghiệp thuộc VAMA trong tháng 6 bán được gần 17.600 chiếc, cộng với hơn 4.800 chiếc của TCMotor, tổng lượng xe con bán ra trong tháng 6 đạt gần 22.400, tăng hơn 5.000 chiếc so với tháng 5 và 12.600 chiếc so với tháng 4.
Xe nhập vẫn đắt hàng dù xe trong nước được giảm phí
Dù không được giảm 50% lệ phí trước bạ như xe sản xuất, lắp ráp trong nước nhưng thị trường ô tô nhập khẩu không bị ảnh hưởng nhiều, thậm chí doanh số tại nhiều hãng tăng mạnh, nhất là các mẫu xe sang.
Xe nhập vẫn đắt khách và có đường đi riêng đầy hứa hẹn cho mình
Khảo sát của phóng viên tại một số đại lý xe nhập ở Hà Nội và TP.HCM với những hãng lớn như Audi, Mercedes, Lexus, BMW hay Subaru... thời điểm này khách hàng đến xem và tư vấn mua xe nhập cao cấp vẫn rất đông.
Theo một nhân viên kinh doanh Lexus tại Hà Nội: "Khách hàng của hãng thuộc phân khúc tầm trên nên khi quyết định mua xe nên họ không quá quan tâm đến việc giảm lệ phí trước bạ".
Ngoài vấn đề phân khúc khách hàng, để chiếm được niềm tin tiêu dùng, các hãng xe nhập thường có chất lượng và công nghệ được khách hàng đánh giá là tốt hơn. Bên cạnh đó, tầng lớp mua xe nhập từ 2,5 tỷ đồng đều có tiền và chiếc xe trở thành đồ giải trí, hoặc khẳng định thương hiệu cá nhân, chính vì vậy ít người hạ mình mua xe giá rẻ hơn.
Xe 7 chỗ, nóng cuộc đua " dìm nhau xuống đáy "
Từ chỗ chỉ có duy nhất một mẫu xe làm "vương" trên thị trường, đến nay dòng MPV 7 chỗ đã bổ sung thêm khá nhiều mẫu mới với sự cạnh tranh quyết liệt về giá bán và tiện ích.
Xe 7 chỗ gia đình đang xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh và có thể giá dòng xe này sẽ hạn xuống thấp hơn nữa
Các thương hiệu phải kể đến đang có sự cạnh tranh quyết liệt và nhận gày càng nhiều ý kiến của khách hàng là: Mitsubishi Xpander, Toyota Innova, Suzuki XL7, Suzuki Ertiga và Kia Rondo...
Về mức giá, hiện Ertiga và Xpander có mức giá rẻ nhất, độ phủ giá từ 450 triệu đồng đến 630 triệu đồng giúp các mẫu xe của hai ông lớn này đang chinh phục được nhiều khách hàng mới.
Trong khi đó, với việc kiên trì thiết kế của mình, Innova đã tụt xuống vị trí thứ 2 về doanh thu trong năm 2019 sau Xpander, và có thể nếu không cải thiện có thể thua thiệt nhiều mẫu xe khác nữa.
Một đối thủ cạnh tranh lớn đối Xpander và Innova bản cao cấp là Suzuki XL7. Mẫu xe 7 chỗ nhập khẩu với giá bán chỉ 589 triệu đồng/chiếc đã và đang là đối thủ thực sự của các xe 7 chỗ cho gia đình. Cuộc chiến giảm giá xe sắp tới có thể tăng mạnh bởi các doanh nghiệp muốn chốt có khách hàng. Điều này có thể sẽ châm ngòi cho những thay đổi lớn và hàng loạt kế hoạch giảm giá, câu kéo khách hàng từ các hãng, đại lý.
An Linh (Tổng hợp)