Giảm giá trăm triệu vẫn ế, đại lý ô tô dài cổ ngóng khách mua
Thị trường ô tô năm 2019 đến nay vẫn liên tục ghi nhận những đợt giảm giá mạnh. Đến thời điểm hiện tại đã có hơn 20 mẫu xe từ bình dân đến xe sang cao cấp được áp dụng giảm giá với mức giá hấp dẫn cao nhất lên đến trên 300 triệu đồng.
Dù vậy, theo ghi nhận của phóng viên tại nhiều đại lý, lượt người đến mua, xem xe và giao dịch khá ít.
Đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều đại lý chịu chấp nhận tung ra các chương trình khuyến mãi lớn để nhằm mục đích đẩy hàng tránh tồn kho sang năm tới. Nhân viên sale muốn bán xe phải qua kênh người thân quen hay qua tương tác trên mạng xã hội.
Giảm giá mạnh nhiều xe vẫn ế ẩm, ít khách hỏi mua.
Trao đổi với phóng viên, nhân viên kinh doanh tại một đại lý Toyota ở Hà Nội than vãn: “Xe cũ chưa bán hết nhưng nhà sản xuất đã giới thiệu xe mới hấp dẫn hơn, giá lại chỉ bằng xe cũ. Chính vì thế, kế hoạch khuyến mãi, giảm giá là “bài chiến lược” để đại lý giành giật thị phần, xoay xở bán thu hồi vốn trước khi hết năm. Không lại để tồn sang năm mới, hết đời xe lại càng bán khó hơn”.
Chuyên gia lo công nghiệp ô tô sụp đổ, doanh nghiệp kêu khó nhưng “không bi quan”
Còn nhớ, tại một tọa đàm về công nghiệp hỗ trợ ô tô hồi tháng 9 năm nay, một chuyên gia lâu năm về ô tô cho rằng: “Nếu cứ như thế này ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ sụp đổ, khó có thể cạnh tranh được với nước ngoài”.
Theo vị này, chi phí sản xuất ô tô ở Việt Nam đang cao hơn so với các nước khác, đó là một trong những nguyên nhân khó cạnh tranh... Thậm chí theo vị này, mức chi phí cao hơn lên tới 18-20%.
Bên lề Diễn đàn công nghiệp hỗ trợ, trả lời câu hỏi của Dân trí về việc liệu công nghiệp ô tô có thể sụp đổ trước nhiều sức ép như lời chuyên gia nhận định, ông Phạm Văn Tài - Tổng giám đốc Công ty CP ô tô Trường Hải (Thaco) nói: “Tôi không bi quan đến thế. Tuy nhiên, tôi cũng không chủ quan, mà lạc quan”.
Ông Tài phân tích, đúng là thực tế thì “mua rẻ hơn làm thì không ai làm mà sẽ đi mua”. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là làm sao mình phải làm rẻ hơn mua. Muốn làm được điều này, ông Tài cho rằng phải giải được bài toán nội địa hoá với sản lượng nhỏ.
Trong câu chuyện nhập khẩu ngành ô tô, doanh nghiệp cho rằng, “mua rẻ hơn làm thì không ai làm mà sẽ đi mua”.
Giá ô tô trong nước đắt hơn khu vực: Kiến nghị miễn giảm thuế để hạ giá
Lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, từ năm 2018, theo các cam kết về thuế quan trong Hiệp định ATIGA, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong các quốc gia ASEAN về 0%. Đây là thách thức rất lớn cho các ngành công nghiệp ô tô cũng như công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô trong thời gian tới.
Đại diện Cục Công nghiệp kiến nghị, trong thời gian tới, Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, báo cáo Chính phủ phương án sửa đổi, bổ sung các đạo luật về thuế, phí nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh về giá thành trước làn sóng xe nhập khẩu nguyên chiếc xâm nhập thị trường Việt Nam trong thời gian tới.
Đại diện một số doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ xem xét việc giảm thuế nhập khẩu linh kiện về 0% mà không kèm theo bất kỳ điều kiện nào trong bối cảnh thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc về 0%.
Theo vị này, khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc bằng 0% từ năm 2018, nếu vẫn áp dụng chính sách thuế đối với linh kiện thì sẽ khó giảm giá thành xe sản xuất trong nước.
Đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), đại diện Bộ Tài chính cùng các doanh nghiệp tham dự diễn đàn công nghiệp hỗ trợ ngày 28/11.
"Cuộc chiến" khốc liệt của dòng xe tầm giá 400 đến 700 triệu đồng
Hiện nay, các mẫu xe có giá 700 triệu đồng khá nhiều lựa chọn như các mẫu sedan: Toyota Vios, Honda City, Kia Cerato, Soluto, Suzuki Ciaz, Hyundai Elantra, Accent, Mazda 3, Mitsubishi Attrage, Mirage hay Nissan Sunny…
Có mức giá khá rẻ, giá bán lẻ 450 triệu đồng, xe Kia Soluto đời mới của Trường Hải lắp ráp được xem là mẫu xe giá rẻ nhất của Trường Hải ở phân khúc sedan. Đây là dòng xe ra đời để cạnh tranh với các đối thủ như Nissan Sunny hay Suzuki Ciaz…
Nếu không muốn chọn xe Hàn Quốc, người tiêu dùng hoàn toàn có quyền lựa chọn xe Nhật ở phân khúc 400 đến 700 triệu đồng. Honda City 1.5 đời 2019 có giá bán thấp nhất hiện nay là 535 triệu đồng, bản số tự động.
Ngân hàng thanh lý Camry “đời Tống”, dân mạng khuyên để dành thưởng tết nhân viên
Một lô xe ô tô gồm 20 chiếc từ 4 đến 7 chỗ mới đây được một ngân hàng rao bán thanh lý với tổng giá trị lên tới 6,2 tỷ đồng. Trong số này, chiếc Toyota Camry 2003 có giá khởi điểm lên tới 332 triệu đồng, Hyundai Sonata 2.0 đời 2009 giá 414 triệu, Toyota Innova đời 2006 có giá bán từ 294 triệu đồng.
Sau khi thông tin được chia sẻ trên các hội nhóm lớn về ô tô trên mạng xã hội, nhiều người đã tỏ ra khá ngạc nhiên. Một tài khoản có tên N.P. chia sẻ: “Giá đó thì ngân hàng nên giữ lại mà đi, khi nào hỏng hẳn thì bán sắt vụn.”
Nhiều người còn hài hước khuyên ngân hàng nên giữ lại thưởng tết cho nhân viên. Vì dù sao cũng sắp đến Tết, thay vì thưởng tiền mặt thì có thể thưởng luôn hiện vật.
Bảng giá xe thanh lý.
Cuối năm mua xe đại hạ giá hay cố thủ "găm tiền" chờ năm 2020?
Thực tế, từ năm 2018 đến nay, các dòng xe được tiêu thụ nhiều (xe dưới 800 triệu đồng) không được giảm giá mạnh và có thể sang năm 2020, các dòng xe này cũng khó có thể giảm giá thêm nếu không có điều gì quá đột biến.
Điều khiến một số người có ý định mua xe hơi còn lăn tăn, lưỡng lự chính là nếu mua xe và đăng ký xe trong năm 2019, chiếc xe sẽ gánh thêm một năm tuổi. Nếu hãng xe ra đời mẫu xe mới năm 2020, đương nhiên, người mua xe cuối năm 2019 sẽ chịu mua mẫu cũ, không được trang bị mới hoặc lỗi thời.
Trường hợp, nếu chủ xe sử dụng xe 3 - 5 năm sau đó bán đi, sẽ chịu thêm một năm tuổi của xe. Điều này không có lợi cho việc bán lại sau thời gian sử dụng.
Theo các chuyên gia về xe hơi và cả đại lý bán xe, việc giảm giá xe hơi hiện nay không chỉ là chạy doanh số mà còn phải xuất phát từ chiến lược thị trường của các hãng xe: giảm giá phải cho thị trường cạnh tranh và cho người tiêu dùng hưởng lợi, không thể chỉ chăm chăm vào bù đắp doanh số các hãng.
Bên cạnh đó, giá xe phải ở mức phù hợp với thu nhập của người tiêu dùng và đặc biệt phải tương ứng với khu vực, không thể có chuyện người tiêu dùng Việt phải mua xe giá cao vì "gánh" chi phí sản xe hơi tại Việt Nam cao hơn khu vực 20%, trong khi đó chúng ta đã bỏ thuế xe nhập.
Ô tô hết cửa "làm giá" cuối năm
Lãnh đạo hãng Ford Việt Nam thừa nhận lượng xe tồn kho của các DN và tại đại lý đang rất lớn. Nguyên nhân từ việc các hãng kỳ vọng quá lớn vào sức tiêu thụ năm 2019 nên đua nhau lắp ráp và nhập khẩu, mục tiêu tăng 30% nhưng đến thời điểm này, mức tăng thực tế mới đạt 15%-17%, tương đương năm 2018.
Dù đang giảm giá rất nhiều nhưng hầu hết các đại lý ô tô đều lo ngại khó giải quyết hết lượng hàng tồn trong những tháng cuối năm, bởi xe nhập khẩu cả đời cũ lẫn đời mới vẫn tiếp tục tràn về với số lượng lớn, trong khi người tiêu dùng lại có tâm lý chờ những mẫu xe đời 2020 giảm giá mới chịu bỏ tiền ra mua chứ không mua xe đời 2019, thậm chí xe đời 2018 vẫn còn khá nhiều dù giá giảm khá sâu.
Giới kinh doanh nhận định nguồn cung ô tô trong năm 2020 sẽ nhiều hơn do công suất sản xuất, lắp ráp trong nước tiếp tục tăng.
Thị trường ô tô cuối năm 2019 đang có diễn biến trái ngược những năm trước do lượng xe tồn kho lớn.
Nguyễn Khánh (Tổng hợp)