Thông tin từ các đại lý cho biết, nếu như thị trường ô tô cuối năm 2018 và tháng 1/2019 rất thuận lợi, thì từ tháng 2/2019 đến nay đã thay đổi rất nhanh. Nguồn cung tăng mạnh, một loạt sản phẩm mới ra mắt, có hãng xe tung ra thị trường sản lượng gần gấp đôi so với tháng 1/2019 và những tháng cuối năm 2018 khiến tồn kho tăng cao. Các đại lý buộc phải hạ giá, thậm chí chấp nhận thua lỗ, bán chỉ để giải quyết hàng tồn kho.
Trên thực tế, nhiều mẫu xe đã giảm giá xuống đáy. Ngoài các chương trình khuyến mãi, giảm giá từ chính hãng, thì các đại lý cũng chủ động giảm giá cho khách hàng. Vì vậy, giá xe giảm từ 30 đến gần 150 triệu đồng diễn ra khắp mọi phân khúc, tính từ sau Tết nguyên đán Kỷ Hợi đến nay.
Chẳng hạn như mẫu Nissan X-Trail hiện có mức giảm giá từ 100-140 triệu đồng cho xe xuất xưởng năm 2018 và 75-90 triệu đồng với xe xuất xưởng năm 2019, tùy từng phiên bản. Hay mẫu Trailblazer của GM cũng có mức giảm giá tới 100 triệu đồng.
Xe về nhiều, giá giảm (ảnh minh họa)
Mức giá giảm phổ biến với nhiều mẫu xe hiện nay từ 40-80 triệu đồng. Cụ thể như Toyota Wigo bản số tự động giảm giá 40 triệu đồng, Toyota Altis giảm gía từ 60-80 triệu đồng tùy từng phiên bản, Vios giảm 50-60 triệu đồng, Honda Civic giảm 70 triệu đồng, Honda city giảm 40-50 triệu đồng. Các mẫu xe của Mazda cũng giảm mạnh. Mẫu Mazda 2 và 3 giảm 50 triệu đồng, CX-5 giảm trên 60 triệu đồng,... EcoSport của Ford Việt Nam có mức giá giảm tới 60-73 triệu đồng tùy từng phiên bản.
Xe giảm giá mạnh khiến các đại lý kêu trời vì thua lỗ. Một đại lý Nissan tại Hà Nội cho biết, giá xe X-trail bán ra hiện nay chỉ hòa vốn và thua lỗ. Với những xe mua cách đây khoảng 2 tháng, chưa bán hết, qua mấy lần chính hãng công bố giảm giá, giờ chấp nhận mỗi xe chịu lỗ từ 10-20 triệu đồng. Những xe mới nhận về thì đang bán hòa vốn.
Một đại lý Mazda thừa nhận giá xe giảm mạnh, khiến cạnh tranh rất gay gắt nên không có lãi. Chẳng hạn như mẫu CX-5 đến nay bán rất khó khăn, do mẫu Nissan X-trail giảm giá mạnh giành khách. Hạ giá nữa thì tăng thua lỗ, không hạ giá thêm thì khó bán.
Các đại lý của Toyota Việt Nam cũng than ngắn thở dài. Trước đây xe Toyota vốn giữ giá, chưa bao giờ phải giảm mạnh như hiện nay. Tháng 4 vừa qua, những đại lý còn hàng Camry phiên bản cũ đã phải đại hạ giá tới 120 triệu đồng mới bán hết hàng. Nay thì từ Toyota Wigo đến Vios, Altis, Innova,... cũng phải “xuống thang” giảm theo, có xe còn lãi chút ít, có xe hòa vốn, có xe thua lỗ.
Theo các đại lý, bán lẻ ô tô thường được hưởng chiết khấu với tỷ lệ từ 4-9% giá xe. Những hãng xe có tên tuổi, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, hàng năm có lượng tiêu thụ lớn thì mức chiết khấu phổ biến 4-6%, còn những hãng xe kém tên tuổi, ít người mua, số lượng xe bán không nhiều thì chiết khấu cao hơn, thường từ 7-9%.
Bán một chiếc xe hạng B được hưởng hoa hồng 30 triệu đồng, hạng C được 40 triệu đồng, hạng D được 50 triệu đồng. Nhưng từ đầu năm tới nay, mỗi xe hạng B bán cho khách giảm từ 40-60 triệu đồng, hạng C từ 60-80 triệu đồng, hạng D từ 80-100 triệu đồng. Với mức giảm giá như hiện nay thì không còn lợi nhuận.
Khó khăn nhất chính là những đại lý bán lẻ cho những thương hiệu có doanh số bán thấp. Nhiều hãng xe tại Việt Nam có số lượng bán ra chỉ từ 4.000 đến dưới 10.000 xe/năm, mỗi đại lý chỉ bán được vài chục xe/tháng mà phải tham gia cuộc đua hạ giá thì cầm chắc lỗ vốn.
Các đại lý cho hay hiện tại chỉ trông chờ vào dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa để vượt qua khó khăn. Những đại lý có nhiều xe vào xưởng với doanh thu từ 10-15 tỷ đồng thì vẫn yên ổn. Ngoài ra, nếu bán đạt doanh số hãng giao thì cuối kỳ sẽ được thưởng. Tuy nhiên, hoàn cảnh lúc này khi tất cả cùng nhau đẩy mạnh bán ra, khiến giá xe giảm mạnh thì thưởng cũng chưa chắc đã đủ bù đắp.
Các đại lý tiết lộ kế hoạch kinh doanh năm nay chắc chắn thua xa năm ngoái, bởi nguồn cung quá nhiều, tồn kho cao và giá xe giảm mạnh.
Công ty CP dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico), DN làm đại lý bán lẻ cho nhiều hãng ô tô tại Việt Nam với hơn 50 đại lý trên toàn quốc, cho biết, theo kế hoạch đặt ra, năm 2019 dự kiến doanh thu tăng 22%, lên 18.193 tỷ đồng; ngược lại lợi nhuận trước thuế giảm 15%, còn 273 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 20%, còn 143 tỷ đồng so với năm 2018. Nguyên nhân là do các đại lý đang phải đối mặt với sản lượng cung cấp xe lắp ráp trong nước và nhập khẩu khá nhiều, áp lực bán hàng và giải phóng hàng tồn kho lớn, nên lợi nhuận không thể giữ như năm 2018.
Theo Trần Thuỷ
VietnamNet