Thị trường xe cũ trong tháng ngâu - tháng cô hồn đang gặp nhiều khó khăn do nhu cầu xe hơi đang xuống thấp. Khá nhiều đại lý, cửa hàng than phiền vắng khách, âm doanh số vì dịch bệnh và tâm lý khách hàng kiêng kỵ mua xe tháng cô hồn.
Để cứu chính mình, các đại lý xe cũ sẽ phải giảm giá xe cũ trong thời gian tới do giá nhiều dòng xe mới giảm nhanh
Trước đây, các mẫu xe cũ có giá từ 300 đến 500 triệu đồng khá đắt hàng thì nay nhóm khách hàng của xe cũ đã chuyển nhiều sang xe mới với nhiều chính sách ưu đãi tốt hơn.
Với mức giá 300 triệu đồng, thị trường xe mới trước đây chỉ gói gọn vào các mẫu xe hatchback, sedan phân khúc A hoặc B. Tuy nhiên, khi thị trường gặp khó, các hãng xe hơi thực hiện kế hoạch giảm giá, khuyến mãi hàng loạt, thậm chí có trong tay 200 triệu đồng, khách đã có thể sở hữu chiếc SUV mới cứng, đẳng cấp.
"Rất nhiều mẫu SUV, Crossover hay sedan phổ thông được bán trả góp với giá vốn ban đầu chỉ khoảng 200 triệu đồng trở xuống. Cá biệt, có hãng chỉ cần người tiêu dùng bỏ ra gần 100 triệu đồng là có thể sở hữu được xe hơi. Điều này đã khiến các loại xe cũ bị mất khách hàng, mất thị trường", ông Nguyễn Vũ Minh, chủ đại lý xe cũ tại Long Biên cho biết.
Theo một số đại lý xe cũ, bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến lượng người mua xe ít hơn, giá xe mới đang giảm nhanh chóng cùng các chính sách biệt đãi khách hàng đã khiến thị trường xe cũ rơi vào suy thoái.
Theo ông Minh: "Từ đầu năm đến nay, chúng tôi không thể nhập xe về do mất cân đối thị trường. Xe ký gửi tăng mạnh và không cần thiết phải nhập xe bởi nhu cầu người dân mua xe giảm. Đối với cá nhân, người mua xe hiện nay rất thấp, còn đối với doanh nghiệp vận tải, hộ kinh doanh, không có nhu cầu mua xe, điều này khiến các doanh nghiệp xe cũ ngày càng khó".
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, hiện các cửa hàng xe cũ, các chủ đại lý đều tập trung bán các mẫu xe phổ thông, xe sang hầu hết phải đóng kho vì giá cao hoặc không có khách. Đối với các mẫu xe cũ từ 10 năm trở về trước cũng rất khó để bán hàng bởi nhu cầu người tiêu dùng đang hướng đến các dòng xe mới hơn.
Từ thời điểm đầu dịch bệnh đến nay, nhiều cửa hàng, đại lý xe cũ vẫn khá im ắng
Ông Vũ Văn Việt, chủ một đại lý xe cũ trên phố Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội) cho biết, xe cũ tại Hà Nội hiện nay rất khó bán, doanh số chỉ bằng 1/3 so với đại lý xe cũ tại các tỉnh. Các mẫu xe cũ đời sâu không thể bán tại Hà Nội mà chỉ có khách hàng giao dịch tại các tỉnh. Chính vì vậy, phần lớn đại lý xe cũ chấp nhận chuyển một phần về tỉnh hoặc thuê kênh bán hàng tại các tỉnh để sống qua ngày.
Thị trường xe cũ hiện phải nghe ngóng và sống theo hơi thở của xe mới và chịu tác động của xu hướng giảm giá xe mới. Do đại dịch hoành hành, doanh số hàng loạt hãng xe bị tụt giảm mạnh, nhiều hãng bắt buộc phải giảm giá, khuyến mãi mạnh khiến cho thị trường xe cũ bị tổn thương sâu sắc.
Thực tế, nhiều đại lý xe cũ cho biết, nếu trước kia với mức giá xe từ 300 triệu đến 500 triệu đồng/chiếc, xe cũ sẽ có có ưu thế với xe mới, nhưng hiện giờ, nhiều hãng như VinFast, Mazda Trường Hải cho vay từ 80 - 99% xe đã khiến khách mua xe cũ vốn ít nay càng ít hơn.
Hiện một số đại lý xe hơi vốn "ăn lên, làm ra" ở Tố Hữu, Dương Đình Nghệ, Nguyễn Văn Cừ ở Hà Nội đã phải thu hẹp phạm vi kinh doanh hoặc kinh doanh xe thị trường ngách. Đa số đều từ chối nhận xe ký gửi có giá trị cao cho dù giá ký gửi và tiền ăn chênh khá lớn. Bởi nếu chấp nhận ký gửi xe sang, sẽ khiến khách hàng mặc định đại lý bán xe cao cấp, điều đó không tốt cho việc làm ăn của họ sau này.
An Linh