Thuế giảm, giá xe tăng
Theo tính toán, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ thị trường ASEAN về Việt Nam giảm từ mức 30% của năm 2017 về còn 0% vào đầu năm 2018 thì giá xe có thể giảm từ 18-24%. Bên cạnh đó, thuế nhập khẩu linh kiện cũng được hưởng mức ưu đãi 0%; thuế tiêu thụ đặc biệt của các dòng xe có động cơ dưới 2.0L cũng được giảm thêm 5%... thì giá xe cũng giảm được đáng kể.
Thế nhưng, sau 7 tháng thuế nhập khẩu ô tô giảm về 0%, chỉ có một số ít dòng xe từ Thái Lan, Indonesia… về Việt Nam, nhưng với số lượng nhỏ giọt, giá bán không những giảm mà còn tăng hàng chục triệu đồng, thậm chí còn tăng giá với cả một số mẫu xe lắp ráp trong nước.
Ghi nhận thị trường ô tô từ đầu năm đến nay cho thấy, chỉ một số ít mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước như của Hyundai Thành Công, Ford, Chevrolet của GM Việt Nam... có mức giảm giá trực tiếp từ 10 đến 60 triệu đồng để tăng sức cạnh tranh trên thị trường hàng tháng.
Một số hãng khác như Thaco với thương hiệu MINI lại tặng lệ phí trước bạ, Toyota tặng gói bảo hiểm thân vỏ hoặc phụ kiện, Volkswagen tặng bảo hiểm và bảo dưỡng cho khách hàng mua xe... nhưng vẫn chưa thu hút được khách hàng.
Đáng chú ý, với các dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc theo diện miễn thuế, dường chỉ có GM Việt Nam mạnh tay giảm giá từ 30 đến 80 triệu đồng cho “Tân binh” SUV Trailblazer vừa xuất hiện tại thị trường Việt Nam để thu hút khách hàng.
Với các mẫu xe được khách hàng mong chờ nhất như Honda CR-V, Toyota Fortuner... nhà phân phối lại tăng giá khá mạnh khiến nhiều người tiêu dùng bất ngờ sau bao tháng chờ đợi với hy vọng mua được xe giá rẻ theo thuế.
Tháng 3, thông tin lô hàng hơn 2.000 xe Honda nhập khẩu đầu tiên về Việt Nam theo diện miễn thuế 0% người tiêu dùng thở phào và hy vọng sẽ mua được giá rẻ khi Honda công bố giá xe CR-V có giá bán thấp hơn gần 200 triệu đồng so với lô hàng chịu thuế nhập khẩu 30% nhập về cuối năm 2017 và phân phối ra thị trường đầu năm 2018.
Tuy nhiên, niềm vui mua xe giá rẻ chưa được bao lâu, đầu tháng 4/2018 khi phân phối CR-V ra thị trường, Honda Việt Nam đã tăng thêm 5 triệu đồng/xe cho cả 3 phiên bản. Không dừng lại ở đó, bước sang tháng 6, Honda Việt Nam tiếp tục tăng giá bán xe CR-V thêm 10 triệu đồng và áp dụng từ ngày 1/7 với giá bán mới cho bản E là 973 triệu, bản G 1,013 tỷ và bản L là 1,083 tỷ đồng.
Ảnh minh họa: ĐT
Mặc dù tăng giá hai lần với tổng cộng 15 triệu đồng, nhưng theo khách hàng Mạnh Quân ở Hoàng Mai (Hà Nội), giá xe CR-V bản cao cấp vẫn rẻ hơn khoảng 170 triệu đồng so với giá bán đầu năm 2018 khi vẫn phải chịu thuế nhập khẩu 30% của năm 2017. Tuy nhiên, việc mua xe cũng khó khăn bởi xe về đến đâu bàn giao hết đến đấy cho những khách hàng đặt cọc trước. Bây giờ đặt cọc có thể sang tháng 11 tới hoặc cuối năm mới nhận được xe trong khi đại lý nói giá còn tăng hơn nữa nên anh đang tính chuyển sang Hyundai SantaFe có giá tương đương lại nhận được xe ngay.
Còn theo Honda Việt Nam, dù muốn nhập khẩu xe về với số lượng lớn nhưng nguồn cung ở Thái Lan cũng có hạn và phải chia sẻ cho thị trường khác. Việc tăng giá xe do phải tính toán lại các yếu tố đầu vào theo quy định mới của Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô như phải kiểm tra theo từng lô đẩy tăng chi phí; thời gian kiểm tra kéo dài, chi phí lưu kho cũng tăng theo nên phải điều chỉnh giá bán.
Chậm chân hơn so với Honda, sau gần nửa năm vắng bóng thị trường, cuối tháng 6 vừa qua Toyota Việt Nam mới công bố giá bán của 3 mẫu xe nhập khẩu là Fortuner, Hilux và Hiace; trong đó Fortuner và Hilux có giá cao hơn từ 22 đến 45 triệu đồng cuối năm trước.
Không chỉ là xe nhập khẩu, Toyota vừa ra mắt 2 mẫu xe Vios và Yaris thế hệ mới; trong đó giá xe Vios cũng tăng từ 18 triệu đến 41 triệu đồng so với phiên bản cũ...
Tăng do nhiều yếu tố
Giải đáp về việc tăng giá bán xe, ông Toru Kinoshita, Tổng giám đốc Công ty Toyota Việt Nam cho biết, đơn vị đã cân nhắc đến tất cả các yếu tố trong đó có tỷ giá, chi phí sản xuất, nhập khẩu. Tuy nhiên, các mẫu xe mới này hãng đã có nhiều nâng cấp đáng chú ý về công nghệ, tiện nghi, khả năng vận hành cũng như khả năng an toàn trên xe nên đây là mức giá hoàn toàn tương xứng khi so sánh với phiên bản cũ. Hơn nữa, từ cuối năm 2017 Toyota Việt Nam đã điều chỉnh giá xe theo mức thuế nhập khẩu 0% của năm 2018 nên lần này phải thay đổi.
Dù là mẫu xe không phải “ăn khách” hay bán chạy trên thị trường, sau khi tăng giá bán 10 triệu và 11 triệu đồng đối với 2 phiên bản của mẫu Sunny vào tháng 5, đến giữa tháng 7 Nissan Việt Nam tiếp tục tăng giá từ 10 triệu đến 23 đồng đối với hai sản phẩm lắp ráp trong nước là X-Trail và Sunny.
Theo Nissan Việt Nam, mặc dù là xe sản xuất trong nước nhưng đơn vị phải nhập khẩu linh kiện về lắp ráp. Ngoài việc nguồn cung linh kiện hạn chế, thì tỷ giá đồng USD tăng kéo theo tăng chi phí đầu vào buộc doanh nghiệp phải tăng giá bán dù mức tăng không tương xứng.
Đại diện Hyundai Thành Công cũng chia sẻ, khi đồng USD tăng giá dù là xe nhập khẩu hay xe sản xuất lắp ráp trong nước cũng đều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, dưới góc độ nhà sản xuất, Hyundai Thành Công chấp nhận hy sinh bớt lợi nhuận để người tiêu dùng mua xe với giá hợp lý. Cụ thể là đơn vị vừa quyết định giảm giá 20 triệu đồng cho 3 mẫu xe thương mại là New Porter 150, New Mighty và Solati. Mục đích của việc ưu đãi này không chỉ giúp khách hàng có được chiếc xe phù hợp một cách dễ dàng hơn, mà còn nâng cao giá trị phục vụ khách hàng cũng như thể hiện cam kết luôn đồng hành vì quyền lợi người tiêu dùng.
Trên cương vị là Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), ông Toru Kinoshita cho rằng, việc tỷ giá đồng USD tăng không chỉ ảnh hưởng đến Toyota nói riêng mà sẽ ảnh hưởng đến cả ngành ô tô Việt Nam và cả quốc gia nói chung. Đặc biệt, những ngành có tỷ trọng nhập khẩu lớn; trong đó có ô tô sẽ chịu tác động lớn nhất. Ngược lại, các sản phẩm xuất khẩu sản xuất tại Việt Nam sẽ có tính cạnh tranh cao hơn, đặc biệt là những mặt hàng được sản xuất hoàn toàn trong nước. Theo đó, nền công nghiệp Việt Nam cũng sẽ mang tính cạnh tranh cao hơn và đây sẽ là điều kiện hỗ trợ ngành công nghiệp Việt Nam phát triển...
Ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên Phúc An – doanh nghiệp có nhiều năm kinh doanh ô tô cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp cũng như nhập khẩu ô tô dù ở thị trường nào thì khi giao dịch vẫn chủ yếu bằng đồng USD. Hiện nay, tỷ giá USD đã tăng lên mức trên 23.000 VND/USD, chưa kể các chi phí nhập khẩu xe về cũng tăng theo tỷ giá này nên doanh nghiệp phải tính vào giá sản phẩm.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá xe như thế nào còn phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh của mỗi hãng, nhưng nhìn chung các doanh nghiệp vẫn phải nhìn nhau để bán hàng, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường xe đang trầm lắng như hiện nay.
Từ chối bình luận về giá xe cuối năm và doanh số bán hàng cả năm cũng như thị phần giữa xe sản xuất lắp trong nước và xe nhập khẩu, nhưng ông Toru Kinoshita nhận định: “Với nhu cầu thường tăng cao dịp cuối năm, thị trường ô tô sẽ tăng trưởng vào những tháng cuối năm 2018, tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.”
Còn theo giới chuyên doanh, thị trường ô tô những tháng cuối năm, khi những lô xe nhập khẩu tiếp theo được về cũng khó có thể đáp ứng nhu cầu thị trường. Do đó, giấc mơ mua xe giá rẻ theo thuế khó thành hiện thực khi nguồn cung trong nước lẫn nhập khẩu vẫn khan hiếm, đặc biệt ở những mẫu xe "hot," chưa kể tỷ giá đồng USD đã tăng và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có khả năng sẽ tăng lãi suất đồng USD thêm 2 lần nữa trong năm nay.
Theo Văn Xuyên
TTXVN/Vietnam+