Lấy giá rẻ để nổi tiếng, xế hộp Trung Quốc vẫn chết chìm
Người ta thường nhắc đến đời thứ 2 của các loại xe con từ Trung Quốc vào Việt Nam với rất nhiều tham vọng và mục đích: giá rẻ, phục vụ đại đa số người dân. Tuy nhiên, cái bóng của xe Trung Quốc "xe giá rẻ, chất lượng thấp" vẫn chưa thể được gạt bỏ khỏi tư tưởng của đại đa số người Việt Nam.
Một chiếc xế hộp Trung Quốc nhái thương hiệu xe hạng sang bán tại Việt Nam.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, hết 7 tháng, lượng xe nhập từ Trung Quốc chỉ khoảng 539 chiếc, đa phần là xe trên 9 chỗ ngồi và xe chuyên dụng, xe tải.
Lượng nhập khẩu xe hơi từ Trung Quốc 7 tháng qua chưa bằng lượng xe nhập trong tháng 7/2017 từ nước này về Việt Nam, lượng nhập chỉ bằng 12% so với lượng nhập cùng kỳ năm trước.
Theo thống kê hải quan, lượng xe con Trung Quốc trong các tháng 2, 3 và 4 mỗi tháng nhập về Việt Nam khoảng 10 chiếc, tuy nhiên đến tháng 5, 6 và tháng 7 không có chiếc xe con nào của Trung Quốc được nhập về Việt Nam.
Trên thị trường, các dòng xe con của Trung Quốc nhập vào Việt Nam có vài cái tên rất mới, rất nổi như Baic, Zoyte đều là mẫu đa dụng SUV thời thượng. Các mẫu xe này thường có thiết kế bắt mắt giống với Range Rover hoặc các mẫu xe ăn khách khác như Volvo, Mercedes.
Mặc dù có giá rẻ từ 500 triệu đến 700 triệu đồng nhưng hầu hết các dòng xe trên khác chật vật trong cuộc đua nhận diện thương hiệu và tranh giành khách tại Việt Nam dù có lợi thế giá rẻ.
"Xe chủ yếu được bán cho khách đặt trước hoặc khách là doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam, còn cá nhân thì tại Hà Nội chủ yếu người am hiểu xe mua", một nhân viên bán xe Trung Quốc tại đường Phạm Hùng chia sẻ.
Thực tế, xe ô tô du lịch Trung Quốc rất khó thành công tại Việt Nam bởi người tiêu dùng Việt vẫn coi chiếc xe là giá trị nên ngoài khả năng chuyên chở, người ta còn tính bán lại hoặc sửa chữa.
Chính vì thế, khác với các dòng xe máy, xe đạp điện Trung Quốc, khi chúng có thể dồn dập đổ bộ vào Việt Nam, xe ô tô Trung Quốc vẫn cực khó bành trướng tại Việt Nam cho dù sắp tới họ có thể đẩy các loại xe ô tô điện, hybrid vào Việt Nam.
Xe tải Trung Quốc bị cạnh tranh quyết liệt
Cùng với sự thất thế của các dòng xe con Trung Quốc trước các dòng xe liên doanh, xe nhập Thái Lan, Indonesia, xe tải Trung Quốc cũng có chung số phận.
Trước những năm 2014 - 2016 xe tải hạng nặng Trung Quốc như Howo, Đông Phong, C&C... chiếm thế thượng phong, khi có lượng tiêu thụ tuyệt đối ở Việt Nam. Tuy nhiên, từ năm 2016 và 2017 trở lại đây lượng xe này nhập về cũng như tiêu thụ tại Việt Nam ngày càng ít đi.
Xe tải Trung Quốc nằm phơi nắng mưa tại đường 5A (Hải Dương)
4 tháng gần đây, theo con số của Tổng cục Hải quan, có hơn 30 chiếc xe tải Trung Quốc nhập về Việt Nam, lượng nhập nhỏ giọt này chủ yếu cho khách đặt trước, các đại lý không dám đặt về ồ ạt để bán bởi xe tải siêu trường, xe đầu kéo hiện tại bị cạnh tranh rất mạnh bởi các hãng liên doanh hoặc xe nhập từ Hàn, Nga, Nhật.
Theo chia sẻ của đại lý bán xe tải của Trung Quốc ở khu công nghiệp Tân Trường, tỉnh Hải Dương, những chiếc xe tải Trung Quốc có lợi thế giá rẻ gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với xe cùng loại nhập từ Nhật, Hàn hay Nga tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp làm dịch vụ logistics, vận tải đường trường thường chọn lựa các mẫu xe Trung Quốc vì giá thành đầu vào rẻ. Tuy nhiên, sau này, khi các liên doanh xe tải tăng cường lắp ráp tại Việt Nam, mức giá giảm đi và xe Trung Quốc dần thất thế trong cuộc đua phân khúc giá rẻ.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân khiến xe tải Trung Quốc đánh mất thị trường Việt là những đồn đoán về chất lượng xe này so với các loại xe liên doanh khác.
Thực tế, các lái xe thường cho biết thao tác tay trên xe tải nhập Trung Quốc nhiều hơn xe tải nhập từ Nhật, Hàn; độ ồn, cách âm kém, chất lượng xe nhanh xuống do tải trọng thường được gia cố thêm, và đặc biệt hay hỏng vặt... từ năm thứ 3 trở đi công năng sử dụng xe kém hẳn đi do sửa chữa, đại tu nhiều.
Chính vì thế, do chú trọng hiệu quả nên khá nhiều doanh nghiệp tư nhân hoặc doanh nghiệp vận tải lớn như than, khoáng sản lớn, vận tải siêu trường, siêu trong thường chọn lựa những dòng xe chất lượng và nói không với xe tải Trung Quốc.
An Linh