Bộ Tài chính điều chỉnh hơn 100 dòng xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi
Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định số 1112/QĐ-BTC về việc điều chỉnh, bổ sung “Bảng giá tính lệ phí trước bạ đối với ô tô, xe máy”.
Theo bảng giá tính lệ phí trước bạ điều chỉnh mới, chiếc ô tô Vinfast Fadil A5A2CLFVN loại chở người từ 09 chỗ trở xuống sản xuất, lắp ráp trong nước, giá tính lệ phí trước bạ là 394,9 triệu đồng.
Chiếc xe Audi Q5 design 45 TFSI (FYBCAY) thể tích 2.0, số người cho phép chở 5 người, có giá tính lệ phí trước bạ mới là 2,525 tỷ đồng, giảm 25 triệu đồng so với quy định tại Quyết định 618 do Bộ Tài chính ban hành tháng 4/2019.
Tương tự chiếc xe Audi 45 tfsi uattro (4MBI1) có thể tích 2.0, số người cho phép chở 7 người có giá tính lệ phí trước bạ mới là 3,397 tỷ đồng; giảm 57 triệu đồng so với Quyết định 618.
Xe nhãn hiệu Ford mustang ecoboost fastback thể tích làm việc 2.3, cho phép chở 4 người có giá tính lệ phí trước bạ là 1.720 triệu đồng; giảm 77 triệu đồng so với Quyết định 618.
BMW 740LI (7E21) có giá tính lệ phí trước bạ giảm từ 5,359 tỷ đồng xuống còn 4,949 tỷ đồng.
Phí trước bạ mới, có xe giảm giá hàng chục triệu đồng
Mức giảm giá tính phí trước bạ lớn nhất thuộc về mẫu xe sang BMW 740Li (7E21) dung tích 3.0 lít, 5 chỗ ngồi. Mẫu xe này có giá tính phí trước bạ mới là 4,949 tỷ đồng, giảm tới 410 triệu đồng so với mức giá tính phí cũ, tương ứng giá xe lăn bánh sẽ giảm 49,2 triệu tiền phí trước bạ (theo mức nộp phí tại Hà Nội).
Mức giảm giá tính lệ phí trước bạ thấp nhất cũng là 1 mẫu xe sang là Audi Q7 45 TFSI Quattro (4MB011) 2.0 lít, 7 chỗ ngồi có giá tính phí trước bạ là 3,397 tỷ đồng, giảm 23 triệu đồng. Con số này tương ứng giảm 2,76 triệu đồng chi phí lăn bánh.
Xe lắp ráp trong nước, các mẫu Mazda CX-5 giảm giá tính lệ phí trước bạ khá mạnh, nổi bật nhất là mức giảm giá 119 triệu đồng giá tính phí đối với mẫu Mazda CX-5 25G AT AWD-1 2,5 lít 5 chỗ. Giá tính phí chỉ còn 899 triệu đồng, nhờ đó, giá lăn bánh giảm đi 14,28 triệu đồng.
Các mẫu CX-5 còn lại giảm 50-67 triệu đồng giá tính phí như mẫu Mazda CX-5 20G AT 2WD KF chốt giá 849 triệu đồng và Mazda CX-5 25G AT 2WD KF chốt giá 932 triệu đồng. Tương ứng với mức giá tính phí mới, giá lăn bánh của 2 mẫu này sẽ giảm 6-8,04 triệu đồng.
Xe sang bị từ chối đăng kiểm vì dán logo xe cảnh sát Dubai
Cục đăng kiểm Việt Nam cho biết đã từ chối đăng kiểm đối với các xe ô tô tự ý dán logo, hình ảnh của cảnh sát Dubai - Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE). Chủ các xe hạng sang bị yêu cầu phải gỡ bỏ hình ảnh không phù hợp quy định trước khi đưa xe tới đăng kiểm.
Động thái trên được Cục Đăng kiểm đưa ra hôm 12/7, sau khi Đại sứ quán UAE gửi công hàm đề nghị gỡ bỏ hình ảnh và logo của cảnh sát Dubai - UAE được dán trên xe cơ giới tại Việt Nam.
Theo đó, Cục đăng kiểm Việt Nam ra văn bản số 2631/ĐKVN-VAR yêu cầu các trung tâm đăng kiểm đề nghị chủ xe gỡ bỏ những hình ảnh, logo của cảnh sát Dubai và những loại hình ảnh khác không phù hợp quy định, sau đó mới được kiểm định phương tiện.
Cục đăng kiểm Việt Nam cho biết, hiện nay tình trạng xe cơ giới tự ý lắp đặt thêm các chi tiết để thay đổi hình dáng, bố trí chung của xe có sự gia tăng, gây khó khăn cho công tác kiểm tra kiểm soát trên đường giao thông.
Doanh số xe tải, xe khách lao tụt giảm, các hãng xe Việt lao đao
Trong khi xe du lịch lắp ráp trong nước phải chật vật "đấu tay đôi" trên sân nhà với xe không thuế Thái Lan, Indonesia, thì ở một mặt trận khác, xe tải và xe khách lắp ráp tại Việt Nam lại phải đau đầu vì doanh số giảm và lượng xe tải nhập tăng mạnh.
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tính đến hết tháng 6/2019, tổng lượng xe tải tiêu thụ tại Việt Nam giảm hơn 3.900 chiếc, trong đó suy giảm mạnh nhất là dòng xe tải nhỏ dưới 5 tấn với 2.900 chiếc.
Tổng lượng bán ra thời điểm 6 tháng đầu năm 2019 của các loại xe tải chỉ đạt 18.120 chiếc, giảm hơn 20% về lượng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xe tải nhỏ dưới 5 tấn bán ra được hơn 9.300 chiếc, giảm 2,900 chiếc so với cùng kỳ năm trước.
Các loại xe tải hạng nhẹ từ 5 - 10 tấn bán ra được hơn 8.900 chiếc, giảm 700 chiếc so với cùng kỳ năm trước; xe từ 10 đến 24 tấn bán ra chỉ hơn 630 chiếc, giảm hơn 220 chiếc so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự xe tải, nhóm xe khách, bus mini cũng nằm trong hoàn cảnh tương tự. Hết 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam chỉ bán được gần 4.400 chiếc, giảm 1.200 chiếc so với cùng kỳ năm trước.
Trong nhóm xe này, doanh số tiêu thụ giảm nhất là xe khách từ 30 đến 55 chỗ. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, lượng xe này bán ra chỉ đạt hơn 1.200 chiếc, giảm hơn 900 chiếc so với cùng kỳ năm trước. Dòng xe khách 10 - 16 chỗ có doanh số cao 2.900 chiếc bán ra nhưng cũng giảm gần 200 chiếc so với cùng kỳ năm trước.
Dòng xe từ 17 - 30 chỗ có doanh số bán thấp nhất, chỉ gần 160 chiếc, suy giảm 130 chiếc so với cùng kỳ năm trước.
Điều đáng nói là trong khi tiêu thụ xe tải và xe khách giảm, thì việc nhập các dòng xe này thời gian này về Việt Nam có xu hướng tăng. Đáng kể nhất là xe tải, qua 6 tháng năm 2019, xe tải nhập về Việt Nam đạt hơn 17.800 chiếc, tăng gấp 10 lần so với lượng xe tải nhập về cùng kỳ năm trước.
Nhiều tân binh có doanh số khủng, đối thủ e ngại
Trong khi nhiều mẫu xe chật vật tìm chỗ đứng, duy trì doanh số, thì nhiều mẫu xe tân binh, mới gia nhập thị trường ít hôm đã có doanh số vài trăm chiếc, khiến các đối thủ có doanh số "kỳ cựu" cũng phải e ngại.
Hai tân binh xe đó là Honda Brio và Mazda CX8 vừa ra mắt tại thị trường và người tiêu dùng Việt trong tháng 6 vừa qua nhưng lại có doanh số khá ấn tượng.
Cụ thể, Honda Brio, mức tiêu thụ trong 13 ngày của tháng 6 đạt hơn 384 chiếc, bình quân mỗi ngày bán ra được gần 30 chiếc. Mazda CX8 cũng đạt 350 chiếc sau 8 ngày ra mắt trong tháng 6, bình quân mỗi ngày mẫu xe này bán được gần 44 chiếc ra thị trường.
Cả Brio và CX8 đều vượt doanh số của mẫu xe Outlander của Mitsubishi trong tháng 6 khi chỉ bán được hơn 233 chiếc, thậm chí vượt doanh số của mẫu xe tầm trung Toyota Altis, Ford EcoSport hay Honda HRV.
Ô tô hóa đường phố, xe dưới 700 triệu có doanh số "khủng"
Trong khi các thương hiệu xe sang, xe bản giới hạn chật vật tìm chỗ đứng thì những chiếc xe giá rẻ và xe phổ thông từ 300 triệu đến gần 700 triệu đồng/chiếc lại được người Việt ưa chuộng, lượng tiêu thụ ngày càng nhiều ở Việt Nam.
Nếu tính thêm cả các dòng xe dưới 700 triệu đồng bán ra 6 tháng qua của Hyundai Thành Công vào khoảng hơn 18.700 chiếc thì tổng lượng xe ô tô bán ra dưới giá 700 triệu đồng/chiếc đạt hơn 74.300 chiếc, bằng 70% tổng lượng xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi trở xuống được bán ra hiện nay.
Cũng theo tính toán, hiện có khoảng 19 thương hiệu xe hơi giá dưới 700 triệu đồng được bán tại Việt Nam, về số mẫu xe, biến thể xe có thể lên đến 30 mẫu khác nhau tùy thuộc vào: xe số sàn, xe tự động, bản thiếu, bản đủ, bản hatchback và bản sedan...
Xe sang 10 năm tuổi giá dưới 600 triệu đồng hút khách
Với số tiền 600-700 triệu đồng, nhiều người chọn mua xe sang cũ trên dưới 10 năm tuổi (đời 2008-2011) thuộc các hãng Mercedes, Lexus, BMW...
Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay BMW X5 năm sản xuất khoảng 2008 giá tham khảo 650 - 700 triệu đồng thấp hơn rất nhiều so với mức giá trên dưới 4 tỷ đồng lúc xe mới ra mắt.
Trong khi đó, Mercedes-Benz C300 năm sản xuất khoảng 2010 - 2011 có giá tham khảo từ 550- 700 triệu đồng; Mercedes-Benz C250 năm sản xuất khoảng 2010 - 2011 (giá tham khảo 600-625 triệu đồng); Audi A1 năm sản xuất khoảng 2010 - 2012 (giá tham khảo 500 - 690 triệu đồng)...
Hiện, những mẫu xe sang đời mới giá rẻ nhất như BMW 118i, BMW 3 Series… cũng đã có giá bán tham khảo lên tới từ 1,4-1,5 tỷ đồng, Mercedes giá thấp nhất cũng đến 1,499 tỷ đồng... Đây được cho là những con số không dễ tiếp cận với đại đa số người dùng Việt.
Những người có thâm niên trong giới kinh doanh xe sang cũ cho rằng đó là một trong những lý do khiến ô tô đã qua sử dụng đặc biệt là ô tô sang tầm giá 600-700 triệu đồng vẫn là lựa chọn của số đông người mua xe.
Ô tô đại hạ giá, hàng xóm rủ nhau rước xế tiền tỷ
Nửa đầu 2019, nhiều người mạnh tay chi tiền “lên đời” xế hộp, lượng xe bán ra tăng 35% so cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán ô tô 6 tháng đầu năm 2019 của các DN thành viên đạt 154.270 xe các loại, tăng trưởng 21,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, phân khúc ô tô con có doanh số bán tăng đến 35% với 113.155 xe. Đấy là chưa kể doanh số bán 32.000 xe con của Hyundai Thành Công và khoảng 1.000 xe Fadil của Vinfast, không phải là thành viên VAMA.
Xe nhập tràn vào với giá rẻ khiến xe trong nước phải đại hạ giá hòng cạnh tranh và giữ thị phần.
Điều này cho thấy, trong nửa đầu năm 2016, người Việt đang chi tiền mạnh mẽ để “lên đời” xế hộp và thị trường xe cá nhân đang rất tiềm năng. Với doanh số đạt hơn 150.000 xe trong nửa đầu năm, dự báo cả năm 2019, phân khúc xe cá nhân sẽ có doanh số vượt 300.000 xe.
Trong khi ô tô nội chưa lấy lại đà tăng trưởng về doanh số thì xe nhập khẩu lại tăng trưởng mạnh. Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho thấy gần 77.800 ô tô nhập về Việt Nam nửa đầu năm 2019, trị giá xấp xỉ 1,72 tỷ USD, tăng 632% về lượng và 524% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó chủ yếu là xe cá nhân. Còn VAMA cho biết 6 tháng đầu năm xe con nhập khẩu đã tiêu thụ 62.540 chiếc.
Đứng đầu về xuất khẩu ô tô con vào Việt Nam đến nay vẫn là Thái Lan với gần 45.000 xe trong 6 tháng đầu năm và kim ngạch đạt trên 800 triệu USD. Xếp thứ 2 là Indonesia với hơn 20.000 xe và kim ngạch khoảng 300 triệu USD.
Từ đầu năm đến nay, xe nhập khẩu xe nguyên chiếc vẫn về nước với số lượng lớn, khoảng11.000-14.000 xe/tháng. Xe từ hai quốc gia này hiện chiếm trên 80% lượng xe nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2019. Có thể thấy “hàng rào kỹ thuật” dựng lên đã không thể ngăn cản nổi làn sóng nhập khẩu xe, đặc biệt là từ khu vực ASEAN khi thuế nhập khẩu về 0%.
An Linh (Tổng hợp)