Hai "cô" khiến doanh số các hãng ô tô tháng này khó trụ
Theo đại diện của hãng xe lắp ráp trong nước tại Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, những năm trước người mua xe cũng có tâm lý ngại mua trong tháng "cô hồn" (tháng 7 âm lịch), nhưng năm nay họ còn phải xem xét tới "hầu bao" vì dịch bệnh Covid-19.
Doanh số hàng loạt hãng xe, mẫu xe suy giảm mạnh trong thời gian gần đây
Điểm qua một số hãng xe, chúng ta có thể thấy rõ được doanh số tháng 7/2020 so với cùng kỳ năm trước có sự suy giảm khá mạnh như: Toyota giảm lượng bán ra hơn 2.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước, tương ứng doanh số giảm 28%; Ford giảm hơn 560 chiếc, giảm 20%, Honda giảm hơn 1.600 chiếc, tương ứng 58%; Vinamotor suy giảm hơn 40% lượng xe bán ra; VEAM giảm 66%.
Hết tháng 7/2020, lượng xe bán ra của các hãng đều ghi nhận giảm, như: Toyota giảm 31%, Ford giảm 42%, Kia giảm 15%, Mazda giảm 33%, Honda giảm 31%...
Ngay cả các mẫu xe chiến lược của các hãng trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2020 cũng suy giảm doanh số mạnh. Tính trong 7 tháng qua, mẫu Kia Morning và Toyota Fortuner có doanh số giảm mạnh nhất, Fortuner giảm 6.200 chiếc, từ mức 10.400 chiếc 7 tháng năm 2019 xuống còn 4.200 chiếc trong 7 tháng năm 2020.
Mẫu Kia Morning cũng suy giảm hơn 6.000 chiếc, chỉ đạt lượng bán ra gần 3.000 chiếc trong 7 tháng qua. Các mẫu xe như Kia Soluto, Cerato Mazda 3, CX5, Honda CRV, Ford Ranger đều giảm lượng xe bán ra từ 3.000 đến hơn 4.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước.
Trường hợp nếu dịch bệnh từ nay đến cuối năm tiếp diễn phức tạp, dự báo doanh số bán xe sẽ còn suy giảm và điều này buộc các hãng phải dùng các công cụ kích cầu mua sắm xe hơi.
Tập trung giảm giá, kích doanh số
Hiện các mẫu xe đang được giảm giá hàng loạt, điển hình là Hyundai Kona giảm giá từ 15-20 triệu đồng/chiếc, trong khi đó Ford vẫn giảm sâu mẫu Everest từ 60 đến 200 triệu đồng/chiếc (tùy theo biến thể). Với Toyota, mẫu xe bán chạy nhất 1 thời là Fortuner cũng được đại lý giảm hơn 50 triệu đồng/chiếc. Trong khi đó, hầu hết các mẫu của Kia như Cerato, Soluto hay Sedona đều được giảm từ 30 đến 60 triệu đồng.
Giảm giá xe là điều kiện bắt buộc để các hãng "cứu" doanh số
Các mẫu xe như Honda CRV, Mazda 6, Suzuki Ertiga, Peugeot, Subaru đều đang được giảm giá rất mạnh nhằm kéo khách hàng về với mình trong tháng 8.
Theo khảo sát của phóng viên Dân trí tại Hà Nội, ngoài các chiêu kích cầu mua sắm bằng giảm giá, chiết khấu xe, các hãng xe trên thị trường không còn cách nào khác để kéo lượng khách đến với mình nhiều hơn.
Một số hãng ra mắt xe mới, nhưng không được kỳ vọng cao bởi tình hình dịch bệnh và tổng cầu đang suy giảm khiến doanh thu theo kế hoạch chịu ảnh hưởng không nhỏ.
Thậm chí, do lượng tồn kho của nhiều nhà máy còn nhiều nên họ đã buộc phải cắt giảm sản lượng, hoãn kế hoạch nhập xe mẫu mới hoặc ra mắt các mẫu xe ở Việt Nam, chờ đến cuối năm hoặc sang đầu năm 2021.
Cũng chính vì dư cung, ế xe, tồn kho tăng và tổng cầu giảm nên giá xe tại Việt Nam thời điểm hiện nay đa dạng và xuống giá nhanh nhất trong các năm trở lại đây. Theo nhận định của một số đại lý xe hơi, rất có thể mùa cao điểm cuối năm 2020 giá xe có thể hạ thấp hơn nữa để kích cầu mua sắm và để lấy doanh số.
Nếu tình hình dịch bệnh được khống chế, nhu cầu người mua xe tăng lên, giá một số dòng xe bán chạy sẽ giữ yên hoặc có thể tăng giá nhẹ để bù đắp doanh số chung của hãng. Tuy nhiên, con số này không nhiều và có thể giá các mẫu xe chỉ tăng nhẹ trong thời gian cao điểm mua sắm cận Tết.
An Linh