Cụ thể, theo VAMA, tháng 9, lượng xe bán ra đạt hơn 27.200 chiếc, tăng hơn 32% so với tháng 8, gần bằng lượng xe bán ra trong tháng 9/2019. Xe con bán ra chiếm tỷ lệ áp đảo với hơn 20.600, chiếm trên 75%, doanh số tăng khoảng 34% so với tháng trước.
Thị trường xe cuối năm bùng nổ, các hãng chạy nước rút doanh số
Xe lắp ráp trong nước tiêu thụ được gần 18.000 chiếc, tăng 28%, xe nhập tăng hơn 9.400 chiếc, tăng hơn 41%.
Tính đến hết tháng 9, lượng xe bán ra đạt 172.500 chiếc, trong đó xe con là 127.100 chiếc, chiếm hơn 73,7% tổng lượng xe bán ra. Cả xe nhập nguyên chiếc, xe con đều có doanh số bán ra giảm trên 20% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, doanh số bán xe trong 9 tháng qua có xu hướng tăng dần lên, từ mức thấp nhất là hơn 11.700 chiếc tháng 4, đến tháng 9 đã tăng lên mức 27.200 chiếc, lượng xe bán ra tăng mạnh những tháng cuối năm là hợp lý bởi nhu cầu mua sắm xe hơi thời gian này tăng mạnh. Ngoài ra, những tháng đầu năm và tháng 7/2020, cả nước phải gồng mình chống dịch Covid-19, nên lượng xe bán ra suy giảm rõ rệt.
Hiện, do tác động tiêu cực của Covid-19 lên nền kinh tế, doanh số của hầu hết các hãng xe đều tụt giảm mạnh. So về tỷ lệ, Ford là hãng có doanh số suy giảm mạnh nhất với 35%, tương ứng giảm hơn 8.000 chiếc bán ra; Honda đứng thứ 2 với 31%, tương ứng giảm hơn 7.400 chiếc; Toyota giảm nhiều thứ 3 với 28%, tương ứng giảm 15.700 chiếc, Thaco giảm 11%, tương ứng 7.400 chiếc...
Điều đáng mừng trong bức tranh tối của doanh số bán xe 9 tháng năm 2020 là vẫn có những mẫu xe có lượng bán ra rất cao. Cụ thể, Vios của Toyota đứng đầu danh sách với 2.900 chiếc/tháng Hyundai Accent với 1.800 chiếc, Tucson là 1.600 chiếc, Fadil của VinFast và bán tải Ranger của Ford đều có doanh số 1.500 chiếc, 4 mẫu xe SUV và Crossover là SantaFe, Xpander, LuxSA và CX5 đều có doanh số bán ra từ 1.200 chiếc đến 1.500 chiếc.
Ngoài thị trường, hiện nay các hãng, doanh nghiệp phân phối, đại lý bán lẻ đều chủ động kích doanh số cuối năm. 9 tháng qua, hầu hết các mẫu đều suy giảm, dẫn đến doanh số cả năm có thể không đạt, ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận. Đây là thế bắt buộc cuối năm phải kích cầu để giải phóng xe tồn đọng.
Về thị trường xe nhập, đầu tháng 9, đã có hiện tượng nhập khẩu ồ ạt xe từ Thái Lan, Indonesia về Việt Nam, chỉ dấu báo hiệu cuộc đua doanh số cuối năm sẽ rất khốc liệt.
Hiện nay, thời gian giảm 50% phí trước bạ mà Chính phủ cho phép áp dụng đối với xe trong nước chỉ còn hơn 2 tháng nữa, các hãng xe lắp ráp đang tích cực giảm giá, chiết khấu để kéo khách mua hàng. Trong khi đó, các hãng xe nhập khẩu cũng không chịu yên, hàng loạt hãng đã và đang giảm số tiền mặt tương tự với phí trước bạ cho xe trong nước, thậm chí nhiều hãng xe nhập, hãng xe trong nước mạnh dạn giảm tiền trực tiếp 100% phí trước bạ cho người mua xe.
Thị trường xe đến cuối năm có thể sẽ diễn ra nhiều đợt giảm giá nữa, mức giảm cho các dòng xe phổ thông đã và đang được các hãng, đại lý áp dụng từ 15 đến 30 triệu đồng/chiếc; các mẫu xe cao cấp có thể lên đến vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng/chiếc để chạy doanh số hoặc đẩy mẫu cũ.
Đơn cử như VinFast, mẫu xe Việt đang được nhà sản xuất áp dụng giảm giá cho Fadil phiên bản cao cấp 25 triệu đồng từ ngày 15 đến hết ngày 31/10. Hai phiên bản Kona và Tucson được đại lý của Hyundai tại Hà Nội giảm 40 triệu đồng/chiếc, trong khi đó SantaFe là 60 triệu đồng; các mẫu xe của Ford vẫn được giảm giá từ 30 triệu đồng trở lên nếu khách hàng chọn mua Everest hoặc Explorer...
Một điều được nhiều người am hiểu xe khuyên khách mới mua xe trong mùa cuối năm là không thỏa hiệp với đại lý nhận mua xe mẫu cũ (xe đời 2019) bởi nếu mua xong, chiếc xe đã chịu 2 năm tuổi cho dù mẫu 2019-2020 về nguyên lý sản xuất là giống nhau.
Tuy nhiên, khi có nhu cầu bán lại, người tiêu dùng sẽ chịu thiệt hại rất lớn về giá bán. Trong khi đó, để đẩy hàng tồn, các nhân viên bán hàng đều giải thích đây là hai mẫu tương tự nhau, chỉ khác năm sản xuất... mà không đề cập đến bất lợi về thay thế linh kiện, nhu cầu bán lại các mẫu xe nếu không sử dụng.
An Linh