Các loại xe cũ nằm bất động tại gara khá đa dạng từ xe chạy lướt, xe mới sử dụng qua thời gian, xe bán chạy lỗ, xe ký gửi... Tất cả cùng chung số phận bán ra khó khăn thời điểm hiện tại.
Các loại xe bán đi đều được chuyển sang trưng bày tại khu rộng rãi, các đại lý trên phố chỉ để một số xe trưng bày.
Tại phố Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội, rất nhiều đại lý lớn buôn bán xe cũ đóng cửa, phần còn lại mở bán nhưng không có khách. Nhiều xe diện ký gửi bán phải để cách xa gara hàng cây số nhằm tiết kiệm diện tích cũng như mặt bằng bán hàng.
Theo ông Phan Văn Quang, chủ đại lý xe hơi cũ tại Long Biên cho biết, từ Tết Nguyên đán 2020 đến nay, mỗi tuần mới bán đi được một chiếc, hầu hết xe đều là diện ký gửi chứ không phải xe cũ đại lý.
"Những mẫu xe đắt tiền coi như mất luôn doanh số, do dịch bệnh nên nhu cầu không cao. Trong khi đó, các loại xe mới hiện cũng giảm giá rất mạnh, đặc biệt xe sang đều có chính sách bán hàng riêng dành cho nhiều đối tượng khác nhau", ông Quang cho biết.
Theo ông Quang, thời điểm khi dịch bệnh diễn ra, nhân viên bán xe cũng tranh thủ bán trên mạng, mất khá nhiều chi phí quảng cáo, gia nhập các hội nhóm. Tuy nhiên, hiệu quả ngay tức thì chưa có trong bối cảnh nhiều người thắt chặt chi tiêu.
"Mỗi tháng bỏ vài triệu để chi trả chi phí cho bán hàng qua website, mua gói quảng cáo theo nhóm. Sắp tới nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến khó lường, chúng tôi sẽ phải cắt bớt các đại lý để giảm lỗ chi phí cố định, tăng cường bán qua mạng để kéo khách có nhu cầu, thậm chí Stream live để bán hàng", ông Quang nói thêm.
Theo một số đại lý xe hơi, chi phí thuê mặt bằng bán xe hơi khá tốn kém, mặt phố Nguyễn Văn Cừ, giá thuê từ 30 đến 50 triệu đồng/tháng, chỗ đắc địa còn có thể hơn. Trong khi diện tích mặt bằng thuê đòi hỏi phải rộng, ít nhất 50 m2 trở lên, trong đó tối thiểu phải 5 m mặt tiền để trưng bày xe.
Tại các đại lý xe hơi trong nội thành như đường Tố Hữu, Dương Đình Nghệ hay Phạm Hùng, hầu hết là địa chỉ bán hàng tạm, mượn mặt bằng nên chi phí này rẻ hơn. Tuy nhiên, đối tượng này cũng đang chịu tác động rất lớn của suy giảm doanh số bán ra.
Dù mức giá xe cũ được đại lý hạ "hết cỡ" song tìm được khách thời điểm này không phải đơn giản
"Mỗi chiếc xe không bán được sẽ chịu chi phí lãi ngân hàng, chi phí mặt bằng, hao hụt do vòng đời xe... Trong gần 3 tháng từ Tết Nguyên đán 2020 đến nay, ngưỡng chịu đựng của các đại lý xe hơi cỡ nhỏ đã quá sức, nếu lâu nữa, nhiều người chắc chắn rút lui, phá sản", ông Việt, chủ đại lý xe hơi cũ trên đường Tố Hữu cho biết.
Hiện tại, để tránh tổn thương do dịch bệnh gây nên nhiều đại lý không nhập xe cũ có tuổi đời quá sâu. Các mẫu xe được sử dụng 10 năm, xe sang, xe hao xăng cũng được các đại lý "né" để tránh ôm xe, chịu thêm chi phí lưu gara.
"Hôm trước, có người rao bán Mercedes C200 đời 2010, với giá hơn 320 triệu đồng, mức giá này khá tốt so với thị trường hiện nay. Tuy nhiên, an toàn cho mình là trên hết bởi mấy xe đó rất khó bán, phải gặp mối nếu không chỉ ôm xe chịu lỗ", ông Việt cho biết.
Nhìn chung, hầu hết các đại lý xe cũ hiện đang phải đối mặt với tình thế khó khăn khi khách hàng mục tiêu "thắt lưng, buộc bụng". Đa số người có nhu cầu mua xe cũ chạy dịch vụ, lễ hội đều hủy kế hoạch vì dịch bệnh khiến các lễ hội, chuyến du lịch, đi lại bị hủy. Trong khi đó, nhóm khách hàng có nhu cầu mua xe cũ đang chuyển sang mua xe mới, với nhiều mẫu xe đang giảm giá rất mạnh.
An Linh