Làm mọi cách để xâm nhập thị trường Việt Nam
Từ năm 2017, các nhà nhập khẩu xe hơi Trung Quốc đã nhập hàng loạt mẫu xe nội địa 5 đến 7 chỗ như Baic, Zotye, Brilliance, Haima, Dongfeng vào Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ có Zotye Z8, Baic Q7, X55 trụ được một thời gian. Còn lại, hầu hết mẫu xe đều lần lượt rút chân.
Một số dòng xe mới của Trung Quốc nhập về Việt Nam lần thứ 4 có cách tiếp cận hoàn toàn khác khi vào Việt Nam so với các mẫu xe trước đó (Ảnh Tổng cục Hải quan).
Đáng ngại nhất là những chủ nhân mua phải Brilliance V7, mẫu xe 7 chỗ Trung Quốc được hợp tác với BMW giá rẻ hơn 730 triệu đồng vào Việt Nam đã sớm vỡ mộng do công ty mẹ tại Trung Quốc đã phá sản. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sở hữu xe này có nguy cơ không có phụ tùng thay thế hoặc có nhưng giá đắt đỏ.
Từ cuối năm 2018 trở đi, xe nhập Trung Quốc bắt đầu cơ cấu lại và thay đổi hướng tiếp cận thị trường Việt Nam bằng hai cách nhập trực tiếp và qua bên thứ ba. Có 2 mẫu khá thành công trên thị trường là MG nhập vào Việt Nam tháng 8/2020; trong khi đó, mẫu Baic Beijing X7 được nhập vào Việt Nam giữa quý IV/2020. 2 loại xe này tạo hiệu ứng tốt với người tiêu dùng Việt bởi giá rẻ, công nghệ ngập tràn và thiết kế hiện đại.
Dù là mẫu xe mới, cả MG, Beijing đều chiếm được sự quan tâm và có lượng "fan" hâm mộ khá lớn vì giá rẻ, công nghệ ngập tràn. Có thời điểm xe Trung Quốc "sốt ảo", khiến người tiêu dùng phải chờ mua.
Sau cơn sốt của Beijing X7, gần đây một mẫu xe khác từ Trung Quốc cũng nối gót sang Việt Nam là Dongfeng T5 Evo. Điểm chung của các mẫu xe Trung Quốc là giá rẻ, thiết kế đẹp, công nghệ nhiều. Tuy nhiên, mặt hạn chế là chất lượng vẫn là dấu hỏi, thương hiệu quá mới, khó chinh phục thị trường.
Ngoài nhập trực tiếp, xe Trung Quốc gần đây còn thông qua nước thứ ba vào Việt Nam, trong đó Thái Lan và Malaysia là "bàn đạp" lớn nhất.
Năm 2019, hãng xe nội địa Trung Quốc SAIC đã lắp ráp lượng lớn xe MG tại Thái Lan để xuất khẩu sang Việt Nam. Mới đây, Great Wall Motors, công ty mẹ của hãng xe nội Haval có doanh số cao nhất Trung Quốc, đã chi hơn 700 triệu để mua lại nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô của GM ở Thái Lan. Dự kiến các mẫu xe Haval có thể được bán ra tại Thái Lan, Việt Nam và các nước ASEAN từ cuối năm 2021 trở đi.
Một mẫu xe Trung Quốc đang được lắp ráp tại Thái Lan, mục tiêu là thị trường các nước ASEAN và Việt Nam (Ảnh minh họa).
Cùng với chiến dịch nhập khẩu từ bản xứ, các hãng xe Trung Quốc ngày càng khôn ngoan khi đầu tư lắp ráp tại ASEAN nhằm tận dụng lợi thế bỏ thuế nhập khẩu và ham muốn chinh phục thị trường hơn 650 triệu dân vẫn có tỷ lệ xe thuộc hàng thấp của thế giới.
Xe điện Trung Quốc sẽ ồ ạt vào Việt Nam?
Ngoài là sản xuất xe động cơ đốt trong lớn nhất thế giới, trung bình hơn 25 triệu chiếc/năm, Trung Quốc còn là nước sản xuất xe điện hàng đầu thế giới và việc xe điện từ Trung Quốc xuất sang Việt Nam và các nước Đông Nam Á sẽ không còn bao xa.
Hiện nay, các startup về xe điện được Chính phủ nước này cho hàng loạt ưu đãi thuế, phí. Bên cạnh đó, để tạo thị trường xe điện, Chính phủ Trung Quốc tài trợ trực tiếp số tiền cho dân mua hoặc đổi xe xăng sang xe điện.
Chính vì vậy, sự phát triển của xe điện Trung Quốc trong thời gian 5 năm trở lại đây là rất đáng nể. Ngoài việc có mặt của đầy đủ các hãng xe nổi tiếng thế giới bắt tay vào sản xuất xe điện như Tesla, BMW, Mercedes, Toyota; Trung Quốc còn có sự bùng nổ của các doanh nghiệp xe điện nội địa, trong đó phải kể đến xe của các hãng SAIC, Byton, rồi BYD, WM Motor, Li Auto, Xpeng Motors... đều có chủng loại xuất đi châu Âu.
Xe điện Trung Quốc được Chính phủ nước này ưu đãi rất nhiều chính sách nhằm cạnh tranh với chính Tesla tại thị trường nội địa và hướng ra xuất khẩu (Ảnh Reuters).
Với thị trường Việt Nam, xe điện Trung Quốc về mặt lý thuyết hoàn toàn có thể đổ bộ bởi sự gần gũi về mặt địa lý, cộng với Việt Nam hiện có giá xe rất đắt đỏ, nhu cầu sở hữu xe ô tô đối với người dân đang rất lớn. Nếu các hãng xe điện Trung Quốc đổ bổ vào Việt Nam, lợi thế trước tiên họ có được là giá xe rẻ, nhu cầu lớn.
Theo nhận định của ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia về ô tô, khó khăn của xe Trung Quốc nói chung và xe điện nói riêng là chất lượng xe, thương hiệu và niềm tin tiêu dùng. Đối với xe điện, nếu các rào cản trên được gỡ bỏ, một khó khăn lớn là xây dựng hệ thống sạc sẽ là thách thức đối với họ.
Tuy nhiên, bất chấp khó khăn có thể thấy rõ, mới đây, một mẫu xe điện giá rẻ của Trung Quốc đã đăng ký bản quyền kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam. Có thể sắp tới mẫu xe này hoặc nhiều mẫu xe khác của Trung Quốc sẽ vào Việt Nam nhằm tận dụng thị trường và chinh phục người Việt. Khi ấy, sự cạnh tranh trên thị trường xe trong nước có thể sẽ quyết liệt hơn.
An Linh