Liệu Go-Viet có đang tỏ ra đuối sức trong cuộc đua đốt tiền với một đối thủ mạnh như Grab?
Hôm 12/9, Go-Viet chính thức tiến quân ra Hà Nội được hơn 1 tháng chỉ sau ít thời gian sau lễ ra mắt tại TP.HCM. Tại sự kiện này, ông Nadiem Makarim, CEO của Go-Jek cho biết chỉ sau hơn một tháng có mặt tại Việt Nam, Go-Viet đã có 1,5 triệu lượt tải ứng dụng và có trong tay 35% thị phần xe ôm công nghệ tại TP.HCM.
Tuyên bố đạt hơn 1/3 thị phần chỉ sau 1 tháng ra mắt tại TP. HCM, tuy nhiên cũng bằng khoảng thời gian này, Go-Viet tỏ ra khá “kín tiếng” về những gì đạt được tại thị trường Hà Nội.
Hiện Go-Viet đang hoạt động ở 8 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông… nhưng ở những khu vực này, màu áo đỏ của tài xế Go-Viet vẫn còn khá vắng bóng.
Nhiều ý kiến nhận định, liệu có phải Go-Viet đang tỏ ra đuối sức trong cuộc đua đốt tiền với một đối thủ mạnh như Grab?
Go-Viet trong cuộc đua đốt tiền
Trong cuộc trò chuyện với Dân trí, chuyên gia chiến lược Đỗ Hoà nhận định, cuộc chiến ứng dụng gọi xe chính là cuộc đua đốt tiền. “Cuộc đua này giành cho những kẻ lắm tiền, không phải cuộc chơi của những anh nhà nghèo, sợ rủi ro. Nếu anh không mạnh nguồn lực lại ngại rủi ro thì cuộc đua này không có chỗ đứng cho anh”, ông Hoà nói.
Hiện tại thị trường có mỗi Grab thống lĩnh, không ít hành khách "khó chịu" trước sự độc quyền, nên rõ ràng cơ hội đối với những "tân binh" có tiềm lực như Go-Viet là rất lớn. Tuy nhiên, việc có giành được phần thắng hay thị phần tương đối lớn hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự trường vốn và kế hoạch marketing bài bản để hấp dẫn cả tài xế và người dùng.
Để giành giật khách hàng, tài xế, Grab và Uber trước kia đều dùng chiêu tung khuyến mại “sốc” và Go-Viet cũng vậy. Khi bước vào thị trường TP.HCM, họ tung ra những khuyến mại rất sốc cho khách hàng. Đồng thời lôi kéo được lực lượng đối tác tài xế khá đông đảo.
Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai với chính sách khuyến mại liên tục thay đổi trong thời gian ngắn, cùng với đó địa điểm hoạt động hạn chế khiến không ít khách hàng thấy tiếc nuối. Đầu tiên, khi ra mắt tại TP.HCM, Go-Viet áp dụng khuyến mại 5.000 đồng/cuốc dưới 8 km.
Sau vài tuần, Go-Viet nâng giá lên 9.000 đồng/cuốc, rồi giá 9.000 đồng đó không áp dụng trong khung giờ cao điểm nữa. Chỉ ít hôm sau, Go-Viet lại tiếp tục nâng giá lên 10.000 đồng/cuốc cho mọi chuyến đi dưới 8km, không áp dụng cho 2 khung giờ 6h00 - 9h00 và 17h00 - 20h00 vào các ngày thứ 2 đến thứ 6 và 16h00 - 23h59 các ngày thứ 7 và Chủ nhật). Riêng từ 22h00 đến 6h00 mỗi ngày, bắt đầu từ 03/10/2018, Go-Viet còn thu phụ phí 8.000 đồng tại TP. HCM.
Không dễ dàng giành thị phần dễ dàng như tại TP.HCM với lời tuyên bố chiếm tới 35% thị trường xe ôm công nghệ, Go-Viet có phần mờ nhạt tại Hà Nội sau mà ra mắt.
Tại Hà Nội, Go-Viet vẫn chạy đồng giá 10.000 đồng cho mọi chuyến đi dưới 8km, thì Grab tung nhiều khuyến mại nhiễu mã giảm tới 25.000 đồng/chuyến. Tức là nếu khách đi Go-Viet tối thiểu mất 10.000 đồng, thì khách của Grab có thể đi các chuyến xe miễn phí.
Trong khi đó, một số khách hàng cho biết, với lượng tài xế hùng hậu, sẵn có, Grab có thể đấu lại chương trình “rẻ như cho” của Go-Viet, bởi dù sao Go-Viet cũng chỉ mới hình thành, lực lượng tại chưa đông đảo để phục vụ. Nhiều khách hàng "than vãn" không thể bắt được xe mặc dù đang đứng trong phạm vi hoạt động của Go-Viet.
Vì địa bàn hoạt động còn hạn chế nên nhiều người dùng cho biết họ không thể trải nghiệm được mức cước khuyến mại 10.000 đồng/chuyến của Go-Viet.
Nhiều khách hàng "than vãn" không thể bắt được xe mặc dù đang đứng trong phạm vi hoạt động của Go-Viet.
Tài xế than vãn vì cắt giảm tiền thưởng
Có thể nói, trong cuộc chiến ứng dụng gọi xe này, giành giật tài xế thậm chí còn khốc liệt hơn so với giành giật khách hàng. Bởi chúng ta đều hiểu, có tài xế thì đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và tạo ra doanh thu. Sẽ không có ý nghĩa gì nếu khách hàng muốn trải nghiệm những ứng dụng báo "không tìm được tài xế".
Việc đưa ra các chính sách hấp dẫn để lôi kéo tài xế là chiêu bài của các Grab, Uber trước đây và giờ là Go-Viet. Tuy nhiên, việc bị tài xe kêu ca, phàn nàn khi thay đổi chính sách thưởng của Go-Viet có vẻ diễn ra hơi quá sớm.
Trên một diễn đàn chuyên dành cho cộng đồng tài xế xe công nghệ, nhiều tài xế chia sẻ việc Go-Viet giảm mức tiền thưởng xuống ít hơn từ 300.000đồng /ngày còn 220.000 đồng/ngày từ ngày 19/9 giống như "tin buồn". Sau đó, đến ngày 3/10, Go-Viet lại tiếp tục giảm xuống chỉ còn 180.000 đồng/ngày.
Chương trình thưởng của Go-Viet áp dụng từ ngày 19/9.
Chương trình thưởng mới nhất của Go-Viet áp dụng từ ngày 3/10.
Bình luận trước việc thay đổi chính sách thưởng nói trên, nhiều người cho rằng việc giảm thưởng là việc bình thường của các ứng dụng gọi xe công nghệ sau thời gian hãng thu hút tài xế. Tuy nhiên, cũng không ít tài xế tỏ ra thất vọng, chán nản vì việc này diễn ra quá nhanh.
Trong khi đối thủ Grab mặc dù từng bị than vãn là "độc quyền", thậm chí bị không ít khách hàng tẩy chay vì "thái độ" nhưng không phủ nhận, họ đã có lợi thế nhất định về mặt khách hàng, tài xế và phương tiện thanh toán. Trong khi đó, tân binh Go-Viet, vì gia nhập thị trường chậm hơn, nên gần như vẫn chưa có gì.
Về lâu dài, Go-Viet cũng đặt mục tiêu tích hợp các tính năng khác dựa trên nhu cầu của thị trường Việt Nam, trong đó có việc mở rộng hoạt động sang xe 4 bánh thay vì chỉ có dịch vụ xe ôm như hiện nay. Tuy nhiên, việc "mở rộng" này mới chỉ được Go-Viet hứa hẹn và chưa có ngày ấn định. Việc báo lỗi khi sử dụng ứng dụng cũng là một trong những vấn đề khiến nhiều người dùng than vãn trên fanpage Facebook chính thức của Go-Viet.
Dù vẫn còn quá sớm để đưa ra dự đoán về kết quả cuối cùng của cuộc chiến gọi xe công nghệ trong thời điểm này. Tuy nhiên để giành giật được thị phần tại thị trường Việt Nam, Go-Viet sẽ còn phải nỗ lực hơn nhiều...
Nguyễn Khánh