Fica
  1. Xe 360

Covid-19 "thổi bay" trên 30% doanh số bán xe con của các hãng ô tô

Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, tổng doanh số xe hơi bán ra 2 tháng qua suy giảm 27%, trong đó xe ô tô con dưới 9 chỗ ngồi suy giảm trên 30% so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính, tổng doanh số các hãng xe hơi mất đi khoảng 13.200 chiếc do nhu cầu tiêu thụ giảm bởi dịch bệnh Covid-19 (bệnh viêm đường hô hấp cấp) đã xảy ra từ tháng 1/2020 và vẫn diễn biến phức tạp cho đến ngày nay ngay ở Việt Nam và các nước trong khu vực.

Covid-19 thổi bay trên 30% doanh số bán xe con của các hãng ô tô - 1

Doanh số bán xe tại Việt Nam bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng bởi dịch Covid-19

Báo cáo của VAMA cho biết, tổng lượng xe bán ra trên thị trường ước đạt hơn 33.400 chiếc, giảm 13.200 chiếc (trên 27%) so với cùng kỳ 2 tháng của năm trước.

Trong đó, xe lắp ráp trong nước bán ra đạt hơn 21.300 chiếc, giảm 20% (hơn 5.200 chiếc), xe nhập có doanh số hơn 12.100 chiếc, giảm 38%, (tương đương khoảng 8.000 chiếc).

Riêng xe con, theo số liệu của VAMA, lượng xe con dưới 9 chỗ ngồi bán ra trong 2 tháng qua đạt hơn 25.200 chiếc, giảm 11.200 chiếc so với 2 tháng của năm 2019 (tỷ lệ trên 30%)

Có một tín hiệu vui là tháng 2 so với tháng 1 là tổng lượng xe bán ra có tăng so với tháng 1 trước đó. Cụ thể, lượng bán toàn thị trường đạt hơn 17.600 chiếc, tăng gần 2.00 chiếc, tương ứng khoảng 11,5%.

Tuy nhiên, xe du lịch vẫn có mức tiêu thụ thấp, chỉ đạt hơn 12.471 chiếc, giảm hơn 330 chiếc so với tháng 1/2020 (12.800 chiếc) và giảm gần 12.400 chiếc so với tháng 12/2019 (giảm gần 50%).

Thời điểm hiện nay, khi Tết Nguyên đán vừa dứt thì dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 ập đến ngay, khiến các hãng xe, đại lý xe chịu ảnh hưởng lớn: Không bán được hàng, chạy các chương trình khuyến mãi, giảm giá không hiệu quả...

Ngay cuối tháng 2, đầu tháng 3, nhiều hãng đã đưa ra hàng loạt chính sách giảm giá của các mẫu xe từ ít nhất 30 triệu, cao nhất gần 270 triệu đồng. Các mẫu xe giảm giá như Honda CRV, Toyota Fortuner, Mazda CX8, Nissan Terra, Ford Everest, Explorer và Subaru Forester...

Nhiều đại lý kinh doanh xe hơi cho biết, nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến khó lường, các đại lý có thể mất doanh số hàng loạt trong quý 1, thậm chí có thể là quý 2. Trong khi đó, thị trường xe nhập, các hãng đang cơ cấu lại kênh bán hàng, giảm lượng nhập về để hạn chế việc tăng cung, thiếu cầu làm giảm giá, bất lợi cho chính sách bán hàng của mình.

Do dịch Covid-19 lan rộng tại Trung Quốc, Hàn Quốc và cả Nhật Bản nên các doanh nghiệp xe hơi trong nước lâm cảnh khó khăn. Nhiều thiết bị, linh kiện nhập khẩu từ các nước không về được khiến các dây truyền lắp ráp có thể dừng hoạt động trong nay mai.

Theo giám đốc truyền thông của doanh nghiệp lắp ráp xe hơi phía Nam, hiện máy móc, khung sườn và động cơ vẫn được nhập nguyên bộ tại Hàn, Nhật. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, rất nhiều mẫu xe không có linh kiện để hoàn thiện, doanh nghiệp lắp ráp sẽ lâm cảnh khó trăm bề.

Cũng giống các doanh nghiệp lắp ráp, các nhà nhập khẩu xe hơi đang đối mặt với nguy cơ không đạt chỉ tiêu doanh số, buộc phải hạ giá, khuyến mãi các sản phẩm vào các quý tiếp theo.

Trong khi đó, các xe mới, giá rẻ đã và đang ra mắt ồ ạt trên thị trường, các mẫu xe có doanh số cao sẽ chịu cạnh tranh, sức ép ngày càng lớn, buộc phải có chính sách bán hàng mới.

Nguyễn Tuyền