Hiệp hội Vận tải ô tô cho rằng coi Uber, Grab là taxi sẽ dễ quản lý, bình đẳng, đúng bản chất.
Mới đây Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ dự thảo (lần 6) Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Công Hùng, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, mặc dù liên tục sửa đổi và kéo dài tới 3 năm nhưng dự thảo vẫn còn nhiều bất cập, lỗ hổng.
Đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ các doanh nghiệp và các chuyên gia, cho rằng dự thảo Nghị định vẫn không tiếp thu đầy đủ những ý kiến hợp lý hoặc tiếp thu chưa thấu đáo.
“Nếu dự thảo Nghị định được ký ban hành mà không chỉnh sửa thì sẽ không phù hợp, ảnh hưởng rất xấu tới môi trường kinh doanh và sự phát triển của ngành vận tải trong thời kỳ hội nhập”, ông Hùng nói.
Cụ thể, Luật Giao thông đường bộ có 5 loại hình vận tải cần áp dụng công nghệ đối với cả 5 loại hình không thể chỉ quy định việc áp dụng đối với 2 loại hình vận tải hợp đồng và du lịch như dự thảo hiện nay.
“Đây là điều không hợp lý, không công bằng. Thực tế đã chứng minh do nước ta chưa áp dụng phần mềm quản lý vận tải tự động nên các lực lượng chức năng không thể kiểm tra, giám sát, xử lý được các vi phạm...", ông Nguyễn Công Hùng nói.
Mặt khác theo ông Hùng, quản lý bằng công nghệ là điều kiện tiên quyết để gỡ bỏ rất nhiều thủ tục, điều kiện kinh doanh vận tải, đón đầu và bắt nhịp với cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời bảo đảm phù hợp và đồng bộ với công tác quản lý của các ngành khác như thuế, thương mại điện tử...
"Bộ GTVT cũng đã cử các đoàn cán bộ đi nghiên cứu, học tập ở các nước nhưng không hiểu sao lại không áp dụng? Điều này khiến dư luận nghi ngờ có sự thiếu khách quan, cố tình tạo kẽ hở trong xây dựng chính sách", ông Hùng nhấn mạnh.
Ngoài ra, tại Điểm b khoản 5 Điều 3 quy định “tuyến xe buýt liên tỉnh là tuyến xe buýt có phạm vi hoạt động từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên”. Theo Hiệp hội vận tải, quy định này không đúng bản chất loại hình xe buýt, vì đặc thù xe buýt có điểm dừng đỗ dày (từ 500m đến l.000m), nếu chạy qua nhiều tỉnh, thành phố (đặc biệt là có lộ trình trên đường cao tốc) thì sẽ phức tạp cho việc bố trí điểm dừng đỗ và tiềm ẩn ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông...
Mặt khác, quy định như dự thảo hiện nay thì xe buýt liên tỉnh có thể chạy từ Bắc vào Nam, chạy khắp cả nước. Như như vậy các nhà xe có thể lách luật đăng ký hoạt động xe buýt, không phải vào bến, được thoải mái đón khách dọc đường. Khi đó tình trạng “xe dù, bến cóc” sẽ càng nhức nhối.
Vì vậy Hiệp hội vận tải ô tô kiến nghị chỉ nên quy định các tuyến buýt có cự ly dưới l00 km nếu có lộ trình đi qua các tỉnh, thành; còn trong nội tỉnh thì không hạn chế cự ly.
Một quy định khác cũng gây tranh cãi đó là tại điểm b khoản 1 Điều 21 quy định doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác tuyến cố định “thực hiện ký hợp đồng với bến xe khách để tổ chức khai thác tuyến”.
Đại diện Hiệp hội vận tải ô tô cho rằng nếu quy định như vậy không còn vai trò giám sát của quản lý Nhà nước nữa. "Điểm này cố tình tạo điều kiện để bến xe độc quyền, gây khó khăn cho doanh nghiệp, quay lại tình trạng cách đây 15 năm “thủ kho to hơn thủ trưởng”, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam nêu.
Đáng lưu ý, điểm b khoản 2 Điều 23 quy định về thời hạn của phù hiệu tăng cường cuối tuần là “không quá ba ngày”. Như vậy theo ông Nguyễn Công Hùng, doanh nghiệp sẽ phải đến Sở GTVT 52 lần/năm để xin cấp phù hiệu tăng cường dịp cuối tuần. Vì vậy, kiến nghị không đưa thời hạn 3 ngày mà giao thẩm quyền cho Sở Giao thông vận tải.
Đối với việc quản lý xe taxi, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết hiện nay có một số ý kiến cố tình đánh tráo khái niệm, cho rằng xe ô tô chở khách hoạt động kiểu Uber, Grab không phải là taxi mà là xe hợp đồng điện tử.
Vị này cho rằng ý kiến của Bộ Tư pháp cùng tất cả các chuyên gia và toàn xã hội đều khẳng định thực chất đó là xe taxi điện tử, vì cách gọi xe qua tổng đài điện thoại hay qua phần mềm, cách đo quãng đường xe chạy và tính tiền bằng đồng hồ hay bằng phần mềm thì chỉ là hình thức của thủ tục, đều có giá trị tương đương chứ không phải là bản chất của loại hình vận tải.
Do đó, đại diện Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đề nghị thống nhất với Dự thảo Nghị định và phương án 1 trong Tờ trình “Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là việc sử dụng xe ô tô có sức chứa dưới 09 chỗ trở xuống (bao gồm cả người lái xe) để vận chuyến hành khách; có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của hành khách; có sử dụng đồng hồ tính tiền để tính cước chuyến đi hoặc sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước chuyến đi và kết nối với hành khách thông qua môi trường mạng”.
“Có ý kiến bao biện rằng nếu coi Uber, Grab là taxi sẽ kìm hãm sự phát triển của khoa học công nghệ là rất vô lý, vì việc quy định cả taxi truyền thống và taxi công nghệ đều là taxi là đúng bản chất, bảo đảm dễ quản lý và bình đẳng các nghĩa vụ, trách nhiệm. Còn anh nào ứng dụng công nghệ tiên tiến thì anh đó sẽ có lợi nhuận cao hơn”, ông Hùng nói.
Vị này cũng đề xuất cần triển khai đưa biển kiểm soát xe kinh doanh có màu riêng để phân biệt, quản lý công bằng, minh bạch, không lẫn lộn với xe cá nhân.
Nguyễn Khánh