Fica
  1. Xe 360

Chuyên gia Lưu Bích Hồ: Xe VinFast là thành công sau hơn 20 năm dân Việt mong đợi

Giữa lúc có nhiều luồng dư luận khác nhau, chưa thực sự tin tưởng vào mẫu xe mà VinFast mang đi giới thiệu tại Pari Motor Show, một số chuyên gia tại Việt Nam, nhất là những người làm chính sách đã có những đánh giá bước đầu và lạc quan.

Trao đổi với Phóng viên Dân Trí, chuyên gia kinh tế, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển, Bộ KH&ĐT khẳng định: Đây là thành công chưa từng có sau hơn 20 năm mong đợi.

Dân Trí xin trích đăng những đánh giá độc lập, khái quát nhất của TS Lưu Bích Hồ về sự việc trên và góc nhìn về ngành xe hơi Việt, sản xuất Việt ra thế giới.

Chuyên gia kinh tế, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ KH&ĐT.

Chuyên gia kinh tế, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ KH&ĐT.

Thưa chuyên gia, qua việc ra mắt của ô tô VinFast tại triển lãm ô tô lâu đời nhất thế giới Pari Motor show 2018, nhiều chuyên gia đánh giá rất cao khi sau hơn 20 năm các liên doanh dang dở, chỉ cần 1 năm với VinFast chúng ta đã có thương hiệu Việt? Quan điểm cá nhân ông về việc này thế nào?

- Đây là một sự kiện như một cánh én báo mùa xuân của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Đã qua đi hơn 20 mùa xuân mong ngóng, chờ đợi, mong rằng đây là mùa xuân mà chúng ta thành, năm 2019 sắp tới ghi lại thành công mới chưa từng có của ô tô Việt Nam.

Nhiều người cho rằng việc nhận vào mình sản phẩm Việt ở 2 xe VinFast trong khi sản phẩm này đến từ động cơ, thiết kế do nước ngoài (Đức và Ý) là chưa thuyết phục. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này?

- Thương hiệu là giá trị, thương hiệu thời nay đã thay đổi theo sự phát triển, nhưng chỉ cần đó là thương hiệu đích thực, được công nhận theo quy định và thông lệ quốc tế, được sự chấp nhận của người tiêu dùng, của thị trường, không tuỳ thuộc ở ý kiến tư biện của chuyên gia, dư luận.

Trong bối cảnh toàn cầu hoá, không có hãng toàn cầu nào tự mình làm mọi cái được. Cái quan trọng là ý tưởng, thương hiệu và do người Việt đứng đầu là được.

Khái niệm gia công, thuê gia công hiện nay đã rất mở rộng, các hãng quốc tế đều thuê thực hiện các công đoạn gia công, thuê mua và lắp ráp ở những nơi nào có lợi thế tốt nhất cho hãng để đảm bảo có lợi nhuận cao nhất, giữ thương hiệu tốt nhất.

Chúng ta cứ nói nhiều về xe hơi Thái, Indonesia, nhưng có ai biết được rằng bản thân các dòng xe tại Thái Lan đều là thương hiệu của Nhật Bản, Mỹ... Tại sao Nhật Bản lại không sản xuất ở chính quốc mà sang Thái sản xuất, lắp ráp xe, bởi vì ở đây có các cơ hội để cho sản phẩm của Nhật bán rẻ hơn, phủ sóng thị trường tốt hơn.

Là chuyên gia về chiến lược phát triển, qua hơn 20 năm chính sách biệt đãi cho ngành ô tô, nhưng Việt Nam chưa có hãng xe nội địa. Tuy nhiên, với quyết tâm, 12 tháng qua VinFast đã làm được bước đầu. Ông đánh giá gì về việc này, nhất là vai trò của doanh nghiệp tư nhân, tầm nhìn và quyết tâm?

- Không ai muốn đi vào nghiên cứu, chế tạo ra sản phẩm mới tinh, cái mà thế giới người ta đã làm bao nhiêu năm và rất thành công rồi.

Cái chúng ta đi tắt đón đầu là chấp nhận mua công nghệ, bằng sáng chế, kiểu dáng để làm ra cái mang thương hiệu Việt. Bài học này Hàn Quốc và Nhật Bản đã làm thành công.

Ở VinFast, bài học cần được đánh giá đầy đủ khi họ thành công và đứng vững. Không còn nghi ngờ gì về vai trò của doanh nghiệp tư nhân, vì đây là thực tế của thế giới rồi, Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Mọi việc cũng đều bắt đầu từ tầm nhìn và quyết tâm, tầm nhìn của cả nhà nước và doanh nghiệp.

Còn quyết tâm với Nhà nước là quyết tâm chính trị, với doanh nghiệp là quyết tâm khởi nghiệp và không bỏ cuộc.

Nhiều chuyên gia cho rằng, chính sách cho ngành ô tô của Việt Nam thất bại vì cào bằng ưu đãi và ràng buộc trách nhiệm. Ông có cho rằng, chúng ta cần xem lại các chính sách đối với các ngành sản xuất ở Việt Nam để có chiến lược bài bản?

- Ưu tiên, ưu đãi là cần nhưng phải hợp lý, là ưu đãi cho hiệu quả chứ không cho ỷ lại, theo thân hữu. Tất cả phải vì lợi ích quốc gia, vì sự phát triền đất nước.

Thời gian qua, khi có xu hướng kinh doanh nào nổi lên, Việt Nam ưu đãi chính sách không ít cho các doanh nghiệp ngành, nghề lĩnh vực đó như gang thép, lọc hoá dầu, khí điện đạm rồi ngành điện tử...

Bây giờ cần xem thực thi thế nào, hiệu quả ra sao, còn cần gì nữa? Sự lựa chọn các ngành lĩnh vực ưu tiên cũng đã có, nhưng vẫn còn nhiều, cần tập trung hơn nữa vào lợi thế, triển vọng thị trường và công nghệ, khả năng kết nối chuỗi giá trị.

Chiến lược bài bản chính là từ doanh nghiệp, từ mong muốn chủ quan của cả lãnh đạo và doanh nghiệp, bắt nguồn từ tư duy và lợi ích đúng sai.

Chúng ta phải khẳng định rằng, thị trường tự nó có sức hút và sức đẩy, nếu những có huých về chính sách đúng thì nhanh hơn, còn nếu huých sai thì sẽ khiến thất bại.

Xin trân trọng cảm ơn chuyên gia!

An Linh

(Thực hiện)