Trong câu chuyện nhập khẩu ngành ô tô, doanh nghiệp cho rằng, “mua rẻ hơn làm thì không ai làm mà sẽ đi mua”.
Sẽ chuyển dần sang nhập khẩu xe khi “mua rẻ hơn làm”
Theo số liệu Tổng cục hải quan, tính từ đầu năm đến hết tháng 9/2019, Việt Nam nhập khẩu tới 107.034 chiếc ô tô nguyên chiếc các loại, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống là 79.230 chiếc.
Một phần nguyên nhân dẫn đến mức nhập khẩu kỷ lục của ô tô là do thuế giảm về 0% theo hiệp định với ASEAN. Câu hỏi đặt ra, tương lai ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ như thế nào trước sức ép xe ngoại nhập?
Còn nhớ, tại một tọa đàm về công nghiệp hỗ trợ ô tô hồi tháng 9 năm nay, một chuyên gia lâu năm về ô tô cho rằng: “Nếu cứ như thế này ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ sụp đổ, khó có thể cạnh tranh được với nước ngoài”.
Theo vị này, chi phí sản xuất ô tô ở Việt Nam đang cao hơn so với các nước khác, đó là một trong những nguyên nhân khó cạnh tranh... Thậm chí theo vị này, mức chi phí cao hơn lên tới 18-20%.
Kết luận, vị chuyên gia cho rằng, phải có những chính sách để hỗ trợ thị trường trong nước như ưu đãi thuế và hỗ trợ khác. Cùng với đó doanh nghiệp cần phải tự lực trong việc đẩy mạnh việc mở rộng tìm kiếm cơ hội từ chính thị trường trong nước.
Tại Diễn đàn công nghiệp hỗ trợ vừa diễn ra ngày 28/11 tại Hà Nội, lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cũng nhận định, việc thuế giảm về 0% là thách thức rất lớn cho các ngành công nghiệp ô tô cũng như công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô trong thời gian tới.
Theo cơ quan này, giá bán xe sản xuất, lắp ráp trong nước vẫn cao hơn các nước trong khu vực. Trong khi đó, tỷ lệ nội địa hoá chỉ đạt một phần năm đến một phần sáu mục tiêu đề ra, và thấp hơn nhiều các nước trong khối ASEAN.
Cục Công nghiệp dự báo với tốc độ nhập khẩu như các tháng vừa qua, lượng ô tô nhập khẩu, đặc biệt các loại xe con sẽ tiếp tục tăng mạnh, duy trì ở mức cao trong những năm tiếp theo.
Cho rằng thuế phí là một trong những điểm cần tháo gỡ, đại diện Cục Công nghiệp kiến nghị, trong thời gian tới, Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, báo cáo Chính phủ phương án sửa đổi, bổ sung các đạo luật về thuế, phí nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh về giá thành trước làn sóng xe nhập khẩu nguyên chiếc xâm nhập thị trường Việt Nam trong thời gian tới.
Tham luận diễn đàn, một đại diện đến từ Toyota Việt Nam cũng cho biết, việc chi phí sản xuất xe ô tô Việt Nam đang cao hơn so với khu vực khá nhiều.
Vị này cho rằng, khó khăn lớn nhất của ngành công nghiệp tô tô Việt Nam là quy mô thị trường còn quá nhỏ bé, số lượng thấp. Điều này làm chi phí sản xuất tại Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực, đặc biệt là chi phí khấu hao.
Thêm vào đó, do sản lượng còn quá nhỏ, nên các nhà sản xuất phần lớn phải nhập khẩu các linh kiện CKD để sản xuất ô tô. Điều này dẫn đến các chi phí rất cao cho việc đóng gói, vận chuyển, thuế nhập khẩu.
Đại diện Toyota nhấn mạnh, doanh nghiệp rất cần Chính phủ có những chính sách hỗ trợ sản xuất xe CKD sản xuất trong nước trong bối cảnh thuế nhập khẩu của xe nguyên chiếc về 0% kể từ năm 2018.
Nếu không được hỗ trợ, vị này cho rằng, doanh nghiệp sẽ chuyển dần sang nhập khẩu xe nguyên chiếc, ngành sản xuất trong nước đối mặt với sống còn.
“Tôi không chủ quan, nhưng không bi quan”
Bên lề Diễn đàn công nghiệp hỗ trợ, trả lời câu hỏi của Dân trí về việc liệu công nghiệp ô tô có thể sụp đổ trước nhiều sức ép như lời chuyên gia nhận định, ông Phạm Văn Tài - Tổng giám đốc Công ty CP ô tô Trường Hải (Thaco) nói: “Tôi không bi quan đến thế. Tuy nhiên, tôi cũng không chủ quan, mà lạc quan”.
Ông Tài phân tích, đúng là thực tế thì “mua rẻ hơn làm thì không ai làm mà sẽ đi mua”. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là làm sao mình phải làm rẻ hơn mua. Muốn làm được điều này, ông Tài cho rằng phải giải được bài toán nội địa hoá với sản lượng nhỏ.
“Giải được bài toán này, đó là trí tuệ người Việt Nam. Làm sao để gom những chi tiết, nhóm sản phẩm chung công nghệ, gia, giảm bớt khấu hao. Thực tế Việt Nam đã có doanh nghiệp xuất khẩu”, ông Tài nói.
Tuy nhiên, đối với dòng sản phẩm xe con thì đòi hỏi sự phức tạp, kiên trì cộng với một yếu tố lớn mà theo ông Tài, đó chính là “bí quyết”. Bởi lắp ráp, sản xuất ra chiếc ô tô thì dễ nhưng để làm ra chi tiết thì vô cùng khó, nhất là động cơ.
“Nói thì vậy, nhưng khó cũng phải tìm cách xoay chuyển. Có thể tìm hướng đi như liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài, nhận chuyển giao công nghệ. Tìm thị trường xuất khẩu mới có sức bật được”, ông Tài nói thêm.
Trong câu chuyện giải bài toán nội địa hoá để tạo sức bật cho ngành công nghiệp ô tô trong nước, ông Tài nhấn mạnh đến việc giảm thuế phí.
“Giảm thuế phí thì sẽ giảm giá thành, người dân dễ tiếp cận với việc mua xe hơn. Khi ngành công nghiệp ô tô phát triển sẽ lan tỏa sang các ngành khác. Một xe ô tô hiện này về chịu rất nhiều thuế phí”, ông Tài nhận định..
Tại diễn đàn, một số doanh nghiệp đã kiến nghị, Chính phủ xem xét việc giảm thuế nhập khẩu linh kiện về 0% mà không kèm theo bất kỳ điều kiện nào trong bối cảnh thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc về 0%.
Bởi khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc bằng 0% từ năm 2018, nếu vẫn áp dụng chính sách thuế đối với linh kiện thì sẽ khó giảm giá thành xe sản xuất trong nước.
Nguyễn Mạnh