Với việc sử dụng các kênh truyền thông mạng xã hội, nhiều mẫu xe Trung Quốc đã tạo nên cơn sốt tại Việt Nam...trên Facebook hay YouTube. Thực tế cho thấy, các model này chỉ rầm rộ thời gian đầu nhưng sau đó “hạ nhiệt” rồi gần như mất tích.
Tình hình kinh doanh tại bản địa
Ngay tại quê nhà, khách hàng Trung Quốc cũng chuộng các mẫu xe của Đức, Nhật Bản hơn. Trong năm 2019, Volkswagen với 14,6% đã đứng đầu thị trường, tiếp theo lần lượt là Honda (7,3%), Toyota(6,6%). Thương hiệu Trung Quốc có doanh số tốt nhất là Geely (5,7%) xếp ở vị trí thứ 4.
Beijing X7 là làn sóng ô tô Trung Quốc tiếp theo nhưng liệu có đi theo vết xe cũ?
Các hãng với những mẫu xe “hot” tại Việt Nam chiếm thị phần tương đối nhỏ tại quê nhà và đều rơi vào tình hình kinh doanh giảm sút. BAIC đứng hạng 21 với 286.343 xe bán ra trong năm 2019, giảm 35% so với năm 2018 và liên tục đi xuống kể từ 2016. Thị phần của thương hiệu này cũng co cụm lại, từ đỉnh điểm là gần 3% nhưng năm 2019 còn dưới 1,4%.
Zotye “thảm” hơn khi lượng xe bán trong năm ngoái là hơn 116 nghìn xe, giảm một nửa so với 2018, đứng ở vị trí 35. Hay Brilliance có thứ hạng 58, doanh số năm 2019 đạt trên 25 nghìn xe. Đáng nói là con số trên giảm sút tới 68,5% so với lượng xe bán được trong năm 2018. Đồ thị chung cho cả ba nhãn trên đều đi xuống kể từ 2016.
Giá ô tô thực sự tại Trung Quốc
Được trang bị động cơ 1.5 turbo cho công suất 169 mã lực, Beijing X7 có giá từ 104.900 - 146.900 nhân dân tệ (tương đương 367,7 - 515 triệu đồng). Mẫu xe này được chào tại Việt Nam từ 528 - 688 triệu đồng, cạnh tranh với Honda CR-V, Hyundai Tucson, Mazda CX-5…
Doanh số của Beijing X7 tại quê nhà đạt 1.401 xe trong tháng 6 (bắt đầu bán ra) và đạt đỉnh gần 4.700 xe. Con số này chưa bằng 1/10 so với đối thủ đồng hương là Haval H6 hay chưa bằng 1/5 doanh số của CR-V, trong khi giá bán mẫu xe của Honda cao gần gấp đôi.
Brilliance V7 có tháng không bán được xe nào tại quê nhà
Mẫu Brilliance V7, được “tung hô” với công nghệ động cơ BMW, ở lúc đỉnh điểm bán được hơn 2.000 xe mỗi tháng, một con số quá nhỏ so với quy mô thị trường tại ở quê nhà. Nhưng sang năm 2020, có tháng hãng không bán được chiếc nào. Chi tiết thú vị là vào tháng 3, mẫu xe này được đưa về Việt Nam trong khi doanh số tại Trung Quốc bằng 0.
Tại Việt Nam, V7 có mức giá khi trình làng là 738 triệu đồng nhưng mới được điều chỉnh về 718 triệu đồng và là phiên bản từ năm 2018 của thị trường nội địa. Xe bán tại Trung Quốc với mức giá 108.700 - 151.700 nhân dân tệ (khoảng 381 - 531,8 triệu đồng).
Là một trong những mẫu xe khơi mào cho cơn sốt ô tô Trung Quốc quay lại Việt Nam, Zotye Z8 đã được nâng cấp bằng Z8L giá 638 triệu đồng. Mẫu xe này có tên tại quê nhà là Zotye T800 (thay thế cho T700), mức giá 131.800 - 185.800 nhân dân tệ (khoảng 462 - 651 triệu đồng). Cả năm 2019, khách hàng Trung Quốc chỉ mua gần 5.400 chiếc Zotye Z8, một con số quá nhỏ so với mức tiêu thụ hơn 24 triệu xe của đất nước tỷ dân.
Những con số thay lời cần nói
Có thể thấy, các mẫu xe Trung Quốc “hot” tại Việt Nam nhưng phần lớn lại ế ẩm tại quê nhà. Bản thân khách hàng địa phương cũng chưa thực sự mặn mà với ô tô của những thương hiệu nội địa. Các con số trên phần nào phản ánh chất lượng và giá trị sử dụng thực sự của sản phẩm mà người quan tâm có thể tham khảo.
Trung Quốc có thế mạnh về công nghệ nhưng ô tô không đơn thuần là một thiết bị công nghệ, giống như những chiếc điện thoại. Khả năng vận hành trong nhiều điều kiện khác nhau phụ thuộc rất nhiều vào trình độ cơ khí, luyện kim, chế tạo máy… độ bền, tính ổn định theo thời gian của ô tô Trung Quốc vẫn là yếu tố còn bỏ ngỏ bởi khoảng thời gian 1-2 năm gần đây là chưa đủ để đánh giá và khó cho ra góc nhìn tổng thể.
Nam Anh