Nhật Bản
Tại Nhật Bản, mặc dù xuất khẩu giảm mạnh, các nhà máy phải hoạt động trong tình trạng giảm giờ làm và doanh số bán hàng trong nước giảm sút, nhưng các nhà sản xuất ô tô “xứ sở Phù Tang” đã huy động phần lớn nhân lực, vật lực để hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19, bao gồm các hoạt động sản xuất thiết bị y tế và giao vận.
Hồi tháng 3, chính phủ Nhật Bản đã công bố một loạt các biện pháp nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp ô tô vốn dễ bị tổn thương, bao gồm viện trợ tài chính cho các công ty muốn chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc (vào thời điểm đó Trung Quốc vẫn là tâm dịch Covid-19) về nước hoặc tới các quốc gia Đông Nam Á, tuy nhiên không đưa ra một gói hỗ trợ đặc biệt nào đối với hoạt động bán hàng hoặc sản xuất của các nhà sản xuất ô tô chịu tác động của Covid-19.
Các nhà sản xuất có thể tiếp cận các khoản vay và hỗ trợ vốn có của chính phủ, nhưng các gói hỗ trợ này thường được thiết kế dành cho khối doanh nghiệp nhỏ.
Người phát ngôn của hãng Toyota cho biết: “Các sáng kiến chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, do đó Toyota không tiếp cận các chương trình hỗ trợ này. Tuy nhiên, Toyota tin rằng những sáng kiến đó sẽ có hiệu quả đối với các nhà cung cấp cấp 2 và cấp 3 của hãng và giúp hỗ trợ tăng cường và phục hồi ngành công nghiệp ô tô.”
Tuy nhiên, triển vọng trước mắt đối với lĩnh vực ô tô của Nhật Bản được đánh giá là khá ảm đạm. Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, tháng 3/2020, xuất khẩu ô tô của nước này đã giảm 13% so với một năm trước đó.
Hồi giữa tháng 5, Toyota tuyên bố sẽ đình chỉ sản xuất tại tất cả 15 nhà máy trong nước vào thứ Sáu hàng tuần trong tháng 6 và cắt giảm sản xuất tại các nhà máy khác vào những thời điểm khác. Toyota dự kiến lợi nhuận hoạt động của tập đoàn trong năm tài khóa 2020 sẽ giảm 79,5% xuống mức thấp nhất trong 9 năm là 500 tỷ Yên (4,65 tỷ USD), trong khi doanh thu toàn cầu sẽ giảm 14,9% so với năm trước xuống còn 8,9 triệu USD.
Các “đồng hương” của Toyota cũng đang phải hứng chịu những thiệt hại liên quan tới Covid-19. Nissan cắt giảm sản lượng, giảm 20% công suất toàn cầu. Honda tạm ngừng sản xuất tại 2 nhà máy ở miền Đông Nhật Bản vào tháng 4. Mazda đã buộc phải tìm tới các ngân hàng để có được khoản vay 300 tỷ Yen (2,8 tỷ USD).
Ông Koji Endo, một nhà phân tích ngành ô tô của SBI Securities có trụ sở tại Tokyo, nhận định các nhà sản xuất ô tô đã cảm nhận được tác động của việc tăng thuế tiêu dùng từ 8%-10% hồi năm ngoái khi Covid-19 làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của họ. Tuy nhiên, chuyên gia này lạc quan rằng, doanh số bán hàng trong và ngoài nước của các nhà sản xuất ô tô sẽ sớm phục hồi.
“Doanh số bán hàng tại Trung Quốc dường như đang phục hồi nhanh hơn kỳ vọng và chúng tôi dự đoán sự phục hồi ổn định tại thị trường Mỹ sẽ bắt đầu từ tháng 7. Mặt khác, Đông Nam Á và Ấn Độ là những thị trường đang hoạt động khá tệ và đang sụt giảm doanh số ở mức 2 con số. Điều này tác động xấu tới các công ty như Suzuki. Nói chung, chúng ta có thể mong đợi doanh số tăng hàng năm ở mức thấp từ tháng 10 trở đi,” ông Koji Endo nhận định.
Hàn Quốc
Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Hàn Quốc (KAMA), xuất khẩu ô tô nước này đạt 44,3% so với cùng kỳ tháng 4, với 123.906 chiếc, do dịch Covid-19 tác động khiến hoạt động của các đại lý ( bao gồm cả 5 thị trường lớn ở châu Âu) bị ngưng trệ.
Triển vọng cho thị trường nội địa Hàn Quốc sẽ tốt hơn, do hưởng lợi từ việc cắt giảm 70% thuế tiêu thụ cá nhân đối với các mẫu xe ô tô được bán và giao từ tháng 3 đến cuối tháng 6/2020.
Hồi cuối tháng 4, tập đoàn Hyundai tuyên bố đang chuyển trọng tâm vào việc tăng doanh số bán hàng trong nước bằng cách sắp xếp lại lịch sản xuất các mẫu xe phổ biến tại thị trường Hàn Quốc, bao gồm SUV GV80 và Palisade, Genesis G80 và Grandeur, mẫu xe mui trần Kia K5 và K7 mới, Kia Sorento và Mohave.
Trung Quốc
Tại Trung Quốc, ngành ô tô cũng bị tổn thương do Covid-19, với những tác động ban đầu đối với doanh số bán hàng trong nước do dịch bệnh nguy hiểm khởi phát tại nước này từ tháng 12/2019 kết hợp với những tổn thất về doanh số xuất khẩu.
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc, doanh số ô tô trong 4 tháng đầu năm nay đã giảm 35,3% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 4,43 triệu xe. Dự đoán doanh số bán ô tô do Trung Quốc sản xuất sẽ giảm mạnh 25% trong năm 2020 nếu đại dịch không được kiểm soát tốt.
Tuy nhiên, vẫn có những tín hiệu tích cực. Sau khi đại dịch Covid-19 đang dần “lắng xuống”, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã bán được 2,07 triệu xe trong tháng 4, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn là do sự gia tăng doanh số bán xe thương mại, đặc biệt là xe tải hạng nặng.
Nhằm “vực dậy” doanh số bán ô tô tại thị trường ô tô vốn đang giữ vị trí số 1 thế giới, hồi tháng 3, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc tuyên bố sẽ gia hạn chính sách trợ cấp và miễn giảm thuế cho xe năng lượng mới (gồm xe điện và xe hybrid sạc điện) đến cuối năm 2022. Đây được xem là giải pháp để giúp phân khúc ô tô điện, hybrid… lấy lại đà tăng trưởng.
Tiếp đến, tháng 4, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cũng đã công bố các biện pháp đẩy mạnh tiêu thụ xe truyền thống. Ví dụ, Trung Quốc lên kế hoạch áp dụng tiêu chuẩn khí thải Trung Quốc-VI (tương tự tiêu chuẩn của châu Âu Euro-VI) đối với các phương tiện thương mại hạng nhẹ từ ngày 1/7 nhưng sau đó đã lùi thời hạn áp dụng tới ngày 1/1/2021.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng nỗ lực mở rộng xuất khẩu xe ô tô đã qua sử dụng.
Gia Bảo
Theo Wards Auto