Fica
  1. Xe 360

Buôn lậu siêu xe, trốn cả trăm tỷ tiền thuế

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Tòa án nhân dân TPHCM đang xét xử đường dây buôn lậu xe sang lợi dụng chính sách hỗ trợ Việt kiều hồi hương. Các đối tượng buôn lậu đã trốn cả trăm tỷ đồng thuế.


Xe buôn lậu bị thu giữ. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Xe buôn lậu bị thu giữ. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Tòa triệu tập thêm 106 cá nhân tổ chức

Phiên tòa bắt đầu từ 7/9, dự kiến kéo dài đến hết tuần này.

Các bị cáo gồm Nguyễn Quang Vinh (SN 1982, trú tại quận 7, TPHCM), Nguyễn Giang Lam (SN 1975, trú tại quận Thủ Đức), Trần Phước Thạnh (SN 1967, trú tại quận Bình Thạnh, TPHCM), Trần Thái Nguyên (SN 1972, trú tại Đà Lạt) bị truy tố về tội “buôn lậu”; bị cáo Bùi Khắc Hà (SN 1975) bị truy tố về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Ngoài 4 bị cáo, hội đồng xét xử còn triệu tập đến phiên toà 106 cá nhân và tổ chức, với tư cách là người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan. Đó là các Việt kiều đứng tên trên thủ tục nhập khẩu xe hơi từ nước ngoài về Việt Nam, thuộc diện hồi hương.

Theo cáo trạng vụ án, Nhà nước Việt Nam cho phép mỗi Việt kiều hồi hương được mang về nước một ôtô cá nhân đang sử dụng. Những chiếc xe diện này được miễn thuế nhập khẩu.

Lợi dụng chính sách này, Vinh, Thạnh và Nguyên đã cùng với Nguyễn Giang Lam (nguyên cán bộ phòng PA 72 - Công an TPHCM) thỏa thuận mua xe nhập khẩu diện Việt kiều hồi hương...

Từ tháng 1/2011 đến tháng 12/2012, Vinh cùng đồng bọn trực tiếp làm thủ tục nhập khẩu ôtô, môtô cho 64 Việt kiều hồi hương, trong đó chỉ có 10 trường hợp hợp pháp, 54 Việt kiều còn lại được thuê làm thủ tục nhập xe lậu.

Cụ thể, hộ chiếu của các Việt kiều có đóng dấu xuất nhập cảnh, hồ sơ xuất nhập cảnh có dữ liệu chuyến bay như ngày giờ nhập cảnh, mã chuyến bay, đường bay,... Tuy nhiên, xác minh tại các hãng hàng không, cơ quan điều tra được biết, các Việt kiều này không mua vé máy bay, không đi hoặc về trên các chuyến bay như hồ sơ xuất nhập cảnh thể hiện, Nguyễn Giang Lam lợi dụng vị trí công tác của mình đã trực tiếp thuê và giới thiệu cho Vinh 36 Việt kiều.

Theo lời khai của Vinh, mỗi chiếc xe nhập khẩu thành công, Vinh phải chi cho Lam 10.000 USD. Tổng cộng 36 chiếc xe, Lam hưởng lợi từ Vinh 360.000 USD. Số tiền dịch vụ còn lại, Vinh được nhận là 108.000 USD, tương đương 2,16 tỷ đồng.

Sau khi trừ các chi phí, Vinh chia cho Nguyên và Thạnh mỗi người 270 triệu đồng. Với những trường hợp Việt kiều do Vinh và Thạnh trực tiếp thuê thì Vinh, Thạnh và Nguyên được hưởng lợi nhiều hơn. Tính cả 54 chiếc xe buôn lậu, Vinh và Thạnh thu lợi 556 triệu đồng, còn Nguyên được hưởng 478 triệu đồng.

Theo Cục Hải quan TPHCM, căn cứ hồ sơ nhập khẩu 66 chiếc xe (54 ô tô, 12 mô tô), nếu không được miễn thuế, 54 chiếc xe các loại gồm: Rolls Royce, Land Rover, Bentley, Lexus, Audi, BMW, Porsche, Toyota, Jaguar, Honda,... trên trị giá gần 5,2 triệu USD; 12 môtô trị giá trên 157 ngàn USD. Tổng tiền thuế bao gồm thuế các đối tượng phải nộp gần 219 tỷ đồng.

Dưới sự phù phép của Vinh và đồng bọn, cộng với sự vô trách nhiệm của một số cán bộ, các đối tượng buôn lậu chỉ phải nộp 64,2 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt, trốn gần 162 tỷ đồng thuế.

Ðường dây bị triệt phá ra sao?

Năm 2012, Tổng cục Hải quan phát hiện số xe sang của Việt kiều nhập khi hồi hương tăng nhanh một cách bất thường.

Qua tìm hiểu các dấu hiệu khả nghi, Bộ Công an và công an các tỉnh, thành phố tiến hành điều tra và phát hiện đường dây buôn lậu xe sang này.

Chỉ một thời gian ngắn công an điều tra đường về nước của những chiếc xe sang này đã bị vạch trần.

Ông trùm đường dây buôn lậu Nguyễn Quang Vinh và ba đồng bọn gồm: Trần Phước Thạnh, Trần Thái Nguyên, và Nguyễn Giang Lam lần lượt bị bắt.

Cơ quan công an đã kê biên 38 chiếc xe sang trọng, trong đó có cả những chiếc Rolls-Royce trị giá hàng triệu USD và thu hồi 2,6 tỷ đồng, 4.300 USD.

Kết quả điều tra cho thấy, chủ một số salon ôtô tại TPHCM như: Helena Phạm, Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Văn Sỹ, Trần Quốc Hiền, Nguyễn Hoàng Triệu, Jenny, Hoàng Minh Trung,... đã móc nối với Vinh, Thạnh, Nguyên và Lam thỏa thuận mua tiêu chuẩn nhập khẩu ôtô, môtô theo diện Việt kiều hồi hương để buôn lậu.

Lợi dụng vị trí công tác, Lam và các đối tượng trên thực hiện trót lọt việc đóng dấu xuất, nhập cảnh khống vào hộ chiếu của các Việt kiều.

Khi đã có được dấu xuất nhập cảnh, Vinh và đồng bọn lấy thông tin cá nhân trên hộ chiếu do Hoa Kỳ hoặc lãnh sự quán Việt Nam tại Hoa Kỳ cấp của các Việt kiều chuyển cho Helena Phạm, Nguyễn Thị Bé Phương (em ruột Nguyễn Văn Sỹ), Charile Ngô, Đoàn Hiền, Jenny,... đang định cư tại Hoa Kỳ trực tiếp mua xe, thanh toán tiền rồi thuê các hãng tàu vận chuyển từ Hoa Kỳ về Việt Nam tiêu thụ.

Trong phiên xử sơ thẩm lần đầu, TAND TPHCM tuyên phạt Lam và Vinh mỗi người 16 năm tù, Thạnh 12 năm tù, Nguyên 9 năm tù về tội buôn lậu. Sau bản án, các bị cáo kháng cáo.

Tháng 10/2016, TAND cấp cao tại TPHCM mở phiên phúc thẩm đã hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra xét xử lại.

Tại phiên toà sơ thẩm lần 2, ba bị cáo là Vinh, Thạnh và Nguyên đều khai nhận hành vi phạm tội, cho rằng mình lợi dụng chính sách của Nhà nước để thực hiện hành vi sai trái nhằm trục lợi. Riêng bị cáo Lam cho rằng mình bị buộc tội oan, còn bị cáo Hà cho rằng mình chỉ giúp đỡ các đối tượng trong quan hệ đồng nghiệp chứ không hưởng lợi.

 

Theo cáo trạng, các cán bộ, chiến sĩ Ðồn cửa khẩu Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất - Cục An ninh cửa khẩu, Bộ Công an, và Phòng quản lý xuất nhập cảnh - CATPHCM chỉ làm sai quy trình kiểm chứng xuất nhập cảnh với ý thức giúp người quen làm nhanh thủ tục qua cửa khẩu. Hành vi sai phạm của các cán bộ, chiến sĩ này và các cán bộ lãnh đạo chỉ huy đã được ngành Công an xử lý kỷ luật đến cảnh cáo, giáng cấp bậc hàm.

Theo Nhóm PV
Tiền Phong