Theo dự thảo, những quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi được Bộ Giao thông Vận tải chỉnh sửa, bổ sung tương đối rõ ràng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tổ chức hoạt động.
Trong đó, Dự thảo bổ sung các công đoạn được xác định là kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đó là quyết định giá cước vận tải, kể cả việc công đoạn quyết định giá cước này được thực hiện qua phần mềm điện tử. Với đặc điểm nhận dạng này, các hãng taxi công nghệ hiện nay sẽ được xếp vào công ty kinh doanh vận tải chứ không chỉ đơn thuần là đơn vị cung cấp phần mềm như trước.
Một trong những điểm đáng chú ý nhất trong bản Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi là quy định taxi công nghệ (loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi tính tiền thông qua phần mềm) bắt buộc phải có hộp đèn mang dòng chữ “taxi điện tử” gắn cố định trên nóc. Việc đeo mào trên nóc xe sẽ giúp hành khách dễ dàng nhận diện vào phân biệt sự khác nhau giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống.
Cũng theo dự thảo taxi công nghệ cũng sẽ phải gắn phù hiệu xe taxi trên kính xe; niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe theo quy định. Ngoài ra, dự thảo nghị định cũng đưa ra quy định, đối với các xe taxi công nghệ, trên xe phải có thiết bị đã được cài đặt phần mềm kết nối để giao dịch với hành khách; đảm bảo cung cấp cho hành khách các nội dung tối thiểu gồm: thông tin về doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải (tên, địa chỉ, điện thoại, mã số thuế); thông tin về lái xe (họ và tên, hạng giấy phép lái xe, số giấy phép lái xe, số điện thoại.
Ngoài ra, đơn vị kinh doanh taxi công nghệ phải gửi hóa đơn điện tử cho khách hàng, đồng thời gửi thông tin về Tổng cục Thuế. Phần mềm đặt xe phải tuân thủ quy định về giao dịch điện tử, đăng ký với Bộ Công Thương, thông báo với Sở Giao thông vận tải nơi cấp phép kinh doanh. Quy định này nhằm kiểm soát doanh thu và thuế của các hãng taxi công nghệ. Tránh việc thất thoát nguồn thu của Nhà nước.
H.Anh