Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) được ký kết, với cam kết EU sẽ mở cửa thị trường ô tô cho Việt Nam. Theo đó, ô tô con thuộc nhóm 87023 đang hưởng thuế ưu đãi tối huệ quốc (MFN) 10% sẽ giảm về 0% sau 7 năm, còn linh kiện ô tô có thuế nhập khẩu từ 3-4% sẽ được cắt bỏ ngay khi EVFTA có hiệu lực.
Với ô tô nguyên chiếc, Việt Nam ít có triển vọng xuất khẩu vào EU; nhưng với linh kiện, khi thuế giảm về 0% sẽ tăng cơ hội để các DN xuất khẩu và là động lực thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
Mặc dù hàng năm phải nhập khẩu lượng lớn linh kiện phục vụ cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước, nhưng Việt Nam cũng xuất khẩu hàng tỷ USD các sản phẩm này. Hiện kim ngạch xuất khẩu linh kiện ô tô đạt gần 5 tỷ USD/năm, nằm trong top 10 những nhóm mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất hiện nay.
Dự báo sẽ có nhiều nhà sản xuất linh kiện ô tô chuyển các cơ sở sản xuất sang Việt Nam
Sản xuất linh kiện ô tô tại Việt Nam thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định. Những linh kiện phụ tùng ô tô Việt Nam xuất khẩu cũng có công nghệ tương đối cao như bộ dây đánh lửa, phụ tùng trong hộp số, túi khí an toàn,... Điều này cho thấy tại Việt Nam có các nhà sản xuất linh phụ kiện ô tô đạt chất lượng cao và đã tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, chiếm đến trên 95% kim ngạch xuất khẩu linh kiện ô tô thuộc về các DN FDI.
Với thuế giảm về 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực, chắc chắn sẽ mở ra cơ hội lớn hơn cho linh kiện ô tô Việt Nam thâm nhập thị trường EU. Tại EU, Đức là nước nhập khẩu linh kiện ô tô lớn nhất của Việt Nam và kim ngạch ngày càng tăng.
Mới đây, Văn phòng chiến lược và chính sách thương mại thuộc Bộ Thương mại Thái Lan cho biết: Việt Nam ký các thỏa thuận thương mại và đầu tư với EU, xuất khẩu xe hơi và linh kiện, máy tính và các thiết bị điện của Thái Lan sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ bởi vẫn phải chịu thế do nước này chưa có hiệp định thương mại tự do với EU. Việt Nam có thể đạt được nhiều lợi thế và lợi ích hơn Thái Lan. Thời gian tới, sẽ có nhiều nhà sản xuất linh kiện ô tô chuyển các cơ sở sản xuất sang Việt Nam.
DN Việt có lỡ cơ hội?
Muốn xuất khẩu linh kiện ô tô từ Việt Nam sang EU hưởng thuế 0%, theo cam kết, các sản phẩm chỉ có giá trị nguyên vật liệu không có xuất xứ, không vượt quá 45%. Tức là giá trị nguyên vật liệu có xuất xứ tại Việt Nam và EU phải chiếm tỷ lệ từ 55% trở lên. Nguyên vật liệu mua tại Việt Nam, nếu không đủ, có thể mua từ EU, hoặc từ các DN của EU đang đầu tư tại các nước khác về gia công chế tạo.
Theo các DN, tỷ lệ mua nguyên liệu tại chỗ, để sản xuất linh kiện ô tô tại Việt Nam rất thấp, bình quân chỉ đạt khoảng 28%. Với những sản phẩm giản đơn, có hàm lượng công nghệ thấp như dây điện, săm lốp, ắc quy, gương kính,... có thể đáp ứng được. Còn với những sản phẩm đòi hỏi công nghệ cao không hề dễ dàng.
Không những thế, số lượng DN Việt Nam tham gia vào các chuỗi cung ứng ở những lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao như sản xuất ô tô, thiết bị điện tử hiện rất ít. Theo số liệu từ Bộ Công thương, đến nay các DN nội địa chỉ mới cung ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Những linh kiện có hàm lượng công nghệ cao không làm được.
Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ để khuyến khích các DN Việt Nam tham gia vào phát triển công nghiệp hỗ trợ,
Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, DN tư nhân chủ yếu hoạt động ở các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, xây dựng... ít tham gia vào sản xuất, công nghiệp. Hơn 50% DN dân doanh vay vốn ngân hàng, chủ yếu để trang trải hoạt động, chứ ít đầu tư cho đổi mới sáng tạo, thiết bị máy móc hay công nghệ. Tỷ lệ sử dụng công nghệ cao rất thấp, so với các nước trong khu vực chỉ đạt 2%. Nguồn vốn đầu tư cho đổi mới công nghệ rất thấp, khoảng 0,2-0,3% tổng doanh thu.
Còn theo Nhóm công tác về ô tô xe máy thuộc Diễn đàn DN Việt Nam (VBF), đến nay không có nhiều nhà cung cấp Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn để tham gia chuỗi sản xuất linh kiện ô tô, bởi thiếu bản quyền, không được chuyển giao công nghệ hoặc thỏa thuận cấp phép từ các nhà cung cấp chính hãng.
Mặc dù vậy, đây là cơ hội để đẩy mạnh sản xuất linh kiện phụ tùng xuất khẩu và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước. Ngoài EVFTA, năm 2018 Việt Nam cũng ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên thái Bình Dương (CPTPP) và linh kiện ô tô xuất khẩu sang các nước thành viên như Nhật, Canada,.... cũng sẽ giảm về 0%, sẽ tạo ra lợi thế.
Các chuyên gia trong VBF đã khuyến nghị Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ để khuyến khích các DN Việt Nam tham gia vào phát triển công nghiệp hỗ trợ, như vậy mới tận dụng được cơ hội do các FTA mang lại, thoát cảnh gia công, lắp ráp.
Ông Marko Walde, Trưởng Đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, cho biết, việc tham gia chuỗi hay hợp tác với các doanh nghiệp FDI sẽ mở ra cơ hội lớn. Trong lĩnh vực sản xuất linh kiện ô tô, DN Đức đều sử dụng công nghệ hiện đại, vì vậy đã hợp tác với các DN địa phương, hỗ trợ về quản lý sản xuất, đảm bảo quy trình, nâng cao chất lượng sản phẩm và đào tạo nguồn nhân lực có trình độ. Chỉ riêng đào tạo nguồn nhân lực tay nghề cao, các DN Đức đã triển khai khắp cả nước và nguồn nhân lực này sẽ phục vụ cho kinh tế Việt Nam. Đó sẽ là lợi thế cạnh tranh, chứ không phải là nhân công giá rẻ.
Khi thu hút đông đảo DN đầu tư vào sản xuất linh kiện ô tô, cũng sẽ thúc đẩy ngành luyện kim, chế tạo máy, gia công cơ khí, điện, điện tử, tự động hóa trình độ cao phát triển.
Theo: Trần Thủy
Vietnamnet