Fica
  1. Xe 360

13 xế hộp "đắt khách" nhất Việt Nam: Xe nội "áp đảo" xe nhập

Mặc dù số xe nhập tăng mạnh ở Việt Nam trong thời gian qua song tiêu thụ các dòng xe nhập không cao. Trong 12 mẫu xe nhập ăn khách nhất Việt Nam 8 tháng qua (từ 6.000 chiếc trở lên), xe nhập chỉ chiếm ít ỏi 4 mẫu.

Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), 8 tháng qua, 12 mẫu xe ăn khách nhất Việt Nam đã chiếm doanh số hơn 117.000 chiếc, chiếm khoảng 70% tổng lượng xe dưới 9 chỗ ngồi của Việt Nam.

13 xế hộp đắt khách nhất Việt Nam: Xe nội áp đảo xe nhập - 1

Xe nhập về nhiều nhưng chủ yếu bổ sung cho thị trường, rất ít xe có doanh số cao trên thị trường do hệ thống phân phối yếu, người tiêu dùng chưa quen thương hiệu

Trong đó, các dòng xe trong nước chiếm 9 mẫu xe, với khoảng 83.800 chiếc, lớn nhất là Toyota Vios với doanh số đứng đầu thị trường hơn 16.700 chiếc, thứ hai là Hyundai Accent với hơn 11.600 chiếc, Hyundai i10 với hơn 11.000 chiếc.

Kia Cerato và Toyota Innova cùng chia sẻ vị trí với doanh số đều đạt hơn 7.500 chiếc, Mazda CX5 với hơn 7.200 chiếc và Kia Morning với 6.900 chiếc.

Các dòng xe nhập khẩu có 4 mẫu bán được doanh số cao với tổng lượng đạt trên 33.800 chiếc, trong đó tiêu thụ vượt trội thuộc về dòng MPV giá rẻ Mitsubishi Xpander với 9.900 chiếc. Honda CRV đứng vị trí thứ 2 với 9.400 chiếc, Ford Ranger thứ 3 với 8.000 chiếc và chiếc Toyota Fortuner đứng vị trí cuối cùng với hơn 6.500 chiếc.

Mốc 6.000 chiếc được xem là mức tiêu thụ trung bình khoảng 750 chiếc/tháng, mức tiêu thụ này đảm bảo đủ khả năng để có thể lắp ráp và nội địa hóa thành công ở Việt Nam. Các mẫu xe doanh số trên 8.000 chiếc/8 tháng (tức là khoảng 1.000 chiếc/tháng) thuộc về các mẫu xe lắp ráp trong nước là Vios, Accent, Grand i10, Mazda 3 cùng hai mẫu xe nhập là Xpander và Ranger.

Trong đó riêng Mitsubishi Xpander được nhà sản xuất dự định sẽ lắp ráp tại Việt Nam vào tháng 5 năm 2020, chỉ duy nhất Ford Ranger là chưa có kế hoạch quay trở lại lắp ráp trong nước. Mẫu xe Fortuner của Toyota cũng được nhà sản xuất lắp ráp một số phiên bản tại Việt Nam bắt đầu từ năm nay sau hơn 2 năm nhập khẩu hoàn toàn từ Indonesia.

Như vậy, có thể nói, cho dù lượng xe nhập khẩu về Việt Nam tăng cao song các dòng xe này chủ yếu chưa chiếm dung lượng thị trường quá lớn. Các sản phẩm xe nhập chủ yếu bổ sung cho thị trường và chưa thể làm thay đổi căn bản cung cầu và giá trên thị trường.

Các mẫu xe như Honda Brio, HRV hay Toyota Rush, Wigo, Avanzo, Chevrolet Trailblazer dù là sản phẩm hứa hẹn cạnh tranh về giá với các mẫu xe như: Hyundai Grand i10, Kia Morning, Ford Everest, Toyota Fortuner, Honda CRV, Mazda CX5, Toyota Innova... Tuy nhiên, vẫn có doanh số khá èo uột chỉ từ vài trăm chiếc thậm chí cao nhất cũng 4.800 chiếc (Wigo), Honda Brio (1.200 chiếc) kém nhiều so với các đối thủ đứng "top" trên thị trường là i10 và Morning vài nghìn chiếc.

Hiện, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đang đề xuất Chính phủ xóa bỏ thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện xe hơi trong nước chưa sản xuất được và những loại linh kiện mà trong nước sản xuất được để cứu ngành công nghiệp xe hơi Việt Nam. Tuy nhiên, việc "giải cứu" chính sách lần này cần đặt trọng tâm, cụ thể vào những doanh nghiệp, những mẫu xe có tỷ lệ nội địa hóa cao, doanh số bán lớn nhằm kích thích tăng trưởng và tạo hiệu quả chính sách rõ rệt.

Một trong những chi tiết mà chính sách ưu đãi cần hướng đến chính là doanh số tiêu thụ các dòng xe, mẫu xe lớn đã và đang chiếm lượng bán ra lớn trên thị trường để làm đối tượng, mục tiêu của mình

Nguyễn Tuyền

13 xế hộp đắt khách nhất Việt Nam: Xe nội áp đảo xe nhập - 2