Báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), hết 9 tháng đầu năm 10 mẫu xe hơi ăn khách nhất Việt Nam có doanh số bán ra hơn 112.200 chiếc, chiếm gần 50% tổng lượng xe du lịch bán ra của các doanh nghiệp thuộc VAMA và một số doanh nghiệp lớn nói riêng.
Nếu tính chung 20 mẫu xe đắt khách nhất, có doanh số tính đến thời điểm hiện tại là trên 2.000 chiếc, thì tổng lượng số xe này bán ra là khoảng 175.800 chiếc, chiếm 77% tổng lượng xe du lịch bán ra.
Thị trường xe cuối năm có nhiều diễn biến có lợi cho các thương hiệu xe nhập khẩu
Đáng nói, trong số 10 mẫu xe ăn khách, có 4 thương hiệu là xe nhập, còn nếu tính 20 mẫu xe ăn khách nhất thị trường, thì có thêm 1 mẫu xe nhập. Điều này cho thấy, số xe nhập dù đóng góp số lượng ít ỏi, song lại chiếm lượng tiêu thụ khá lớn.
Cụ thể, trong top 10 mẫu xe ăn khách bán ra được hơn 112.200 chiếc, số xe nhập bán ra đạt gần 40.000 chiếc, chiếm trên 35%.
Hiện 10 mẫu xe ăn khách nhất trên thị trường, Toyota Vios vẫn dẫn đầu với 19.000 chiếc, đứng thứ 2 là Hyundai Accent với 13.600 chiếc, đứng thứ 3 là Grand i10 với 12.600 chiếc, đứng thứ 4 là hãng xe nhập Mitsubishi với gần 12.000 chiếc, đứng thứ 5 cũng là hãng xe nhập Honda CRV với 10.300 chiếc, đứng thứ 5 là mẫu xe lắp ráp Mazda 3 của Trường Hải với 10.200 chiếc.
6 mẫu xe bán chạy nhất tại Việt Nam 9 tháng qua, mỗi tháng đều có doanh số được 1.000 chiếc.
4 mẫu có doanh số thấp hơn thuộc nhóm 10 mẫu xe ăn khách gồm: Vua bán tải nhập khẩu Thái Lan Ford Ranger với 9.000 chiếc bán ra; Toyota Fortuner với 8.700 chiếc, mẫu MPV lắp ráp Toyota Innova với 8.600 chiếc và cuối cùng là Kia Cerato với 8.300 chiếc.
Trong 10 mẫu xe bán chạy nhất 9 tháng qua, xe lắp ráp chiếm gần 65%, đây đều là các mẫu xe có doanh số bán tốt và là xe con cưng của các hãng xe tại Việt Nam.
Ngoài Top 10 mẫu xe ăn khách nhất Việt Nam, các dòng xe khác cũng có doanh số cao tương đối tại Việt Nam như Mazda CX5 có doanh số bán ra gần 8.000 chiếc, các dòng Kia Morning, Honda City đều có doanh số từ 7.000 đến 7.500 chiếc. Trong khi đó, các mẫu như Toyota Wigo, Hyundai SantaFe, Elantra, hay Kona, Ford Everst đều đạt doanh số khá cao gần 5.000 đến hơn 6.500 chiếc trong 9 tháng qua.
Chỉ riêng hai mẫu Toyota Camry và Altis dù có doanh số từ 3.000 đến gần 3.500 chiếc, lọt Top 20 mẫu xe ăn khách nhất Việt Nam, song các mẫu xe này bán khá chậm, khó cạnh tranh và nổi bật về doanh số do mức giá đắt đỏ, xe không điểm nhấn...
Nếu nhìn vào bảng thành tích doanh số của 20 mẫu xe bán lớn nhất 9 tháng qua, chúng ta có thể vui vì các xe lắp ráp đang đạt doanh số cao trên 70% lượng xe tiêu thụ trên thị trường. Tuy nhiên, nếu nhìn vào bảng doanh số 10 dòng xe ăn khách nhất thị trường thì xe nhập đã chiếm đến 4 mẫu xe và chiếm trên 35% số xe tiêu thụ mạnh trong Top 10.
Như vậy, có thể khẳng định xe nhập đang có mức tăng trưởng mạnh tại Việt Nam và sức hút của xe nhập đang khiến thị trường xe cuối năm diễn biến khó lường hơn.
Cũng theo VAMA, lượng tiêu thụ xe hơi trong 9 tháng qua mặc dù tăng mạnh trên 18% so với cùng kỳ. Song mức tăng này chủ yếu do xe nhập, còn xe lắp ráp trong nước có xu hướng giảm. Cụ thể, xe lắp ráp giảm 20.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước (tương ứng giảm 13%), trong khi đó xe nhập lại tăng hơn 56.000 chiếc, tương ứng khoảng 150%.
Việc tăng doanh số xe nhập, trong khi xe trong nước có xu hướng giảm đi là biểu hiện của xu hướng các liên doanh giảm lắp ráp, sản xuất tại Việt Nam để chuyển sang phân phối "đi buôn". Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân vẫn còn đó nhiều khó khăn về giá, thị trường và đặc biệt là thị hiếu người tiêu dùng còn chưa quen với các thương hiệu nội địa.
Nguyễn Tuyền