Theo số liệu vừa được hải quan Trung Quốc công bố, giá trị hàng hóa xuất khẩu trong tháng 10 vừa qua tăng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái lên 309,06 tỷ USD. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2023 đồng thời vượt trội so với mức tăng 2,4% của tháng 9 và 8,7% vào tháng 8. Kết quả thực tế đồng thời cao hơn dự báo tăng 5,2% của giới chuyên gia.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu lại sụt giảm 2,3% trong cùng giai đoạn, đảo chiều mức tăng 0,3% của tháng 9 và 0,5% vào tháng 8.
“Kết quả xuất khẩu tốt hơn mong đợi có thể bắt nguồn từ việc các đơn hoàn bị trì hoãn trước đó do vấn đề thời tiết, các chương trình khuyến mãi hạ giá bán nhằm gia tăng thị phần và giai đoạn truyền thống chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm tại phương Tây”, Bruce Pang, Kinh tế trưởng tại JLL, nhận định.
Số liệu xuất, nhâp khẩu tháng 10 làm nổi bật hơn những gam màu trái chiều trong bức tranh kinh tế Trung Quốc. Kể từ sau đại dịch Covid-19, Trung Quốc phải đối mặt với thực trạng tâm lý tiêu dùng yếu, hệ quả của cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản. Ở đó, xuất khẩu nổi lên là điểm sáng hiếm hoi.
Hoạt động xuất khẩu vẫn ghi nhận tăng trưởng bất chấp căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu gia tăng, đặc biệt đối với sản phẩm xe điện. Trong tháng 10, xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ tăng 8,1% trong khi nhập khẩu tăng 6,6%. Giá trị xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu và Đông Nam Á trong giai đoạn này đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng hai chữ số, lần lượt ở 12,7% và 15,8%. Nổi bật nhất, xuất khẩu từ Trung Quốc sang Nga bật tăng gần 27%.
Nhưng ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ EU và ASEAN đều ghi nhận mức giảm trên 6% trong khi nhập khẩu từ Nga giảm 2,8%. Điều này cho thấy một góc nhìn bi quan về nền kinh tế khi nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước vẫn chưa có sự cải thiện rõ rệt dù các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác hỗ trợ thời gian qua.
Chưa dừng lại ở đó, triển vọng xuất khẩu của Trung Quốc được dự báo đối diện với không ít thách thức thời gian tới, đặc biệt với nhiệm kỳ bốn năm tiếp theo của tân Tổng thống Donald Trump. Năm 2018, chính ông Trump đã khơi mào cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Năm 2025, làn sóng bảo hộ từ Mỹ và châu Âu gia tăng sẽ kìm hãm đà tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc. Do đó, chính phủ nước này cần đẩy mạnh những giải pháp hỗ trợ nhằm hỗ trợ nhu cầu trong nước”, Erica Tay, Giám đốc nghiên cứu vĩ mô tại Maybank, khuyến nghị.