Fica
  1. Quốc tế

Trung Quốc vạch kế hoạch tăng thu nhập người dân, cải thiện tiêu dùng

Đại Phú
Đại Phú

Đây được coi là liều thuốc nhắm trung vào "chỗ đau" của nền kinh tế số hai thế giới...

Trung Quốc sẽ thực hiện một loạt biện pháp phục hồi tiêu dùng bằng cách tăng thu nhập của người dân, theo Tân Hoa Xã. Đây là một phần của kế hoạch triển khai những cam kết gần đây của chính phủ nhằm thúc đẩy nhu cầu nội địa trong bối cảnh nền kinh tế số 2 thế giới phải đối diện trực tiếp với những đe dọa từ chính quyền Donald Trump.

Văn phòng Trung ương đảng, cơ quan trực thuộc đảng Cộng sản Trung Quốc, cho biết kế hoạch vừa được Quốc vụ viện công bố ngày 16/3 sẽ giúp thúc đẩy "mạnh mẽ" tiêu dùng, mở rộng nhu cầu trong nước và "nâng cao năng lực tiêu dùng bằng cách tăng thu nhập và giảm gánh nặng chi phí".

Ngoài ra, hướng dẫn từ báo cáo của Quốc vụ viện Trung Quốc còn vạch ra nhiều biện pháp khác như ổn định thị trường chứng khoán và bất động sản, đồng thời tung ra các ưu đãi để nâng cao tỷ lệ sinh của đất nước, vốn đang rơi vào tình trạng già hóa dân số. 

Bên cạnh đó, chính phủ còn kêu gọi hỗ trợ thúc đẩy du lịch trong nước và du lịch quốc tế đến Trung Quốc, với trọng điểm là các khu vực băng tuyết nhằm hình thành nên các điểm du lịch mùa đông được công nhận trên toàn cầu. Các thỏa thuận miễn thị thực đơn phương sẽ được mở rộng và các chính sách nhập cảnh khu vực sẽ được tối ưu hóa.

Các nhà đầu tư đang chờ đợi những chi tiết từ cuộc họp báo dự kiến diễn ra vào 15h00 ngày 17/3 (theo giờ Bắc Kinh), nơi giới quan chức cấp cao sẽ chia sẻ cụ thể hơn về nhóm giải pháp thúc đẩy tiêu dùng.

Trung Quốc vạch kế hoạch tăng thu nhập người dân, cải thiện tiêu dùng - 1
Trung Quốc công bố kế hoạch nhắm tới "điểm yếu" tiêu dùng (Ảnh: Getty).

Các nhà hoạch định chính sách ở Trung Quốc đã ý thức được rằng sự cải thiện về mặt thu nhập là cần thiết để khuyến khích người dân tăng chi tiêu. Tại cuộc họp quốc hội diễn ra hồi đầu tháng, những lãnh đạo cao nhất đất nước đã đưa mục tiêu thúc đẩy tiêu dùng trở thành ưu tiên hàng đầu trong báo cáo công tác thường niên.

"Các hộ gia đình không thể chi tiêu khi không có tiền", Lynn Song, Kinh tế trưởng thị trường Trung Quốc tại Ngân hàng ING, cho biết. "Mặc dù chưa có nhiều chi tiết về cách chính phủ giúp tăng chi tiêu, chủ trương của kế hoạch đã cho thấy quyết tâm lớn trong việc giải quyết vấn đề nhức nhối của Trung Quốc", ông bổ sung. 

Kế hoạch vừa được công bố vào ngày chủ nhật vừa qua giúp cụ thể hóa một số cam kết được Thủ tướng Lý Cường công bố hồi đầu tháng khi ông trình bày báo cáo công tác thường niên trước quốc hội. Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đầy tham vọng khoảng 5% cho năm 2025 và đưa mục tiêu thâm hụt tài khóa lên mức cao nhất trong hơn 3 thập kỷ.

Việc nâng cao chi tiêu, tiêu dùng là chìa khóa để chống lại các chính sách thuế quan của Mỹ, hiện đang làm đảo lộn trật tự thương mại toàn cầu và gây ra rủi ro suy giảm xuất khẩu của Trung Quốc.

Xuất khẩu, kể từ sau Covid-19, là “xương sống” của nền kinh tế, đóng góp khoảng 30% vào tăng trưởng năm 2024. Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn đang phải vật lộn với tình trạng suy thoái bất động sản kéo dài, nguyên nhân khiến cho nhu cầu bị kìm nén và giảm phát. 

Bắc Kinh sẽ thúc đẩy "tăng trưởng hợp lý" về tiền lương và thiết lập một cơ chế lành mạnh để điều chỉnh mức lương tối thiểu, Tân Hoa Xã đưa tin. Họ cũng sẽ xem xét việc thiết lập một hệ thống trợ cấp chăm sóc trẻ em, cũng như tăng cường cách thức đầu tư có thể hỗ trợ thu nhập.

"So với các kế hoạch trước đây khi chỉ tập trung vào cải thiện nguồn cung, kế hoạch này lần đầu đề cập đến sự cấp thiết phải cải thiện thu nhập", nhóm phân tích tới từ Jefferies, viết trong một báo cáo gần đây. "Chúng tôi tin rằng chính phủ đang tập trung nhiều hơn nguồn lực cho việc đảm bảo phúc lợi cho các nhóm dân cư thu nhập thấp", họ nhận định. 

Trước đó, trước kỳ vọng Bắc Kinh tung ra nhiều giải pháp hỗ trợ tiêu dùng, thị trường cổ phiếu nước này đã ghi nhận phiên tăng mạnh nhất trong vòng hai tháng trở lại đây vào ngày 14/3 sau thông báo của Quốc vụ viện Trung Quốc về khả năng các quan chức bộ Tài chính, ngân hàng trung ương và một số bộ ngành chính phủ khác họp bàn các biện pháp thúc đẩy tiêu dùng vào ngày 17/3. 

"Với một số ít các biện pháp đang được triển khai như đổi cũ lấy mới và hỗ trợ thai sản tại một vài địa phương, những hướng dẫn mới này được thị trường đón nhận một cách tích cực", nhóm phân tích tại Morgan Stanley, nhận định.

Tin liên quan
Canada, Trung Quốc "trả đũa" Mỹ

Canada, Trung Quốc "trả đũa" Mỹ

Nhiều biện pháp trả đũa kế hoạch thuế quan đối với Mỹ đã được công bố sau những động thái mới nhất của ông Trump.