Fica
  1. Quốc tế

Trung Quốc: Nỗi lo khủng hoảng nhân khẩu học nhìn từ lượng đăng ký kết hôn

Đại Phú
Đại Phú

Áp lực tài chính, cuộc sống đang "bóp méo" quan điểm của người trẻ Trung Quốc về hôn nhân.

Số lượng đơn xin đăng ký kết hôn ở Trung Quốc đã giảm mạnh 20% xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2024, “gáo nước lạnh” dội vào những nỗ lực của chính phủ nước này nhằm đảo ngược cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang nhăm nhe đe dọa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo đó, số cặp đôi đăng ký kết hôn đã giảm xuống còn 6,1 triệu cặp trong năm vừa qua, theo thống kê do Bộ Dân chính Trung Quốc công bố ngày 8/2. Kết quả này dập tắt hy vọng của Bắc Kinh sau khi chỉ số trên tăng lên gần 7,7 triệu cặp vào năm 2023, khi đại dịch khép lại.

Như vậy, năm 2024 trở thành năm có số lượng các cặp đôi đăng ký kết hôn ít nhất kể từ khi công tác thống kê bắt đầu vào năm 1986, thậm chí chưa bằng một nửa so với mức đỉnh đạt được vào năm 2013.

Trung Quốc: Nỗi lo khủng hoảng nhân khẩu học nhìn từ lượng đăng ký kết hôn - 1
Tỷ lệ đăng ký kết hôn tại Trung Quốc thấp kỷ lục trong năm 2024 (Ảnh: Bloomberg)

Việc không thể khuyến khích được người dân kết hôn ở quốc gia hơn 1,4 tỷ người này chính “cơn đau đầu” đối với một chính phủ nước này, vốn đang phải “vật lộn” với một vấn đề nghiêm trọng khác: tình trạng sụt giảm mạnh số ca sinh.

 Thông thường, giấy chứng nhận kết hôn là thủ tục bắt buộc để đăng ký khai sinh cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, một số địa phương đã bãi bỏ yêu cầu này để các bậc cha mẹ đơn thân hoặc các cặp đôi chưa kết hôn có thể được hưởng các quyền lợi khai sinh giống như các cặp đôi đã kết hôn.

"Sự kết hợp giữa tỷ lệ thất nghiệp cao ở thanh niên và những rào cản cao đối với hôn nhân có thể đã kéo giảm mong muốn kết hôn của những người trẻ tuổi năm vừa qua", chuyên gia phân tích Ada Li tới từ Bloomberg Intelligence, nhận định.

"Khi những người trẻ tuổi ngày càng lo lắng về tương lai của mình, họ sẽ tập trung theo đuổi hạnh phúc cá nhân thay vì xây dựng gia đình. Chúng tôi tin rằng tỷ lệ kết hôn của Trung Quốc có thể tiếp tục giảm trong dài hạn", vị chuyên gia cảnh báo. 

Theo thống kê, tỷ lệ thất nghiệp ở những người từ 16 đến 24 tuổi tại Trung Quốc trong tháng 12 đạt 15,7%, mức được coi là cao so với lịch sử.

Ngoài ra, số lượng cặp đôi đăng ký kết hôn cũng có thể đã chịu ảnh hưởng từ quan điểm 2024 là một năm không may mắn cho hôn nhân, vốn được gọi là "năm Góa phụ". 

Dân số Trung Quốc đã giảm năm thứ ba liên tiếp vào năm 2024 dù số ca sinh có tăng nhẹ do năm Thìn là năm đẹp trong 12 con giáp. Dù vậy, năm ngoái vẫn là năm có số ca sinh thấp thứ hai kể từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập vào năm 1949. Điều này cho thấy một rủi ro dài hạn đối với nền kinh tế số hai thế giới khi lực lượng lao động được dự báo thu hẹp, gây áp lực đối với tăng trưởng.

Số lượng các đám cưới cũng đã liên tục sụt giảm trong thập kỷ qua, xuống dưới mốc 10 triệu vào năm 2019. Trong một bài phát biểu hồi tháng 10 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi thực hiện các giải pháp mạnh mẽ hơn giúp người trẻ tuổi định hình lại thái độ đối với hôn nhân, sinh con và gia đình.

Vào tháng 8/2024, Trung Quốc đã đề xuất dự luật giúp việc đăng ký kết hôn dễ dàng hơn và việc nộp đơn xin ly hôn trở nên khó khăn hơn, gây ra làn sóng phản ứng dữ dội từ công chúng.

Chủ đề về sự sụt giảm mạnh số lượng đăng ký kết hôn của Trung Quốc vào năm ngoái đã trở thành xu hướng trên nền tảng truyền thông xã hội Weibo, nơi một số bình luận hàng đầu chỉ ra rằng căng thẳng tài chính có liên quan trực tiếp tới thực trạng trên. 

Theo lời một người dùng, "cuộc sống đã quá mệt mỏi rồi. Ai còn can đảm kết hôn nữa?"

Một bình luận khác viết: "Kết hôn đòi hỏi một khoản chi phí lớn. Tôi đột nhiên cảm thấy năm nay việc độc thân không tệ. Tôi không có áp lực kết hôn và có thể tiêu tiền do chính mình kiếm được".

Nguồn: Bloomberg
Tin liên quan
Canada, Trung Quốc "trả đũa" Mỹ

Canada, Trung Quốc "trả đũa" Mỹ

Nhiều biện pháp trả đũa kế hoạch thuế quan đối với Mỹ đã được công bố sau những động thái mới nhất của ông Trump.