Fica
  1. Quốc tế

Người trẻ hà tiện: "Cơn đau đầu" của Trung Quốc

Đại Phú
Đại Phú

Người trẻ Trung Quốc thích tiết kiệm vì sự bất định "treo" trên đầu.

Xu hướng thắt chặt chi tiêu, vốn đã tồn tại từ giai đoạn đại dịch Covid-19 hoành hành và lên cao trào khi khủng hoảng bất động sản xuất hiện, đang nhăm nhe bùng nổ trở lại khi những người trẻ thuộc thế hệ Gen Z đang “ngó lơ” lời kêu gọi “mở hầu bao của chính phủ”. Thay vào đó, họ lại đề cao tinh thần tiết kiệm. 

Trên các nền tảng mạng xã hội như Xiaohongshu, nhiều người trẻ với độ tuổi chưa tới 30 đang ngày ngày chia sẻ những “bí kíp” tiết kiệm tiền ăn trưa và mua hàng hóa giá rẻ. 

Một số người có tầm ảnh hưởng trên những nền tảng này thậm chí còn dựng những video chuyên nghiệp nói về cách biến các nguyên tắc tài chính chặt chẽ trở thành một phong cách sống mới. Những bài đăng như vậy có thể thu hút tới hàng trăm triệu lượt xem.

“Tôi thấy nền kinh tế khá tệ. Mọi người gặp khó khăn nhiều hơn trong việc kiếm tiền. Do đó, bảo vệ túi tiền là việc cần làm”, Ava Su, 26 tuổi, một nhân viên Alibaba, chia sẻ dù sở hữu mức đãi ngộ tốt. 

Su nhận thấy công việc trong lĩnh vực internet không “ổn định”. Cô đã cắt giảm tối đa các khoản chi tiêu không cần thiết đồng thời lên mục tiêu tiết kiệm 2 triệu nhân dân tệ trong dài hạn. Số tiền này tương ứng với khoảng 100 tháng lương hiện tại của cô. 

Người trẻ hà tiện: "Cơn đau đầu" của Trung Quốc - 1
Người trẻ Trung Quốc ngần ngại chi tiêu (Ảnh: Reuters)

Theo dữ liệu từ Yu'e Bao, quỹ quản lý tiền ký gửi trực tuyến được tích hợp trên ứng dụng Alipay,  người dùng sinh sau năm 2000 thực hiện trung bình khoảng 20 khoản tiền gửi mỗi tháng tính tới cuối năm 2024, cao gấp hai lần so với hồi tháng 5 dù số liệu của tháng này đã cao hơn khoảng 10% so với năm liền kề trước đó. Yu'e Bao cho biết số tiền mà người dùng của họ giữ trong tài khoản tăng lên gần 3.000 nhân dân tệ, cao hơn 50% so với cùng kỳ. 

Một số chuyên gia kinh tế cảnh báo việc người trẻ có xu hướng tiết kiệm có thể làm suy mòn nhu cầu trong nền kinh tế, vốn là một trong những trụ cột quan trọng sản sinh ra tăng trưởng hàng năm. Tâm lý bi quan, nguyên nhân gây ra tình trạng lạm phát rất thấp tại nền kinh tế số hai thế giới, chính là mối đe dọa lớn nhất tới triển vọng tăng trưởng dài hạn của nước này. 

Đây là hiện tượng hoàn toàn trái ngược với quan điểm “tiêu không cần nghĩ” của nhóm dân cư “ánh trăng” (moonlight) sinh ra trong các thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước. 

Đây là giai đoạn mà nền kinh tế phát triển rực rỡ, mang lại vô số cơ hội việc làm và tiềm năng gia tăng thu nhập với chất lượng cuộc sống của người dân Trung Quốc cải thiện từng ngày, Ho-fung Hung, Giáo sư kinh tế chính trị tại Đại học Johns Hopkins, chia sẻ. Ông tiết lộ nhiều người trong giai đoạn đó “tháng nào tiêu sạch lương tháng đó”. 

Thế nhưng đại dịch Covid-19, đà giảm tốc của nền kinh tế và cái nhìn khắt khe hơn của Bắc Kinh đối với doanh nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực bất động sản và công nghệ, đã khiến cho thế hệ người trẻ cảm thấy bất an, ông bổ sung. 

“Sự lạc quan lần đầu biến mất kể từ khi Trung Quốc tiến hành cải cách vào năm 1978”, Giáo sư Hung, cho biết. 

Sự bi quan khiến cho nhiều người trẻ cạnh tranh nhau để có một vị trí công việc tại các cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp quốc doanh, nơi họ cho rằng có mức độ an toàn nghề nghiệp cao hơn. Với trường hợp của Su, cô không hề giấu giếm ý định chuyển sang ngạch công chức trong tương mai. 

Theo số liệu thống kê, tỷ lệ thất nghiệp trong khoảng 100 triệu người dân từ 16-24 tuổi tại Trung Quốc liên tục gia tăng trong hai năm gần đây. Trong tháng 6/2023, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ nước này chạm ngưỡng cao kỷ lục 21,3% (cứ 5 người thì có 1 người thất nghiệp). Điều này buộc cơ quan chức năng phải tạm dừng công bố số liệu trong vài tháng để thay đổi công thức tính. Còn trong tháng 12/2024, tỷ lệ này neo ở ngưỡng 15,7%. 

Lily Li, 26 tuổi, một giáo viên tiếng Anh tại Thâm Quyến, cho biết cô tiết kiệm tới 80% tổng mức lương 10.000 nhân dân tệ (1.364 USD) mỗi tháng sau khi cắt giảm mạnh các khoản chi tiêu không thiết yếu như quần áo và giải trí. 

Cô từng tham vọng làm việc trong lĩnh vực tư nhân nhưng sau cùng lại chọn theo ngành giáo viên để đảm bảo sự ổn định. Cô đã lên kế hoạch thay đổi công việc trong vài ba năm tới nhưng không chắc điều đó có trở thành sự thực hay không. 

Không giống như thế hệ Y khi đề cao sự thụ hưởng, tâm lý dè chừng của Gen Z càng lên cao đi cùng với những khó khăn của  nền kinh tế. 

Thời gian gần đây, từ khóa “tang ping” (hay còn gọi là nằm thẳng) trở nên rất phổ biến, phản ánh thực trạng xã hội đang bị bao phủ bởi tư tưởng “phi cấp tiến” (Involution). Đây chính là trạng thái mà người trẻ cảm thấy bị mắc kẹt trong cuộc ganh đua vô nghĩa. 

Xu hướng “phi cấp tiến” có thể châm ngòi 1 cuộc chiến về giá cả khi các doanh nghiệp cạnh tranh nhau trong môi trường nhu cầu suy giảm. Điều này khiến cho tình trạng giảm phát trong nền kinh tế càng thêm trầm trọng, Gary Ng, Chuyên gia kinh tế cấp cao tại Natixis, chia sẻ. 

“Với sự sụt giảm về tiêu dùng, tăng trưởng dài hạn của Trung Quốc có thể chậm lại”, ông bổ sung. 

Năm 2024, GDP của Trung Quốc tăng trưởng 5% nhờ vào cú bứt tốc trong quý cuối. Nhưng con số này được dự báo sẽ thấp hơn trong vòng hai năm tới. 

Nguồn: Reuters
Tin liên quan